Mật đắng nghề nuôi ong

Để có những lít mật ong tốt, người nuôi ong phải “neo” đàn ong của mình ở những cánh rừng nhiều hoa. Cứ thế những con người này dù phiêu bạt nơi đâu thì quanh năm đều phải sống ở rừng...

Bay theo những mùa hoa

Mùa này, những cánh rừng keo bạt ngàn vùng An Mã của huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình) đang đơm hoa vàng ươm. Dưới những cánh rừng này, thời gian gần đây xuất hiện hàng chục ngàn tổ ong được đưa từ các tỉnh phía Nam ra đánh mật.

Men theo tiếng ong vo ve, chúng tôi ghé vào một túp lều dựng bằng vải bạt giữa rừng keo thuộc địa phận xã Kim Thuỷ (Lệ Thuỷ). Xung quanh túp lều có trên 300 tổ ong đặt dưới những gốc cây. Đây là trại ong của anh Cao Trọng Huỳnh đến từ thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk. Anh Huỳnh năm nay 35 tuổi, nhưng cũng đã có 15 năm đưa ong đi đánh mật, phiêu bạt khắp các vùng miền và đây cũng là nghề cha truyền con nối của gia đình anh.

“Cái nghề này nó vậy, quanh năm phải phiêu bạt khắp nơi đưa ong đi tìm hoa. Cứ ở đâu có hoa là chúng tôi đưa ong đến, ở khoảng 3 - 4 tháng, hết hoa rồi lại đi. Đoàn của chúng tôi đi có 5 chủ trại, vừa mới di chuyển từ miền Bắc vào. Có hơn 1.500 đàn nhưng chia nhau mỗi người mỗi nơi, chứ không ở tập trung. Ở khu vực này thời tiết tốt, lại nhiều hoa dại, bắp, keo… nên mới hơn một tháng mỗi đàn cũng đánh được 3 cầu mật…”- anh Huỳnh tâm sự.

Mật đắng nghề nuôi ong - 1

Chăm sóc đàn ong

Ngoài các chủ trại đi theo đàn ong của mình, thì nghề này cũng có những “lính đánh thuê” chuyên nghiệp. Dưới tán rừng keo, anh Phan Đức Sơn quê ở Hà Tĩnh đang tất bật kiểm tra lại thành quả sau hơn một tháng đưa 200 đàn ong vào đây. Vốn là con nhà nòi trong nghề nuôi ong, nhưng sau những lần đi đánh mật, đàn ong của gia đình nhiễm bệnh chết hàng đàn, cụt vốn nên Sơn quyết định đi làm thuê cho các chủ trại để chờ đợi cơ hội mới.

Anh Sơn cho biết: “Đã hơn 2 năm nay tôi đi khắp các vùng miền làm nghề này. Tôi đang chăm sóc cho 200 đàn ong cho một chủ ong ở Đăk Lăk, lương gần 4 triệu đồng/tháng. Cố gắng làm vài ba mùa, khi có vốn sẽ về gây dựng lại đàn ong của gia đình…”.

Theo anh Sơn, nghề đưa ong đi tìm hoa không chỉ vì cuộc sống, mà còn có cả niềm đam mê: “Nếu không có đam mê thì anh không thể quanh năm bỏ vợ, bỏ con theo những đàn ong sống trong những cánh rừng được”.

Mật ngọt, mật đắng


Hơn một tháng từ khi đưa đàn ong di cư từ Đăk Lăk ra xã Kim Thuỷ tìm mật, anh Nguyễn Duy Nhân đã thu được hàng ngàn lít mật ong chất lượng cao. "Tôi mang ra 200 tổ ong, cứ 12 ngày là thu được 300 lít mật. Trừ tất cả chi phí, mỗi tháng lãi ròng 50-60 triệu đồng"- anh Nhân kể. Nhiều người nuôi khác cũng phấn khởi cho biết, từ khi ra Quảng Bình tìm mật, họ được trời ủng hộ nên hái ra tiền. Với đà này, sau 3 tháng đưa ong đi đánh mật, trừ tất cả các chi phí, nhiều người sẽ có trong tay từ 150-200 triệu đồng. Nếu làm ăn thuận lợi liên tiếp thì chỉ cần vài năm, một người nuôi ong đã cầm trong tay bạc tỷ.

Sau một lúc phấn khởi kể về công việc làm ăn đang thuận lợi, anh Nhân thoáng buồn khi nhắc đến những thất bại thê thảm của những người cùng nghề mà anh quen biết. Anh Nhân kể, trong các năm từ 2008-2010, hàng nghìn chủ ong ở Đăk Lăk cũng như các tỉnh miền Nam khác đưa ong di cư ra các tỉnh đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc tìm hoa đánh mật. Tuy nhiên, những đợt lạnh thấu xương liên tiếp ở đất Bắc khiến hàng trăm đàn ong di cư bị tiêu chảy rồi lăn ra chết hàng loạt.

Hầu hết những người sống bằng nghề đưa ong đi đánh mật mà chúng tôi gặp ở Quảng Bình đều bảo, “nghề này như một canh bạc khó lường”.

Bên cạnh đó, rất nhiều đàn ong còn bị trúng thuốc bảo vệ thực vật nên chết như ngả rạ. Những người bảo vệ được đàn ong thì cũng không quay được mật do trời quá lạnh. Mỗi chủ bị ong chết thiệt hại đến hàng trăm triệu đồng, nuôi quy mô lớn thì thiệt hại tiền tỷ. Nhiều chủ "chết" theo đàn ong vì bị đẩy vào cảnh sạt nghiệp và nợ nần. Nhiều người từ ông chủ trở thành kẻ làm thuê không nhà.

Trường hợp của anh Phan Đức Sơn là một ví dụ. Đưa ong đi đánh mật tại Hưng Yên, mới được hơn 10 ngày, bỗng dưng 300 đàn ong của gia đình Sơn trúng thuốc bảo vệ thực vật chết như ngả rạ… Dù không đến nỗi nợ nần chồng chất, nhưng tất cả vốn liếng tích góp cũng “gãy” theo những cánh ong. Đó cũng là chuyến đánh mật cuối cùng của gia đình Sơn sau hơn 10 năm phiêu bạt theo nghiệp nuôi ong.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phan Phương (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN