Khám bảo hiểm y tế: Mất cả ngày

Để giải quyết phiền hà trong khám chữa bệnh BHYT, tới đây, lộ trình cấp thẻ khám chữa bệnh BHYT tại TP HCM sẽ giảm dần số lượng ở tuyến trên để phân bổ về tuyến phường, xã.

Gọi là BHYT toàn dân nhưng mua thì không bán. Đi khám bệnh thì phải chờ “mút chỉ”, đến lượt thì bác sĩ khám qua loa. Mỗi lần khám bệnh BHYT phải bỏ cả ngày… Đó là những bức xúc được người dân nêu ra tại chương trình Lắng nghe và trao đổi với chủ đề "Khám chữa bệnh BHYT-Tiếng nói người trong cuộc" do HĐND TP HCM và Đài Truyền hình TP tổ chức ngày 7/7.

Năng lực tuyến dưới còn hạn chế

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP HCM, nêu vấn đề: BHYT là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, là cơ chế tài chính vững chắc giúp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chính sách này cần được triển khai sâu rộng, thiết thực và hiệu quả. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều thách thức đang đặt ra khi thực hiện mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân. Đến nay, TP HCM có hơn 4,8 triệu người tham gia BHYT, đạt 63,4% dân số. Tuy nhiên, trong công tác khám chữa bệnh BHYT vẫn còn một số bất cập gây bức xúc cho người dân.

PGS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, lo ngại do chưa bao quát đối tượng nông - lâm - ngư nghiệp nên BHYT ở thành phố chủ yếu là diện tự nguyện hoặc có bệnh mới mua dẫn đến nguy cơ hụt quỹ BHYT. BHYT tự nguyện mới đạt 28% nên khó tiến đến BHYT toàn dân.

Khám bảo hiểm y tế: Mất cả ngày - 1

Thời gian chờ khám chữa bệnh BHYT quá lâu là một trong những bức xúc của người dân hiện nay

Nhiều đại biểu, cử tri đã nêu ý kiến về việc khám bệnh theo BHYT rất “trần ai”, mất thời gian từ chờ khám đến cấp phát thuốc; còn biểu hiện phân biệt đối xử giữa khám bảo hiểm và khám dịch vụ; trình độ bác sĩ cùng chất lượng nhưng trang thiết bị y tế tuyến xã, phường chưa cao nên người bệnh thường dồn về tuyến trên dẫn đến quá tải…

Bà Nguyễn Thị Huyền (ngụ quận Phú Nhuận) cho biết mỗi lần khám bệnh BHYT là mất cả ngày. “Đến bệnh viện từ 7 giờ nhưng đến 9-10 giờ vẫn chưa được khám. Khám xong, mãi tới 14 giờ mới được cấp thuốc” - bà Huyền bức xúc. Bà Nguyễn Thị Kim Anh (ngụ huyện Bình Chánh) cho rằng khám BHYT phải chờ “mút chỉ cà tha” nhưng khi đến lượt thì bác sĩ chỉ khám qua loa.

Có ý kiến đề xuất tăng mức đóng BHYT tự nguyện lên gấp 2-3 lần so với hiện nay nhưng người dân có quyền lựa chọn nơi điều trị tốt nhất và thủ tục không còn rườm rà như hiện nay.

Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, cho rằng việc tham gia BHYT tại TP còn quá khiêm tốn so với cả nước. Bà cũng thừa nhận còn tồn tại một số vấn đề trong BHYT như lãng phí kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế, trình độ chuyên môn tuyến dưới hạn chế nên người bệnh đổ dồn lên tuyến trên.

Phiền hà do ngành y tế

Tại buổi đối thoại, một số giải pháp đã được những người trong cuộc đề ra, trong đó đáng chú ý là cần nâng cao năng lực chuyên môn tuyến phường, xã; trang bị hệ thống công nghệ thông tin; tăng số phòng khám, cải cách thủ tục hành chính trong khâu tiếp nhận bệnh, cấp thuốc; làm thẻ BHYT có mã vạch…

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết 3 giải pháp ngành y tế sẽ tập trung thực hiện là giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, giảm phiền hà; nâng chất lượng khám chữa bệnh; người bệnh được hưởng dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Ngoài ra, theo lộ trình, khám chữa bệnh BHYT sẽ giảm dần số bệnh nhân ở bệnh viện tuyến trên, về lâu dài sẽ chuyển về tuyến phường, xã. Các bệnh viện trung tâm lúc đó chỉ tập trung điều trị nội trú. Để thực hiện mục tiêu này, Sở Y tế sẽ giám sát năng lực khám chữa bệnh tuyến phường, xã. Theo bà Lưu Thị Thanh Huyền, BHXH đang có phương án giảm tải, trong đó trang bị hệ thống công nghệ thông tin trong tiếp nhận bệnh nhân BHYT. Làm sao để người đăng ký BHYT có một mã số suốt đời. Tuy nhiên, bà Huyền cho rằng muốn được vậy còn phải chờ sự đồng bộ của Bộ Y tế.

Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận cho rằng ngân sách TP dành cho lĩnh vực y tế, giáo dục là rất lớn. Đầu tư máy móc không khó nhưng lại thiếu con người. Những phiền hà không phải từ người dân mà do ngành y tế. Theo ông Hứa Ngọc Thuận, sắp tới TP sẽ phân bổ thẻ BHYT theo năng lực phường, xã; thực hiện công bằng cho tất cả người bệnh chứ không riêng BHYT; chấm dứt tình trạng trục lợi ở ngành y tế. Ngoài ra, việc đấu thầu thuốc, thiết bị y tế…, TP sẽ tập trung tránh bất cập. “Người dân giám sát, xem chúng ta triển khai BHYT theo kiểu nào mới đặt niềm tin, quyết định nên mua BHYT hay không”- Phó Chủ tịch Hứa Ngọc Thuận nhấn mạnh.

Đẩy mạnh đào tạo nhân lực y tế

Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận, TP đã đề nghị Chính phủ được đẩy mạnh đào tạo nhân lực ngành y tế nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hiện nay. Theo đó, năm 2015, TP HCM sẽ tuyển chọn, đào tạo 800-1.200 cán bộ y tế, cao gấp nhiều lần số đang đào tạo hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thạnh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN