Kết hôn ở tuổi 16: Phản khoa học

Một số chuyên gia cho rằng, đề xuất hạ độ tuổi kết hôn xuống còn 16 tuổi của Bộ Tư pháp là thiếu tính khoa học.

Vừa qua, đại diện Bộ Tư pháp và một số ý kiến đề nghị cân nhắc bổ sung quy định ngoại lệ đối với trường hợp nữ chưa đủ 18 tuổi. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu ý kiến: Theo quy định hiện nay, 17 tuổi 1 ngày nghĩa là thành 18 tuổi, giả sử hạ cũng chỉ là xuống 1 tuổi so với hiện hành.

Nữ 16 tuổi chưa phát triển đầy đủ

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất thẳng thắn bày tỏ: Đề xuất hạ độ tuổi kết hôn của Bộ Tư pháp là thiếu khoa học. “Ở lứa tuổi 16 tâm sinh lý của trẻ chưa trưởng thành. Ý kiến đề xuất hạ độ tuổi kết hôn là chưa đầy đủ, nó mới dựa vào thực tế chứ chưa mang tính khoa học. Nếu các vị dựa vào câu nữ thập tam, nam thập lục áp dụng vào Luật là không hợp lý”.

Theo ông Chất, về vấn đề tâm lý, sinh lý, ứng xử của lứa tuổi 16 (tuổi vị thành niên) chưa hoàn thiện. Đây là lứa tuổi chợt nắng, chợt mưa, hơi một chút là buồn, lại vui, chưa đầy đủ nếu kết hôn sẽ rất khổ.

Đặc biệt ở tuổi 16 kỹ năng sống chưa có, trẻ vị thành niên vẫn chưa cảm nhận, nhìn xa trông rộng được, chưa làm được vai trò của người mẹ, người con, người chồng. Từ đó gia đình sẽ nảy sinh nhiều mâu thuẫn.

“Tóm lại, nếu dự thảo của Bộ Tư pháp ban hành tuổi kết hôn ở độ tuổi 16 sẽ chỉ tồn tại nòi giống chứ không phải về trí tuệ”. Ông Chất chia sẻ.

Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, đề xuất hạ độ tuổi kết hôn của Bộ Tư pháp so với quy định hiện hành là không phù hợp nếu xét trên phương diện y học.

Ông Quyết lý giải, phụ nữ dưới 18 tuổi chưa đủ chín chắn, chưa có nhiều kiến thức về sức khỏe sinh sản để làm một người mẹ tốt. Hơn nữa, phụ nữ ở độ tuổi 18 khung xương chậu chưa phát triển hết để có thể sinh con. Ở lứa tuổi này, xương, não, tim, gan, hô hấp chưa hoàn hảo chứ không phải chỉ nói riêng về quan hệ nam, nữ.

Kết hôn ở tuổi 16:  Phản khoa học - 1

PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương

Bác sĩ Quyết thừa nhận, ở tuổi dậy thì, các em gái hoàn toàn có khả năng sinh con. Tuy nhiên, vì chức năng của các cơ quan thuộc hệ thống sinh sản chưa phát triển hoàn thiện nên chưa đủ khả năng mang thai, nuôi con và nhất là dạy con.

Giám đốc Bệnh viện Phụ sản lo ngại, nếu kết hôn ở độ tuổi 16, tiên lượng số ca đẻ khó, tai biến sản khoa sẽ tăng lên, số trường hợp mổ đẻ cũng tăng cao bởi ở tuổi 16 nữ giới chưa phát triển đầy đủ, kinh nguyệt không đều, khó có thể sinh nở được bình thường.

“Hiện nay chưa có nghiên cứu nào về số lượng tai biến sản khoa ở lứa tuổi 16, nhưng các cháu vào chủ yếu là mổ đẻ, kêu la giãy giụa, ảnh hưởng đến tâm lý bác sĩ khi làm các thủ thuật và điều trị”, BS Quyết nói.

Đi ngược xu hướng tiến bộ

Theo GS.TS. Nguyễn Đình Cử, Nguyên Viện trưởng Viện Dân số, nếu cho phép kết hôn ở tuổi 16 sẽ làm chậm sự phát triển xã hội, giảm chất lượng cuộc sống. Các bà mẹ ở lứa tuổi này sẽ không có thời gian và kỹ năng chăm sóc, nuôi dạy con cái.

Giáo sư Cử cũng khẳng định, không nên hạ độ tuổi kết hôn. Hạ độ tuổi kết hôn là không phù hợp với thực tế của Việt Nam.

“Không nên hạ độ tuổi kết hôn mà thay vào đó Bộ Tư pháp nên duy trì độ tuổi kết hôn ở thời điểm hiện tại là 18 đối với nữ và 20 đối với nam”, GS Cử bày tỏ.

Kết hôn ở tuổi 16:  Phản khoa học - 2

GS.TS. Nguyễn Đình Cử, Nguyên Viện trưởng Viện Dân số, nên duy trì độ tuổi kết hôn ở thời điểm hiện tại là 18 đối với nữ và 20 đối với nam (Ảnh minh họa)

Ông Cử cho biết, dự thảo hạ độ tuổi kết hôn là đi ngược với xu hướng tiến bộ hiện tại. Hiện nay, tuổi kết hôn đa số đã tăng cao. Cụ thể đối với nam xấp xỉ 23 và nữ xấp xỉ 22. Để tiến tới xã hội hiện đại nên duy trì ở độ tuổi kết hôn từ tuổi 18 đến 20 tuổi chứ không nên hạ thấp xuống.

Hiện nay người kết hôn trẻ tuổi ít, phù hợp với xu hướng học tập và lao động của người Việt Nam. Ngày càng nhiều người có nhu cầu ổn định nghề nghiệp.

“Quan điểm của tôi hoàn toàn ủng hộ xu hướng học tập, xây dựng khi độ tuổi kết hôn của thanh niên hiện nay”, ông Cử nói.

Tuy nhiên, ông Cử cũng cho biết: "Những người đề xuất hạ độ tuổi kết hôn, tôi nghĩ họ cũng có lý do".

Ông Cử phân tích, hiện nay, nhiều nơi thực trạng kết hôn sớm theo tập quán vẫn diễn ra khá phổ biến ở một số vùng, miền dù quy định về độ tuổi kết hôn hiện hành đã được thực hiện ổn định trong thời gian dài. Ở những vùng này, họ trưởng thành sớm hơn, kết hôn sinh con và làm một bộ phận khó khăn hơn. Do đó, không nên hạ độ tuổi kết hôn trong toàn quốc.

Theo ông Cử, nếu hạ độ tuổi kết hôn chưa chắc làm bùng nổ dân số. Bởi trước đây có người 45, 49 tuổi vẫn sinh con, còn hiện tại thanh niên hầu hết kết thúc quá trình sinh sản sớm. Điều quan trọng có lẽ là tinh thần của trẻ vị thành niên, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội.

Ông Cử khẳng định, để biết được thời điểm kết hôn phù hợp, cái chính là phải tuyên truyền, giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội để các cháu nhận ra thời điểm nào thì nên kết hôn và dám chịu trách nhiệm cho các quyết định của mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Trịnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN