Hy vọng đổi đời, dân đổ xô trồng sưa
Sau nhiều lần tìm kiếm thông tin, nhóm PV đã có mặt tại một khu trại phân phối cây sưa của anh Nguyễn Văn Lâm (xã Tân Xuân, hóc môn, TP.HCM) ghi nhận sự nhộn nhịp của thị trường cây này.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Lâm cho biết, cây sưa giống mà anh đang bán có xuất xứ ở các tỉnh phía Bắc. Sau khi cây cứng cáp, khoảng 3 tháng sau khi gieo hạt thì được vận chuyển bằng xe tải và tàu vào miền Nam, cung cấp cho thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Dù giống sưa được ươm ở miền Bắc nhưng khi vào Nam vẫn sinh trưởng tốt và phát triển nhanh vì chúng vốn là loại cây rừng phù hợp với khí hậu nhiệt đới. Từ lúc gieo hạt tới khi có thể bán gỗ khoảng hơn 10 năm.
Rải rác xung quanh TP.HCM như huyện Củ Chi, Hoóc Môn, Q.12, Q.9…, nhiều nhà vườn có diện tích cây giống sưa rất lớn nhưng đôi khi không đủ cung cấp giống sưa cho thị trường.
Người dân đổ xô đi mua sưa giống về trồng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá của giống sưa ở các nhà vườn cũng có sự chênh lệch không nhỏ, mỗi nơi mỗi giá, không thống nhất. Tính trung bình loại cây cao từ 30 - 40cm có giá 3.000 đồng/cây, cây cao từ 50 - 80cm có giá 5.000 đồng, cây cao từ 50-80cm có giá 12.000 đồng, cây cao từ 2m - 4m, có giá 200.000 đồng, cây cao từ 3-5m, đường kính thân 4cm có giá 300.000 đồng, cây cao trên 5m, đường kính thân 5cm có giá 400.000 đồng... Lượng cây của những khu vườn ươm này được nhiều người săn đón, tìm mua vì nghe thông tin giá trị kinh tế cao, dễ trồng, dễ chăm sóc và đặc điểm ít sâu bệnh.
Bên cạnh đó, nhiều người dân hiếu kì cũng muốn có vài cây sưa quý trồng trong vườn nhà làm cảnh để khoe với bạn bè cho biết. Chính vì thế, trên thị trường hiện nay, giống cây sưa bán rất chạy và được người bán quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
Trong khi các ban ngành chức năng chưa có những thông tin cụ thể nên hay không nên trồng loại cây này như các loại cây gỗ rừng khác.
Trao đổi với PV, anh Phong - chủ một vựa cây giống sưa ở quận 9, TP.HCM cho biết, hiện nay có khá nhiều nhà vườn cung cấp loại cây này. Mỗi ngày, anh Phong bán cả trăm cây sưa giống với đủ kích cỡ, thu nhập trung bình riêng tiền bán giống sưa khoảng hơn 4 triệu đồng/ngày. Giá cả cũng chênh lệch khá lớn, tùy theo số lượng mà khách hàng mua nhiều hay ít. Nếu mua số lượng trên 30 cây nhà vườn sẽ giảm 5%, nếu mua số lượng lớn trên 1.000 cây thì có thể giảm nhiều hơn, tối đa lên đến 15% so với giá ban đầu.
Tuy là nhà cung ứng cây giống nhưng anh Phong và nhiều nhà vườn cung cấp giống cây này cũng mập mờ về công dụng của gỗ sưa, như làm bàn ghế, tủ thờ, quan tài, cầu thủy tinh… Ngoài ra, gỗ sưa còn mang ý nghĩa tâm linh, dùng đồ làm từ gỗ sưa sẽ mang lại may mắn. Ngoài những thông tin trên, những chủ nhà vườn cũng thắc mắc không biết tại sao giá của chúng lại "khủng" đến vậy.
Chị Ngọc Thanh (ngụ tại Q.Thủ Đức, TP.HCM) đã từng mua 5 cây sưa giống về trồng trong khu vườn nhỏ của mình. Chị cho biết, mua loại cây này về trồng chủ yếu là "làm dáng" vì trông nó cũng đẹp, hơn nữa loại cây này nghe nói rất quý, được nhiều người săn lùng, nên mỗi khi nhà có khách chị lại có dịp dẫn họ ra vườn để khoe loại cây "đắt hơn vàng" này.
Một lão nông tên Phan ở tỉnh Bình Phước đã chặt vườn điều của mình, sau bao năm gắn bó với cây điều mà không đem lại hiệu quả kinh tế như mong muốn. Ông Phan cho biết, do giá điều xuống thấp, ông phá điều, thay vào diện tích đó, ông trồng cao su theo phong trào, một phần ông xuống giống cây sưa, hy vọng đổi đời từ loại cây này.
Những người như chị Thanh và ông Phan không phải là hiếm. Đa số họ đều nghe thông tin trước mắt là loại cây này là loại gỗ quý, đem lại giá trị kinh tế cao, không phải lo đầu ra cho sản phẩm, lại dễ trồng, dễ chăm sóc… Chính tâm lý này đã khiến giống sưa trở nên đắt đỏ.
Ngoài ra loại cây này nhiều người trồng, trở thành phong trào khắp các tỉnh thành nên chúng được phổ biến ngày càng rộng rãi. Hy vọng sắp tới các ngành chức năng có thể biết được chính xác giá trị thật sự của cây sưa và có những định hướng đối với những người trồng cây sưa nhằm mục đích kinh tế.