Hội nghị Paris: Bước ngoặt lịch sử

Bất chấp việc “cơm không lành, canh không ngọt” giữa Sài Gòn và Washington, ngày 4/1/1973 phiên họp thứ 172 Hội nghị Paris về Việt Nam được khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, đại lộ Kleber, Paris.

Phiên họp có sự tham dự của đại diện phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa Nguyễn Minh Vỹ, đại diện phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam Đinh Bá Thi, đại sứ William Porter - trưởng phái đoàn Hoa Kỳ và Phạm Đăng Lâm - trưởng phái đoàn Sài Gòn.

Vẫn bất đồng quan điểm


Được quyền phát biểu khai mạc phiên họp, Phạm Đăng Lâm tiếp tục phủ nhận vị thế của Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam và đòi hỏi giải quyết vấn đề Việt Nam như trường hợp của Đại Hàn và nước Đức. Ông ta cho rằng ở Việt Nam “có hai quốc gia Việt Nam biệt lập”.

Bác bỏ các luận điệu trên, đại diện phái đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam Đinh Bá Thi kiên định khẳng định: “miền Nam Việt Nam có hai chính quyền và hai quân đội” và Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam “phải cùng phân chia quyền hành với chính phủ Sài Gòn”. Đồng quan điểm trên, đại diện phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa Nguyễn Minh Vỹ yêu cầu Hoa Kỳ ký kết hiệp định mà không được đòi hỏi thay đổi nội dung dự thảo ngày 20/10/1972.

Ngày 7/1/1973, cố vấn Lê Đức Thọ đến Paris chuẩn bị cho cuộc gặp riêng với Kissinger. Tại đây ông tuyên bố: “Từ ngày 13/12/1972, chỉ còn vài vấn đề chưa được giải quyết và có nhiều hi vọng sẽ có kết quả nhanh chóng”. Đồng thời ông lên án Hoa Kỳ ném bom miền Bắc Việt Nam, làm cản trở mật đàm bằng các yêu sách đòi thay đổi căn bản nội dung bản dự thảo hiệp định. Trong khi tại Washington, tổng thống Nixon nhiều lần triệu tập tiến sĩ Kissinger để ra chỉ thị cho cuộc mật đàm. Khi đến Paris, Kissinger tuyên bố “sẽ cố gắng hết sức để mật đàm tiến triển và đem lại kết quả”.

Hội nghị Paris: Bước ngoặt lịch sử - 1

Ông Lê Đức Thọ (phải) trò chuyện riêng với cố vấn Kissinger - Ảnh: Bettmann/Corbis

Cuộc mật đàm thứ 23

Ngày 8/1/1973, cuộc mật đàm thứ 23 diễn ra và kéo dài đến ngày 14/1/1973 với thái độ lạnh nhạt của cả hai phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Hoa Kỳ. Nhưng đến gần kết thúc cuộc mật đàm, thái độ của hai trưởng phái đoàn đột nhiên trở nên cởi mở. Ngày 12/1/1973, lần đầu tiên các chuyên viên (phụ trách các vấn đề kỹ thuật - BT) đã cùng họp chung với hai trưởng đoàn. Đến cuối ngày, hai phái đoàn đã cùng chụp ảnh lưu niệm. Sau đó, Kissinger trở về Washington báo cáo kết quả mật đàm với tổng thống Nixon.

Mặc dù nội dung phiên họp mật không được tiết lộ, nhưng các sự kiện ngoại giao quốc tế trong thời gian cuộc đàm phán diễn ra, cho thấy tiến trình đàm phán hòa bình về Việt Nam đã có sự tiến triển rõ nét. Ngày 9/1/1973, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kurt Waldheim tuyên bố trong một cuộc họp báo: “Liên Hiệp Quốc đã được mời tham dự một cuộc hội nghị về Việt Nam có thể diễn ra trong tương lai và lúc đó Liên Hiệp Quốc sẽ dự liệu đóng góp vào việc tái thiết Đông Dương”.

Diễn tiến trên cho thấy, kết thúc phiên mật đàm thứ 23, Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã cơ bản thống nhất nội dung dự thảo và chỉ còn lại các vấn đề mang tính kỹ thuật.

Ngày 15/1/1973, bắt đầu cuộc mật đàm kỹ thuật kéo dài một tuần giữa đại diện Hoa Kỳ Sullivan với đại diện Việt Nam Dân chủ cộng hòa Nguyễn Cơ Thạch để hoàn thiện bản dự thảo hiệp định. Trong khi đó, cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy cùng họp với phó trưởng đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam Đinh Bá Thi thông báo về tiến trình ký kết hiệp định.

Ở Washington, ngày 16/1/1973, tổng thống Nixon ra lệnh ngừng oanh tạc toàn bộ miền Bắc Việt Nam. Trong khi Kissinger gặp ngoại trưởng Hoa Kỳ Roger chuẩn bị cho việc ký kết. Còn đại tướng Haig được cử đi Đông Nam Á để trao đổi với chính quyền Sài Gòn và các chính quyền thân Hoa Kỳ tại khu vực này, thông báo sự tiến triển của tiến trình đàm phán.

Hội nghị Paris: Bước ngoặt lịch sử - 2

Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ (giữa) trả lời họp báo tại Paris tháng 1/1973 - Ảnh: Jacques Haillot

Phiên họp cuối cùng

Trong sự biến chuyển mau lẹ sau phiên mật đàm thứ 23 giữa Kissinger và cố vấn Lê Đức Thọ, ngày 18/1/1973 phiên họp thứ 174 - phiên họp cuối cùng của Hội nghị Paris về Việt Nam, được khai mạc với sự tham dự của các phó trưởng đoàn. Phiên họp đã diễn ra với lời lẽ hòa dịu và các bên cùng thống nhất đi đến ký kết hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ngay cả Nguyễn Xuân Phong, phó trưởng đoàn chính quyền Sài Gòn, đến lúc này cũng không còn đòi hỏi bất cứ một yêu sách nào mà tỏ ra hết sức ôn hòa:

“Cuộc hòa đàm đã tiến tới giai đoạn cho thấy ánh sáng lập lòe của hòa bình... Chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận mọi cố gắng cần thiết khác để dồn hết nỗ lực khắc phục những khó khăn trở ngại cuối cùng và phải tỏ một thái độ, không phải hấp tấp vội vã mà bình tĩnh và nhẫn nại...”.

Trong khi phó trưởng đoàn Hoa Kỳ Heyward Isham truyền đạt lại quan điểm chấp nhận đàm phán để đi đến ký kết hiệp định của tổng thống Nixon.

Phó trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, ông Đinh Bá Thi, sau khi nêu lên hiện tình chiến tranh tại miền Nam Việt Nam, đã cho rằng vấn đề giải quyết hòa bình ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn tùy thuộc Hoa Kỳ. Phát biểu của ông nêu rõ: “Hòa bình ngay ở Việt Nam là đòi hỏi bức thiết của nhân dân Việt Nam, nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới. Chánh phủ Mỹ không thể làm ngơ mãi trước đòi hỏi bức thiết đó. Không những Mỹ phải chấm dứt vĩnh viễn mọi hành động chiến tranh chống nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mà còn phải từ bỏ chánh sách “Việt Nam hóa chiến tranh”, chấm dứt mọi sự can thiệp của họ ở miền Nam Việt Nam. Họ phải ký ngay Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.

Phát biểu kết thúc phiên họp, cũng là kết thúc Hội nghị Paris về Việt Nam, phó trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ông Nguyễn Minh Vỹ, sau khi tổng kết lại quá trình đàm phán tại Paris, tỏ rõ sự hoan nghênh và tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ông phát biểu:

“Thưa quý vị,

Mục đích Hội nghị bốn bên về Việt Nam tại Paris là tìm một giải pháp đúng đắn cho vấn đề Việt Nam. Chúng tôi nhấn mạnh: để giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam, Mỹ hãy chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, chấm dứt mọi hành động nhằm tăng cường lực lượng và yểm trợ cho quân đội Sài Gòn; chính quyền Sài Gòn hãy chấm dứt ngay mọi cuộc hành quân càn quét lấn chiếm, mọi hành động khủng bố nhân dân và tù chính trị. Các bên hãy nhanh chóng ký “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” trên cơ sở tôn trọng những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam”.

Đến đây, Hội nghị Paris về Việt Nam, sau bốn năm và hơn tám tháng, gồm hai phiên họp về thủ tục (phiên họp ngày 10/5/1968 và phiên họp ngày 18/1/1969), 202 phiên họp chính thức (28 phiên họp hai bên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ cộng hòa và 174 phiên họp bốn bên), đã kết thúc với kết quả các bên thống nhất đi đến ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

(Trích từ quyển Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, do NXB Chính Trị Quốc Gia phát hành 21/01/2013)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuổi Trẻ
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN