Hành trình đầu tiên của tàu Curiosity
Các nhà khoa học Mỹ ngày 17/8 cho biết Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa tiết lộ kế hoạch về đợt di chuyển đầu tiên trên Sao Hỏa của tàu thăm dò tự hành Curiosity.
Phòng thí nghiệm khoa học di động này đã hạ cánh an toàn xuống Hành tinh Đỏ hôm 6/8 và kể từ đó đã liên tục gửi về Trái Đất các hình ảnh bề mặt miệng núi lửa Gale.
Tuy nhiên, tàu vũ trụ này chưa hề rời khỏi vị trí đáp xuống vì các nhà điều khiển còn phải đảm bảo cho các hệ thống của nó hoạt động thông suốt.
Theo NASA, mục tiêu chính của Curiosity là Đỉnh núi Sharp nằm cách vị trí mà con tàu tự hành này đáp xuống khoảng 20km.
Đỉnh núi này bao gồm nhiều lớp đất đá hình thành qua thời gian. Bằng cách sử dụng các công cụ khoa học, Curiosity sẽ kiểm tra các phân tử hữu cơ, những yếu tố cho thấy Hành tinh Đỏ liệu đã từng có sự sống hay chưa.
Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận định Curiosity sẽ mất gần một năm để hoàn tất lộ trình này, phụ thuộc vào thời gian dừng để thực hiện các nghiên cứu trong chuyến đi.
Trước khi khám phá Đỉnh núi Sharp, Curiosity sẽ thực hiện chuyến hành trình ngược lại đến một địa điểm gần đó có tên "Glenelg" để tiến hành phân tích ba loại địa chất tại đây.
Theo các nhà khoa học, cái tên "Glenelg" có thể được đọc xuôi và ngược, và phù hợp với ý nghĩa hành trình đầu tiên của Curiosity bởi chiếc tàu tự hành này phải quay ngược lại Đỉnh núi Sharp sau khi khám phá Glenelg.
Dự kiến, Curiosity sẽ phải mất khoảng hơn hai tháng để đến địa danh trên và lưu lại đó khoảng một tháng.
Để phục vụ chuyến đi đầu tiên này, trong tuần tới, các nhà khoa học sẽ tiến hành kiểm tra một số thiết bị của Curiosity, bao gồm hệ thống bắn tia laser được dùng để phá hủy các tầng đá mỏng và một kính viễn vọng nhỏ phục vụ quá trình phân tích các loại khí để xác định các thành phần của đất đá trên Sao Hỏa.
Curiosity cũng được trang bị một hệ thống kết hợp được gọi là ChemCam (Chemistry Camera), thực hiện khoảng 14.000 phép đo đạc khác nhau.
Trước đó, các kỹ sư cũng đã nâng cấp thành công phần mềm điều khiển của Curiosity, chuyển cả máy chủ và máy tính dự phòng của con tàu từ chế độ hạ cánh sang chế độ bề mặt.
Cuộc “cấy não” kéo dài bốn ngày này tạm thời làm gián đoạn công tác nghiên cứu khoa học và kiểm tra dụng cụ của Curiosity, vốn được xúc tiến ngay sau khi tàu đáp xuống Hố núi Gale vào ngày 6/8.
Dự án phòng thí nghiệm khoa học Sao Hỏa Curiosity trị giá 2,5 tỷ USD là sứ mệnh nghiên cứu sinh học vũ trụ đầu tiên của NASA kể từ sau các tàu thăm dò Viking hồi những năm 1970.
Con tàu này có kích thước tương tự một chiếc ôtô và tổng trọng lượng khoảng 900 kg, nặng gấp 5 lần tàu thăm dò Spirit và Oppoturnity, đã từng lên Sao Hỏa hồi năm 2004.
Sứ mệnh của phòng thí nghiệm tỷ đô này là nhằm tìm kiếm dấu hiệu của sự sống hiện tại hoặc hỗ trợ sự sống trong quá khứ trên Sao Hỏa. Ngoài ra, nó cũng được dùng để nghiên cứu môi trường tại đây, chuẩn bị cho việc đưa con người lên hành tinh này trong những năm tới./.