Hai lần suýt chết vì ăn tiết canh

Mới ra viện được hơn 1 tháng, nay anh N.V.T, Hà Nội lại phải nhập viện chỉ vì thèm bát tiết canh.

Theo TS.BS. Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Virus- Ký sinh trùng, BV Nhiệt đới Trung ương cho biết,: “Hiện tại BV đang điều trị cho 3 trường hợp mắc liên cầu lợn. Trước đó không ít trường hợp nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, phát ban hoại tử trên da, sốc, suy hô hấp phải thở máy”.

Đáng chú ý là bệnh nhân Nguyễn Văn T (ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, đau đầu, buồn nôn, trên vùng da ở chân, tay đã xuất hiện các ban xuất huyết hoại tử… Gia đình anh T cho biết, trước khi nhập viện anh T đã ăn tiết canh, uống rượu. Theo các bác sỹ, trước đó anh T đã điều trị ở bệnh viện hơn một tháng mới được ra viện nhưng lại ăn tiết canh. Đây là lần thứ hai anh T vào viện điều trị do tái nhiễm liên cầu lợn cũng chỉ vì thèm bát tiết canh.

Hai lần suýt chết vì ăn tiết canh - 1

Bệnh nhân điều trị tại BV Nhiệt đới Trung ương do nhiễm liên cầu lợn. Ảnh: Thu Trịnh

Trường hợp ông P.X.V,52 tuổi quê ở Nam Định không ăn tiết canh nhưng lại giết mổ và bán thịt lợn. Gia đình bệnh nhân cho biết, sau khi giết mổ lợn ông V về nhà thấy sốt, mệt mỏi cho đến ngày hôm sau ông V rơi vào trạng thái lơ mơ và lập tức nhập viện. Sau khi thăm khám và xét nghiệm BS kết luận ông V bị mắc liên cầu lợn. Đến nay sức khỏe của ông Đ đã có tiến triển tốt nhưng vẫn bị giảm thính lực.

Trường hợp bà Hoàng Thị M, nhập viện ngày 3/9 trong tình trạng sốt, đau đầu, buồn nôn và đi ngoài phân lỏng được chẩn đoán mắc bệnh liên cầu lợn. Được biết, bệnh nhân M trước khi nhập viện có ăn thịt lợn và tiếp xúc trực tiếp với lợn. Do nhập viện điều trị kịp thời nên sức khỏe của bà M đã dần hồi phục.

Theo BS Lâm, hầu hết bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn là do tiếp xúc trực tiếp với lợn bị bệnh hoặc ăn thịt lợn chế biến kỹ bao gồm cả tiết canh, nem chua, nem chạo, trong đó có khoảng trên 30% bệnh nhân hay ăn tiết canh. Người bệnh từng bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại lần sau dù đã được điều trị khỏi.

“Thông thường, một bệnh nhân bị mắc liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 2 - 3 tuần. Còn những người bị nhiễm trùng huyết phải điều trị đến 2 tháng. Chi phí điều trị với trường hợp bình thường với kháng sinh đặc hiệu cũng 500.000đ/ngày còn những bệnh nhân bị biến chứng gây suy hô hấp, suy thận hỗ trợ tuần hoàn chi phí điều trị phải mất từ 3 – 5 triệu đồng/ngày”. BS Lâm nói.

Hai lần suýt chết vì ăn tiết canh - 2

Theo BS Lâm, người bệnh từng bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại lần sau dù đã được điều trị khỏi. (Ảnh: Thu Trịnh)

BS Lâm cho biết thêm, trên cơ thể lợn còn chứa một số bệnh ký sinh trùng như giun, sán. Ngoài ra, trong máu của gia súc, gia cầm kể cả những con khỏe mạnh đều chứa rất nhiều virus, vi khuẩn gây bệnh. Khi ăn những thực phẩm này, người bệnh sẽ trực tiếp đưa vi trùng, vi khuẩn gây bệnh vào trong người.

Dù đã được cảnh báo không ăn tiết canh, không ăn thịt chưa chế biến kỹ, không tiếp xúc với lợn ốm nhưng nhiều người vẫn mặc “kệ”. Họ cứ thèm là ăn. Trước tình trạng này, Th.S, BS.CKII. Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cảnh báo: “Ăn tiết canh hoặc thực phẩm chưa nấu chín có thể mắc bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn rất nguy hiểm. Bệnh có diễn biến nhanh, chỉ trong vòng 10-20 giờ đã có thể rất nguy hiểm đến tính mạng như sốc do nhiễm khuẩn huyết, thậm chí dẫn đến tử vong nếu điều trị muộn.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Trịnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN