Hà Nội lý giải tên 2 quận Nam – Bắc Từ Liêm

Chiều 3/12, tại cuộc giao ban báo chí tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, ông Phan Đăng Long – Phó Ban Tuyên giáo đã lý giải tên gọi hai quận mới sắp được hình thành là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.

Ông Phan Đăng Long cho biết, việc thành lập quận mới nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân. Tuy vậy, vấn đề quan tâm nhất của người dân hiện nay nằm ở tên gọi Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.

Có người nói nên để tên Bắc Từ Liêm – Nam Từ Liêm, rồi luồng ý kiến khác là Mỹ Đình – Từ Liêm… Và xu hướng được lựa chọn đang là cái tên Bắc Từ Liêm – Nam Từ Liêm, trên cơ sở chia tách từ trục đường 32.

Nguyên nhân rất quan trọng đó là ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Tâm lý người dân, gắn bó với quê hương, địa danh nên ai cũng muốn giữ tên truyền thống. Do vậy, khi đặt tên hai quận mới, một quận có tên Từ Liêm được tán thành. Tuy nhiên, quận còn lại có tên mới không được đồng ý. Ví dụ, khi nêu tên quận mới là Mỹ Đình, nhưng có ý phản bác rằng, Mỹ Đình là tên một xã, vậy tại sao lại không lấy xã khác đặt tên?

Ông nói: “Chúng tôi được biết, cuộc thăm dò ý kiến người dân vừa qua, hầu hết đều muốn giữ tên Từ Liêm. Do đó, Thành phố không có cách nào khác là phải tôn trọng ý kiến nhân dân. Đồng thời, thể hiện truyền thống gắn bó quê hương của người dân”.

Ông Long cũng cho biết thêm, trước đây, khí thành lập các quận mới có thể thay đổi tên gọi, ví dụ như: Hoàng Mai, Tây Hồ... Bởi khi thành lập quận đó, dân số và diện tích được ghép từ nhiều quận khác nhau. Lần này, thành lập hai quận mới, dân số và diện tích nằm trọn vẹn từ huyện Từ liêm nên ai cũng muốn giữ tên cũ.

Hà Nội lý giải tên 2 quận Nam – Bắc Từ Liêm - 1

Ông Phan Đăng Long – Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội

Tại cuộc giao ban báo chí, ông Long cũng nhắc lại câu chuyện tranh cãi từ việc đặt tên cho sân vận động (SVĐ) Mỹ Đình cách đây hơn 10 năm. Dự kiến, SVĐ này có tên là Sân vận động Olympic Quốc gia. Đây là công trình do Ủy ban Thể dục Thể thao Quốc gia lúc đó xây dựng, chứ không phải của Hà Nội.

Khi đưa ra tên gọi SVĐ Mỹ Đình, rất nhiều ý kiến phản đối, cho rằng không thể lấy tên của một xã để đặt tên cho một SVĐ tầm cỡ hiện đại quốc tế như vậy.

Nhưng tại sao cuối cùng lại giữ tên Mỹ Đình, bởi khi đặt tên, theo Nghị định của Chính phủ, ưu tiên số 1 là đặt tên theo địa danh. Mặt khác người dân đã hy sinh cả phần diện tích đất lớn như vậy và mong muốn được giữ lại một cái tên. Còn nếu muốn SVĐ quy mô, thể hiện tầm cỡ quốc gia, có thể thêm chữ "Quốc gia" vào, kiểu như SVĐ Quốc gia Mỹ Đình.

Trước đó, ngày 26/11, Thường trực Chính phủ đã đồng ý về mặt chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm thành hai quận và 23 phường mới.

Dự kiến Hội đồng nhân dân thành phố hà Nội thảo luận và biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 8, khoá 14 diễn ra từ 2-6/12, sau đó trình Chính phủ thông qua.

Lần đầu tiên hai tên gọi Nam – Bắc Từ Liêm xuất hiện từ bức thư của Bí thư huyện uỷ Từ Liêm Lê Văn Thư gửi cán bộ, nhân dân huyện Từ Liêm xung quanh việc chia tách huyện này thành hai quận mới, ngày 29/11.

Theo lãnh đạo Từ Liêm, việc địa phương này lựa chọn tên cho hai quận mới nói trên để trình lên thành phố và Chính phủ phê duyệt là nhằm “tri ân các thế hệ cha, ông và những lớp người đi trước; cũng là để cái tên “Từ Liêm” không bao giờ phai nhạt trong tâm trí của các thế hệ con, cháu sau này.

Theo Đề án điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập hai quận và 23 phường của huyện Từ Liêm:

Quận Bắc Từ Liêm: Phần đất ở phía Bắc huyện Từ Liêm hiện tại bao gồm toàn bộ diện tích trong địa giới hành chính của 9 xã: Thượng Cát, Tây Tựu, Liên Mạc, Thụy Phương, Đông Ngạc, Xuân Đỉnh, Phú Diễn, Minh Khai, Cổ Nhuế và phần đất thị trấn Cầu Diễn phía Tây sông Nhuệ. Đơn vị hành chính dự kiến trực thuộc quận Bắc Từ Liêm gồm 13 phường: P.Thượng Cát; P.Tây Tựu; P.Liên Mạc; P.Thụy Phương; P.Đông Ngạc 1; P.Đông Ngạc 2; P.Xuân Đỉnh 1; P.Xuân Đỉnh 2; P.Phú Diễn 1; P.Phú Diễn 2; P.Minh Khai; P.Cổ Nhuế 1; P.Cổ Nhuế 2. Trụ sở làm việc của quận Quận Bắc Từ Liêm được dự kiến tại khu đất nông nghiệp xã Minh Khai với diện tích khoảng 20ha.

Quận Nam Từ Liêm: Là phần đất phía Nam huyện Từ Liêm hiện tại bao gồm toàn bộ diện tích trong địa giới hành chính 7 xã: Mễ Trì, Mỹ Đình, Trung Văn, Tây Mỗ, Đại Mỗ và phần lớn diện tích tự nhiên xã Xuân Phương (phía Nam QL 32) và phần đất thị trấn Cầu Diễn (phía Nam QL 32). Đơn vị hành chính dự kiến trực thuộc gồm 10 phường: P.Mễ Trì; P.Trung Văn; P.Tây Mỗ; P.Đại Mỗ; P Phú Đô; P.Mỹ Đình 1; P.Mỹ Đình 2; P. Cầu Diễn; P. Xuân Phương 1; P. Xuân Phương 2. Trụ sở làm việc sẽ sử dụng toàn bộ khu liên cơ quan của huyện Từ Liêm đang sử dụng (4ha) đã được xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN