Giết mổ chó, mèo: Không luật khó phạt

Cầy tơ, tiểu hổ được giết mổ, mua bán tràn lan nhưng tới nay chưa có văn bản nào quy định về quy trình kiểm dịch, giết mổ, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mới đây, Bộ NN&PTNT ra quyết định xử phạt vi phạm, cán bộ thú y bó tay.

Gần đây, nhiều cán bộ thú y băn khoăn với nội dung Quyết định 2891/QĐ-BNN-TY (ngày 14/11/2012) của Bộ NN&PTNT quy định: “Trạm kiểm dịch tăng cường kiểm soát các điểm mua bán và giết mổ chó, mèo và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật”. Trước tình trạng các hàng quán thịt cầy, tiểu hổ mọc lên nhan nhản, ở các chợ vùng ven số thớt thịt cầy ngang ngửa với số quầy thịt heo, việc kiểm soát giết mổ, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là cần thiết nhưng đến nay chưa có văn bản quy định về việc này. Chính quyền địa phương và các ngành đang lúng túng.

Chó ghẻ, chó chết… gom ráo!

Bà M., người thu gom rác ở khu vực huyện Bình Chánh (TP.HCM), kể như là thành tích: “Thu gom rác hơn 15 năm, tôi đã bán cho các quán hàng trăm chó chết. Các quán nhậu dặn nếu thấy chó chết, chó bị thuốc… cứ mang về bán, có nhiêu họ mua ráo. Giá mỗi ký từ 5.000 đến 15.000 đồng”.

Nể tình thân quen, ông H., chủ quán cầy tơ bảy món ở quận 12 (TP.HCM), cho biết chó nào ông cũng làm thành món được vì đã có phụ gia, hóa chất hỗ trợ. Cho dù chó xà mâu, chó chết, ông phù phép tẩm ướp gia vị trở nên thơm phức. Với chó chết lâu, ông làm riêng, dành bán cho người đã ngà ngà say nên dân nhậu khó nhận ra. “Chó chết bán lời lắm. Chế biến xong bán lãi trên dưới 200.000 đồng” - ông H. nói.

Cách đây không lâu, Pháp Luật TP.HCM phản ánh tình trạng một số thương lái bán buôn cho chó uống nước đen ở khu vực An Lạc (Bình Tân, TP.HCM) để tăng trọng. Sau khi báo đăng, các đối tượng này dời về khu vực gần cầu An Hạ (Hóc Môn, TP.HCM) tiếp tục “hành nghề”. Cứ một con sau khi uống nước no nê, “lái” bỏ túi thêm vài chục ngàn đồng.

Giết mổ chó, mèo: Không luật khó phạt - 1

Thịt chó bày bán ở chợ không được kiểm dịch và quản lý theo quy trình VSATTP.

Kiểm người, dụng cụ, không kiểm thịt

Khu vực chợ Xóm Mới (phường 13, quận Gò Vấp, TP.HCM) là một trong những địa bàn kinh doanh cầy tơ nhộn nhịp. Ông Huỳnh Thanh Tuyến, Chủ tịch UBND phường này, cho biết phường hiện có bảy quán thịt chó lớn nhỏ và một lò giết mổ. Các quán nhậu thịt chó tại chỗ, còn điểm giết mổ mỗi ngày hàng chục con. UBND phường cũng có kiểm tra kinh doanh, giết mổ chó. Nhưng do thịt chó không thuộc diện kiểm dịch nên đoàn kiểm tra chỉ nhắc nhở các sai phạm về VSATTP của người giết mổ, chế biến thức ăn (phải có bao tay, tạp dề), vệ sinh môi trường (quy cách nơi đặt để thịt…), không kiểm chất lượng thịt chó. UBND phường cũng từng mời lực lượng thú y địa phương phối hợp kiểm tra hoạt động kinh doanh và giết mổ chó nhưng bị từ chối vì không có quy trình kiểm dịch.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Thới Nhì (Hóc Môn), cho rằng khi phát hiện các quán sử dụng chó chết thì đoàn kiểm tra cũng chỉ nhắc nhở, yêu cầu hủy bỏ chứ không thể xử phạt vì chẳng biết dựa vào quy định nào. Cơ quan chức năng cần sớm ban hành quy trình kiểm dịch để người sử dụng an tâm” - ông Hùng nêu quan điểm.

Chưa thể cấp giấy chứng nhận VSATTP

BS Nguyễn Thị Giàu, Trưởng phòng Y tế quận Gò Vấp, cho rằng trên địa bàn có nhiều quán nhậu và điểm kinh doanh thịt chó nhưng chưa thể cấp giấy chứng nhận VSATTP. Theo quy định, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật phải được kiểm dịch. Ngặt nỗi thịt chó chưa có quy trình kiểm dịch nên quận không thể cấp giấy chứng nhận.

Đồng quan điểm trên, BS Nguyễn Văn Trường, Trưởng phòng Y tế huyện Hóc Môn, cho biết cơ quan y tế huyện kiểm tra quán nhậu và điểm kinh doanh thịt chó trên địa bàn chỉ phạt những sai phạm như cơ sở vật chất, dụng cụ, người tham gia chế biến chứ chưa phạt thịt chó không nguồn gốc, không kiểm dịch. Không ít quán thịt chó đề nghị huyện cấp giấy chứng nhận VSATTP để kinh doanh cho đúng quy định nhưng vì chó không nằm trong danh mục kiểm dịch nên huyện tạm thời chưa cấp.

Ngoài tầm kiểm soát của thú y

Mặc dù tình trạng giết mổ và kinh doanh chó ngày càng nhiều nhưng Bộ NN&PTNT chưa ban hành quy trình kiểm dịch, kiểm soát với lý do nhiều tổ chức trên thế giới phản đối việc giết mổ chó để lấy thịt làm thực phẩm do trái với quy định bảo vệ vật nuôi. Ngay cả Hàn Quốc, một nước sử dụng nhiều thịt chó cũng không thể ban hành quy trình kiểm dịch, kiểm soát giết mổ chó. Do vậy, các lò giết mổ và điểm kinh doanh thịt chó ở TP.HCM ngoài tầm kiểm soát của cơ quan thú y.

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM

Buộc cam kết sử dụng thịt chó an toàn

Phải đưa các điểm buôn bán và quán nhậu thịt chó vào loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống để quản lý. UBND quận, huyện vẫn có thể cấp giấy chứng nhận VSATTP nếu cơ sở vật chất, trang thiết bị và người tham gia chế biến thịt chó đảm bảo các điều kiện VSATTP. Cơ quan y tế buộc các điểm kinh doanh và quán nhậu thịt chó phải làm cam kết sử dụng nguồn thịt an toàn, có hóa đơn, chứng từ hoặc hợp đồng cung cấp.

Trong quá trình kiểm tra, nếu nghi ngờ thịt chó không an toàn, có nguy cơ lây lan dịch bệnh thì ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả không đạt thì xử lý dựa trên Nghị định 91/2012/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (sẽ có hiệu lực từ ngày 25/12/2012). Chưa hết, nếu điểm kinh doanh hoặc quán nhậu không chứng minh được nguồn gốc, thịt chó lại có biểu hiện biến chất thì đoàn kiểm tra có quyền thu hồi, tiêu hủy và xử phạt vi phạm hành chính. Liên quan đến vấn đề này, Sở Y tế TP.HCM sẽ có hướng dẫn cụ thể để các địa phương đồng loạt thực hiện.

BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Ngọc (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN