“Giải pháp của Bộ trưởng còn hiền quá”
“Tôi mong Bộ trưởng thể hiện sự mạnh mẽ hơn để nông nghiệp có thể được hỗ trợ bằng các giải pháp hết sức cụ thể” - Đại biểu Trần Hoàng Ngân góp ý trong phiên chất vấn chiều 12/6, tại Quốc hội.
Giải pháp của Bộ trưởng còn hiền quá
Chiều 12/6, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu QH tại kỳ họp thứ 5 này.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) khẳng định, nông nghiệp đã có đóng góp quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát, thúc đẩy xuất siêu. Tuy nhiên, nông dân lại đang thua lỗ kép vì doanh thu giảm nghiêm trọng nhưng chi phí tiêu dùng tăng.
Ông Ngân chất vấn Bộ trưởng và ngành nông nghiệp có giải pháp gì giúp nông nghiệp phát triển bền vũng và giúp nông dân thoát nghèo.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, giải pháp đột phá để cải thiện tình hình là phải triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng suất lao động gắn với mô hình nông thôn mới.
Ông Phát cũng cho biết, hiện khó khăn lớn nhất ngành nông nghiệp gặp phải là thị trường. Lúa chín đầy đồng khắp từ Nam ra Bắc, trái cây, lợn, gà, cá tra đều thu hoạch nhiều nhưng thị trường khó khăn, giá xuống nên thu nhập của nông dân giảm nghiêm trọng.
Chính phủ vừa hỗ trợ doanh nghiệp cấp tốc mua tạm trữ một triệu tấn gạo, giá lúa mấy ngày nay đã nhích 100-200 đồng/kg. Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo về tăng tín dụng, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát
Sau trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Trần Hoàng Ngân tiếp tục đăng đàn nhưng ông không tái chất vấn. Ông Ngân băn khoăn: “Giải pháp của Bộ trưởng còn hiền quá”.
Vị đại biểu cũng là chuyên gia kinh tế nổi tiếng này diễn giải thêm rằng trong nhiều lĩnh vực khác như xây dựng, bất động sản, các Bộ thường xuyên tổ chức nhiều hội thảo để đề xuất Chính phủ có giải pháp, có hỗ trợ. Ngành nông nghiệp cũng đang rất khó khăn song tiếng nói của ngành còn nhẹ.
“Tôi mong Bộ trưởng thể hiện sự mạnh mẽ hơn để nông nghiệp có thể được hỗ trợ bằng các giải pháp hết sức cụ thể” - Trần Hoàng Ngân góp ý.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhắc Bộ trưởng Cao Đức Phát lưu ý đến những đề xuất và nhận xét của đại biểuTrần Hoàng Ngân.
70% giống lúa nhập ngoại?
ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP HCM) cho biết, hiện tại có dư luận cho rằng con giống, thức ăn gia súc gia cầm... phần lớn phải nhập. Vị ĐB này lo ngại nền nông nghiệp của nước ta có nguy cơ lệ thuộc vào nước ngoài khi đang phải nhập khẩu quá nhiều.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: “Về các loại giống cây trồng vật nuôi về cơ bản chúng ta sản xuất ở trong nước. Cũng có thông tin nói là giống lúa có tới 60-70% phụ thuộc nước ngoài. Tôi xin báo cáo Quốc hội thông tin đó không chính xác”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, nước ta trồng 7,7 triệu ha lúa/năm, trong đó có 700 nghìn ha lúa lai. 7 triệu ha trồng lúa thuần hầu như chúng ta tự sản xuất giống.
Có thể một số giống chúng ta tiếp nhận nguồn gen từ Viện lúa quốc tế hoặc một số nước khác, các nhà khoa học đã chọn tạo cho phù hợp điều kiện sản xuất ở Việt Nam. Hiện tại, ở ĐBSCL hầu hết là như vậy, ở miền Bắc có trồng lúa lai, có nhập khẩu 70% đến 75% giống lúa lai của Trung Quốc.
Theo bộ trưởng, các nhà khoa học trong nước vẫn chọn tạo ra các giống lúa lai, tuy nhiên các giống lúa lai của chúng ta sản xuất ra vẫn chưa có chất lượng bằng các nước bạn, nên tiếp tục phải nhập khẩu.
Về chất lượng giống, tùy từng loại cây, con, có loại chất lượng của ta tốt nhưng có loại thua kém. Năng suất cà phê của ta hàng đầu thế giới, nhưng là cà phê vối. Còn Brazil, Colombia là cà phê chè, có chất lượng cao hơn. Nước ta cũng có năng suất cao su cao hàng đầu thế giới. Giống cao su là do Viện Nghiên cứu cao su của Tập đoàn cao su nghiên cứu, tạo ra.
Về gia súc, nước ta có nhập một số con đầu dòng gọi chuyên ngành là con giống ông bà, cụ kị. Sau đó tổ chức nhân ra, và sản xuất thành giống thương phẩm để nuôi trong nước.