Gặp dị nhân “cướp cơm” của thần chết

Gia đình anh Minh lo hậu sự nhưng được thầy Mưng dùng “phép thần” cứu sống.

50 năm qua, ông không nhớ nổi đã giải cứu được bao nhiêu người bị rắn độc cắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Nhờ cái tâm, cái tài của người thầy thuốc, ông được người dân xem như “thần y”.

Năm nay đã 76 tuổi, ở cái tuổi thất thật cổ lai hy nhưng ông Đinh Mừng (ngụ thôn Thượng Phong, Lê Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) vẫn đang ngày đêm chữa bệnh cứu người. Nói chuyện với chúng tôi, “thần y” bảo, ông sẽ còn “cướp cơm” thần chết đến khi nào không đủ minh mẫn lên rừng hái thuốc.

Gặp dị nhân “cướp cơm” của thần chết - 1

Ông Mừng đang kể về cách dùng thuốc đặc trị dùng để khử độc rắn

Hơn một thập kỷ phiêu bạt tìm nghề

Theo lời giới thiệu của một người bạn, chúng tôi đến miền Tây Quảng Bình tìm “thần y” chữa rắn độc. Ở huyện Tuyên Hóa, dường như ai cũng biết đến tiếng tăm của một người thầy thuốc giỏi, người chuyên “cướp” lại mạng sống cho những bệnh nhân bị rắn độc cắn. Trong căn nhà nhỏ ven đường, ông Đinh Mừng chậm rãi rót nước lá rừng đãi khách rồi kể về chuyện đời, chuyện nghề.

Nói chuyện với chúng tôi, ông Mừng cho biết, khi mới lên 17 tuổi, học hết lớp 7, bố mẹ ông ép đi theo con đường sư phạm. Tuy nhiên, ở cái tuổi thích bay nhảy, khám phá nên ông quyết định đi tìm một nghề khác. Với mong muốn ấy, Đinh Mừng đã xin phép cha mẹ đi xa để tìm con đường lập nghiệp riêng của mình. Biết tính con trai không thể ép bất cứ điều gì nên bố mẹ ông gật đầu đồng ý.

Ngày đi, ông chỉ dắt theo mình chút tiền bạc ít ỏi. Tuy nhiên, sức trẻ và sự ham học hỏi đã nuôi ông 10 năm trời lang thang kiếm sống ở rất nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Được biết, để mưu sinh qua ngày, Đinh Mừng đã phải làm đủ mọi công việc như bốc vác, cày thuê… Sau thời gian vật lộn với miếng cơm manh áo ở các tỉnh biên giới Việt - Trung, chàng trai trẻ quyết tâm tìm cách lần mò sang Trung Quốc, Thái Lan, Lào. Chính trên hành trình lang thang bất định ấy, ông Đinh Mừng đã học được “phép thần” chữa rắn cắn nhờ cơ duyên cộng với một chút may mắn.

Trong 10 năm phiêu bạt, Đinh Mừng sống ở đất Lào hết phân nửa. Chính trên đất bạn Lào, chàng trai xứ Nghệ đã học được nghề thuốc gia truyền chữa rắn cắn quý giá. Trao đổi với PV, ông Mừng kể lại: “Trong một lần tôi đang đi trên đường bỗng gặp một cô gái Lào bị rắn độc cắn. Người đàn bà này nằm ngất xỉu bên vệ đường, tình trạng hết sức nguy kịch, nếu không nhanh tay ắt sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Dù không quen biết nhưng tôi đã không ngần ngại cõng cô ta để đi tìm thấy thuốc cứu giúp. Khi được tận mắt chứng kiến khả năng chữa bệnh thần kỳ của thầy thuốc người Lào, tôi bất chợt nhận ra rằng đó chính là cái nghề mà mình tìm kiếm bấy lâu nay”.

Lúc đó, nhờ chàng trai Việt giúp đỡ kịp thời nên cô gái đã được thầy thuốc cứu sống. Biết được hứng thú của Đinh Mừng với nghề thuốc, gia đình cô gái đã sắm lễ vật đến xin cho ông được theo nghề của ông thầy người Lào. Món quà may mắn đó, Đinh Mừng như một cơ duyên trời định. Nói về thầy lang, ông thấy chàng trai Việt sẵn sàng cứu một cô gái không quen biết nên cho là người có tâm nên sẵn sàng truyền nghề.

Đinh Mừng đam mê, nhiệt huyết nhưng những bài thuốc bí truyền, người ta không dễ gì truyền dạy lại ngay cho một người ngoại quốc. Do vậy, để học được cái nghề “cướp cơm” thần chết, Đinh Mừng phải mất hơn 4 năm trời ở nhà thầy, làm đủ mọi việc từ nấu cơm đến chẻ củi, gánh nước. Trải qua nhiều thử thách về đạo đức, tính hướng thiện, lòng kiên trì, nhẫn nại và đặc biệt là cái tâm cứu người, Đinh Mừng được thầy truyền hết những bài thuốc bí truyền. Thêm những bài học tự đúc kết được, ông quyết định “xuống núi”, lên đường về nước.

Khi Đinh Mừng vừa về đến quê hương sau 10 năm phiêu bạt thì nhận được tin dữ. Bố mẹ ông đã mất. Ông đi tìm anh em họ hàng thì mỗi người mỗi ngả. Không còn người thân thích, chàng trai trẻ gạt nước mắt, đành bỏ quê hương vào Minh Hóa (Quảng Bình) lập nghiệp rồi xây dựng gia đình luôn ở đó.

Gặp dị nhân “cướp cơm” của thần chết - 2

Đôi nạng gỗ của anh Trần Văn Nguyệt còn để lại nhà ông Mừng trước sau khi lành lặn ra về

Kỳ bí bài thuốc chữ rắn cắn

Dân vùng cao Quảng Bình sống gắn với núi rừng, nương rẫy nên thường xuyên đối mặt với nguy hiểm đe dọa từ các loại rắn độc. Những năm trước, rắn hổ mang, cạp nong, cạp nia xuất hiện nhiều như đại dịch sâu bọ. Thậm chí, nhiều khi rắn độc còn mò vào các gia đình sống quanh rừng. Vì vậy, nhiều người đã từng chịu bỏ mạng khi bị loài động vật này cắn.

Ngay từ những ngày đầu vào sống ở Thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Móa), ông đã cứu sống một nạn nhân tên Minh bị rắn cạp nong cắn. Lúc đó, khi biết anh Minh bị rắn độc cắn, người nhà nạn nhân đã mua đồ lo hậu sự. Tuy nhiên, qua bàn tay của Đinh Mừng, chỉ vài ngày sau, bệnh nhân đã lành lặn trở lại. Sau lần đó, tiếng tăm của Đinh Mừng ngày càng lan xa trong huyện Tuyên Hóa, rồi sang tỉnh Quảng Bình.

Những ngày sau đó, người dân ở những vùng biên giới giáp Lào như: Dân Hóa, Trọng Hóa (huyện Minh Hóa) cũng biết đến tài trị rắn độc cắn của Đinh Mừng. Mỗi khi có người thân bị rắn cắn, họ lại nhờ bàn tay thần kỳ, bài thuốc bí truyền từ những loài cây đặc biệt của ông.

Nói chuyện với chúng tôi, ông Mừng bảo: “Trong 50 năm hành nghề, chỉ 1 lần duy nhất tôi chịu thua thần chết. Đó là khi anh Vinh ở Kim Hóa bị rắn hổ mang cắn. Tuy nhiên, nguyên nhân là do gia đình nạn nhân đưa anh Vinh đến nhà tôi quá muộn. Hơn nữa, họ cũng không biết cách “phong tỏa” đường chạy của nọc độc. Khi đến đây, nọc rắn đã chạy đến não nạn nhân rồi”. Sau lần đó, mặc dù bệnh nhân chết không phải do mình và người nhà nạn nhân cũng không trách nhưng Đinh Mừng tỏ ra rất buồn và dằn vặt.

Nhiều người được ông cứu chữa khỏi độc rắn vẫn luôn xem ông như người thân của mình. Họ cảm phục trước tâm huyết và tài năng mà ông dành cho người bệnh khi tìm đến ông cầu cứu. Anh Phan Văn Thảo, chủ trạm xăng Thảo Liên ở Thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa) luôn nhắc mãi ơn cứu mạng của ông Mừng sau khi anh bị rắn hổ mang chúa cắn.

“Nằm ở nhà ông Mừng hơn chục ngày tôi mới thấm hết cái tâm, cái tình của thầy. Đêm khuya sốt run người hay ban ngày nóng nực vì nọc rắn vì vết thương nhiễm trùng, thầy Mừng luôn theo sát tôi chăm sóc tận tình như người ruột thịt. Nhiều lúc đau đớn, hoang mang như sắp phải đi gặp thần chết nhưng nhờ thầy tôi lại được cứu. Tôi vẫn ghi lòng tạc dạ điều đó, luôn xem ông như người thân của mình”, anh Thảo tâm sự.

Được biết, dù chỉ là những loại lá rừng bình thường nhưng không ai hiểu được vì sao chúng lại đánh tan kịch độc của nọc rắn. Nhiều năm qua. đây vẫn còn là một điều bí ẩn. Theo ông Mừng, trước khi về Việt Nam, sư phụ của ông có dặn dò, phải đặt mục tiêu cứu người là trên hết. Nếu làm nghề này mà chỉ nghĩ đến tiền, đến những vật chất tầm thường thì công dụng thần kỳ của các loại thuốc sẽ mất đi. Chính vì thế, 50 năm hành nghề cứu người, Đinh Mừng luôn thực hiện đúng lời dạy của sư phụ.

Ông Mừng bảo: “Trời cho sống ngày nào thì tôi sẽ còn chữa bệnh cứu người ngày đó. Tuy nhiên bây giờ, tuổi đã già, sức đã yếu, tôi lo lắng rằng sau này sẽ không còn đủ minh mẫn để lên rừng hái thuốc nữa”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồ Ngọc- Linh Đan (Người Đưa Tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN