Gần 1 thập kỉ nữa mới có ngày 30 Tết: Chuyên gia lí giải nguyên nhân

Sự kiện: Tết Giáp Thìn 2024

Sau năm nay, phải đến Tết Nguyên đán Nhâm Tý 2032, người Việt Nam mới được đón giao thừa vào đêm 30 Tết.

Mới đây, mạng xã hội xôn xao thông tin cho rằng, sau ngày 30 tháng Chạp năm Quý Mão 2023 thì 8 năm tiếp theo sẽ không có ngày 30 Tết, thay vào đó chỉ có ngày 29 Tết. Phải đến năm Nhâm Tý 2032, người Việt mới có thể được đón giao thừa vào đêm 30 Tết.

Nhiều ý kiến bày tỏ sự ngạc nhiên, thú vị trước thông tin này. Tuy nhiên, cũng có người hoài nghi vì không biết thông tin này có chính xác không.

8 năm tiếp theo người dân sẽ đón giao thừa vào đêm 29 Tết. Ảnh minh họa

8 năm tiếp theo người dân sẽ đón giao thừa vào đêm 29 Tết. Ảnh minh họa

Về vấn đề này, trao đổi với PV, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn – Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam cho hay, điều này là hoàn toàn chính xác.

Ông Sơn lý giải, âm lịch mà chúng ta đang sử dụng được lấy trên cơ sở chu kỳ pha của Mặt Trăng. Tức là khoảng thời gian giữa hai lần liên tiếp Mặt Trăng ở cùng một pha (từ lần Trăng tròn này tới lần Trăng tròn tiếp theo) được tính là một tháng.

Thế nhưng, chu kỳ này không phải tròn 29 hoặc 30 ngày mà là 29,53 ngày (khoảng 29 ngày 12 giờ và 44 phút), nên mỗi tháng âm lịch không có cố định 29 hoặc 30 ngày mà sẽ có tháng 29 ngày (tháng thiếu) và tháng 30 ngày (tháng đủ) để bù đắp lẫn nhau.

Theo quy ước của âm lịch, một tháng được tính vào ngày có chứa “điểm sóc”, là thời điểm Mặt Trăng ở pha không Trăng hoàn toàn, tức là thời điểm mà ở Trái Đất hoàn toàn không thể nhìn thấy nó; ngược lại với điểm Trăng tròn là khi chúng ta thấy nó ở pha tròn nhất.

Vì chu kỳ lẻ như trên, “điểm sóc” này không rơi vào một giờ cố định mà có thể ở bất cứ thời điểm nào trong một ngày. Giả sử điểm sóc của một tháng bất kỳ rơi vào lúc 02h00 sáng thì ngày hôm đó là ngày mùng 1 âm lịch và khi ta cộng thêm chu kỳ kia vào thì “điểm sóc” tiếp theo sẽ rơi vào khoảng 14h44 phút của 29 ngày sau đó. Như vậy, ngày đó buộc phải là ngày mùng 1 Âm lịch vì nó có chứa điểm này, nhưng ngày trước nó chỉ mới là ngày 29 và như thế tháng trước đó là tháng thiếu.

Nhưng nếu ở một tháng nào đó khác, điểm sóc rơi vào 12h00 trưa, ngày hôm đó là mùng 1 âm lịch, cộng thêm 29 ngày thì sẽ là 12h00 ngày 30 của tháng đó. Nếu tiếp tục cộng thêm 12 giờ và 44 phút nữa, nó sẽ thành gần 1h sáng hôm sau, vì thế ngày hôm sau mới là mùng 1 của tháng tiếp theo và tháng vừa qua đó là tháng đủ vì có 30 ngày.

“Với nguyên lý đó, không có bất cứ quy ước nào trong âm lịch quy định tháng nào bắt buộc phải là tháng đủ hay tháng nào bắt buộc phải là tháng thiếu, bất kể đó là tháng đầu, giữa hay cuối năm. Việc có một chuỗi nhiều năm liền không có ngày 30 Tết (30 tháng Chạp) hoàn toàn chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên, không có tính quy luật và không phản ánh bất cứ sự biến đổi khác thường nào của tự nhiên”, ông Sơn chia sẻ.

Từ năm Giáp Thìn 2024 liên tục tới năm Tân Hợi âm lịch 2031 không có 30 tháng chạp (Nguồn: Phạm Vũ Lộc - Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam)

Từ năm Giáp Thìn 2024 liên tục tới năm Tân Hợi âm lịch 2031 không có 30 tháng chạp (Nguồn: Phạm Vũ Lộc - Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam)

Cùng quan điểm, ông Hoàng Quốc Phương – Hội Thiên văn Hà Nội cho hay, âm lịch có tháng 29 ngày, có tháng 30 ngày là do bản chất thời gian 1 tháng Trăng không đồng đều giữa các tháng.

Nguyên nhân là do Mặt Trăng quay xung quanh Trái Đất không phải một hình tròn hoàn hảo mà là 1 hình elip và Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời cũng vậy. Chính vì quỹ đạo phức tạp của 2 hình elip đan xen vào nhau khiến cho quãng đường để hoàn thành 1 tháng Trăng sẽ có sự sai khác chứ không đồng nhất nên mới có chuyện tháng thiếu tháng thừa.

“Chuyện 8 năm không có ngày 30 tháng 12 âm lịch không phải là hiện tượng thiên văn hay hiện tượng thần bí gì đặc biệt, nó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên ở một mức độ hiếm”, ông Phương nói.

Ông Phương cho biết thêm, khác với âm lịch (lịch Mặt Trăng) thì dương lịch (lịch Mặt Trời) được tính dựa trên thời tiết khí hậu trong 1 năm và nó dựa trên chuyển động của Mặt Trời trên đường Hoàng Đạo.

Do ít chịu sự sai lệch của chuyển động phức tạp elip nên sự sai lệch trong 1 năm của dương lịch chỉ vào khoảng 1/4 ngày, trong khi âm lịch sai lệch lên đến hơn 10 ngày trong 1 năm. Chính vì vậy, cứ 4 năm dương lịch thì chỉ nhuận 1 ngày còn 3 năm âm lịch lại nhuận thêm 1 tháng.

Nguồn: [Link nguồn]

Đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa đông đang ảnh hưởng đến Bắc Bộ khiến rét đậm, rét hại xảy ra trên diện rộng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Triệu ([Tên nguồn])
Tết Giáp Thìn 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN