ĐV hoang dã: Không bán thì cho bệnh viện

Ngay sau khi mẫu động vật hoang dã được bệnh viện xin về làm thuốc, các tổ chức bảo vệ động vật lên tiếng phản đối. ENV “tố” bệnh viện sai luật, bệnh viện khẳng định mình đúng.

Tận dụng cho... đỡ phí

Như tin đã đưa, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội bàn giao các mẫu vật động vật hoang dã bị tịch thu. Mục đích làm thuốc chữa bệnh. Ngay sau đó, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) lên tiếng phản đối đề xuất này. Đồng thời, đề nghị UBND Hà Nội và các cơ quan chức năng không chuyển giao sản phẩm.

Trước thông tin trái chiều, ông Trần Quốc Bình, GĐ Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đã lên tiếng. Ông Bình cho hay, bệnh viện được biết, xác động vật hoang dã sau khi bị bắt giữ để trong kho, hoặc tiêu hủy. Đây là xác động vật chết, không thể quay lại môi trường. Trong khi đó, nếu được tận dụng, chúng trở thành những vị thuốc quý.

ĐV hoang dã: Không bán thì cho bệnh viện - 1

Loài sao la tại vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh)

“Nếu được phép của cơ quan hữu quan đồng ý cho tiếp nhận, giúp chúng tôi chế phẩm mẫu thuốc và huấn luyện học viên trẻ... đó là việc rất tốt. Bệnh viện không thu mua sản phẩm hay khuyến khích dùng. Đây chỉ là vấn đề tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có cho đỡ phí”, ông Bình nói.Tuy nhiên, ông Trần Việt Hưng, Phó Giám đốc ENV phản đối: “ Việc này không chấp nhận được vì bất cứ lý do gì”.

ENV quan tâm tới mục đích sử dụng cuối cùng đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã quý, hiếm, nguy cấp. Các sản phẩm thuốc được bảo chế sẽ được phục vụ nghiên cứu khoa học hay được bán cho bệnh nhân, người tiêu dùng? Các sản phẩm được đưa vào sử dụng, bán... sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã.

“Chúng ta vẫn tin tưởng rằng có thể chữa trị bệnh bằng các sản phẩm từ động vật hoang dã. Trên thực tế, khoa học hiện đại ngày nay có đủ điều kiện để chữa trị các loại bệnh này. Giá trị của động vật hoang dã và môi trường là giá trị bền vững, cần được quan tâm nhiều hơn giá trị kinh tế tức thời”, ông Trần Việt Hưng nói.

Gian nan cách xử lý

Không chỉ có việc bệnh viện xin mẫu động vật hoang dã làm thuốc hiện nay mới gây tranh cãi. Thời gian qua, việc xử lý tang vật động vật hoang dã gặp nhiều ý kiến trái chiều. Trên thực tế, có nhiều trường hợp tang vật được bán thanh lý.

Gần đây nhất, đầu tháng 1/2013, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định đã thu giữ một số lượng lớn động vật hoang dã do vận chuyển trái phép. Bao gồm 16 con cầy vòi đốm (tổng trọng lượng 42 kg) và các loại động vật khác như 49 kg rắn rồng, 78 kg rắn lãi, 59 kg lươn, 70 kg ếch, 17 kg tôm hùm... Sau đó, toàn bộ số động vật hoang dã bán được 33 triệu đồng.

ĐV hoang dã: Không bán thì cho bệnh viện - 2

Nhiều động vật hoang dã sau khi cơ quan chức năng tịch thu được đem bán thanh lý (Ảnh minh họa)

Trước đó, năm 2010, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh sau khi bắt giữ được 52 cá thể tê tê bị buôn bán trái phép. Sau đó, 34 cá thể tê tê còn sống được phát mại, 18 cá thể chết được tiêu hủy.

Cuối tháng 7/2011, Chi cục Quản lý thị trường và một số cơ quan chức năng tỉnh Bình Định tịch thu một lô hàng, trong đó có 102 cá thể rùa biển. Sau đó, viêc xử lý gặp nhiều khó khăn, phía các cơ quan chức năng cho bán đấu giá số rùa này. Lập tức, các cơ quan bảo vệ động vật hoang dã, rùa biển... phản đối mạnh mẽ...

Theo ông Nguyễn Văn Quân (ENV) con đường dẫn tới sự tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã đi qua nhiều mắt xích từ thợ săn tới người tiêu dùng. ENV không ủng hộ việc bán đấu giá các tang vật. Bởi điều này vô tình hợp pháp hóa các hoạt động buôn bán. Tiêu hủy giúp ngăn chặn nguồn cung, giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã.

Có phạm luật?

Ông Nguyễn Phi Hùng, trưởng khoa Dược, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương nêu quan điểm: “Xác động vật hoang được chuyển giao cho cơ sở y tế làm thuốc đã được luật pháp cho phép. Bệnh viện xin mẫu động vật hoang dã bị tịch thu, hoàn toàn tuân thủ đúng pháp luật”.

Ông Hùng dẫn chứng Theo Thông tư 90/2008 của Bộ NN và PTNT hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu. Trong đó cho phép chuyển giao cơ sở y tế để nghiên cứu, bào chế thuốc.

Tuy nhiên, đại diện ENV có quan điểm khác. Cụ thể, tang vật là động vật hoang dã thuộc nhóm IB của Nghị định 32/2006 của Chính phủ không được phép sử dụng cho mục đích thương mại. Với bất kỳ mục đích nào, thuốc xét cho cùng là sản phẩm thương mại. Như vậy việc sử dụng các tang vật này là vi phạm pháp luật.

Ông Trần Văn Hưng cho rằng: “Chúng tôi chưa chứng kiến nghiên cứu khoa học nào nói rằng sản phẩm này có thể  sử dụng làm thuốc. Đa phần đều là kinh nghiệm dân gian, truyền miệng. Hơn thế nữa, căn cứ của phác đồ điều trị cũng như quy trình chế biến các sản phẩm động vật hoang dã, chúng tôi cũng chưa từng thấy qua”.

Tổ chức này đề nghị xử lý các tang vật là động vật hoang dã còn lại mà các cơ quan chức năng đang lưu giữ theo phương án: Chuyển giao cho một đơn vị nghiên cứu khoa học, giáo dục (ví dụ như viện nghiên cứu, bảo tàng) của Nhà nước tuyệt đối không liên quan tới các hoạt động thương mại; Hoặc tiến hành tiêu hủy.

Theo Thông tư 90/2008/TT-BNN ngày 28/08/2008 hướng dẫn xử lý tang vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm trong nước đã chết hoặc bộ phận cơ thể, sản phẩm của chúng:

1. Tang vật là động vật rừng đã chết hoặc bộ phận của chúng thuộc nhóm IB được xử lý bằng một trong những biện pháp dưới đây:

a) Chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành, cơ quan quản lý chuyên ngành, trung tâm cứu hộ loài đó để làm tiêu bản hoặc chuyển giao cơ sở y tế để nghiên cứu, bào chế thuốc.

b) Tiêu huỷ trong trường hợp tang vật mang bệnh hoặc không xử lý được bằng biện pháp trên.

2. Tang vật là động vật rừng đã chết hoặc bộ phận của chúng thuộc nhóm IIB được xử lý bằng một trong những biện pháp dưới đây:

a) Chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành, cơ quan quản lý chuyên ngành, trung tâm cứu hộ loài đó để làm tiêu bản hoặc chuyển giao cơ sở y tế để nghiên cứu, bào chế thuốc.

b) Bán cho các tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật.

c) Tiêu huỷ trong trường hợp tang vật mang bệnh hoặc không xử lý được bằng các biện pháp trên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN