Đường khoa cử từ đây dứt hẳn...

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên1 3 4 5 67

Mùa hạ năm Kỷ Mùi 1919 đã ghi vào lịch sử Việt Nam một sự kiện đáng nhớ: kỳ thi hội và thi đình tổ chức lần cuối.

Lời của vua Khải Định được chép nhiều lần trong sách Khải Định chính yếu: “Kỳ thi năm nay là khoa thi cuối cùng, đường khoa cử từ đây dứt hẳn”.

Tuy nhiên, việc bãi bỏ nền khoa cử gần 1.000 năm được trọng dụng, thậm chí là tôn sùng ở Việt Nam, cũng phải chịu nhiều sự phán xét của người đời sau đó.

Một năm trước đó (năm Mậu Ngọ 1918), kỳ thi hương cũng vừa tổ chức khoa cuối cùng và chỉ còn thi ở Trung kỳ mà thôi, vì các trường thi ở Bắc kỳ (dưới sự cai trị trực tiếp của Pháp) đã bãi bỏ từ sau khoa thi 1915.

Năm 1917, phủ Toàn quyền Đông Dương đã ban nghị định, quy định lại bộ máy giáo dục với ba bậc: tiểu học, trung học và đại học. Bậc tiểu học có ba cấp: sơ học (văn bằng: sơ học yếu lược), tiểu học (văn bằng: sơ học Pháp - Việt), cao đẳng tiểu học (dành cho người đỗ primaire học tiếp lấy bằng thành chung, văn bằng: diplome). Bậc trung học: dạy cho những người đã có bằng thành chung (văn bằng: tú tài bản xứ). Bậc đại học, từ năm 1919 mới có, với các trường Y khoa, Dược khoa, Luật khoa, Nông lâm, Công nghệ thực hành (Bách khoa), Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

(Theo Khoa cử Việt Nam của Nguyễn Thị Chân Quỳnh, NXB Văn Học 2007)

Khoa thi cuối cùng

Sách Khải Định chính yếu (ghi lại các sự kiện thời Khải Định) chép rằng tháng giêng năm 1919, sau khi Bộ Học đệ trình lên nhà vua về thể thức kỳ thi hội với những thay đổi, vua Khải Định liền phê: “Lần này là khoa thi hội cuối cùng của triều đình, nên trẫm muốn gia ân cho sinh viên sĩ tử khoa mục trong cả nước, hễ ai thông thạo hai thứ chữ Nho và chữ Pháp thì trình diện Bộ Học để xin vào ứng thí”.

Sách Quốc triều đăng khoa lục (ghi lại diễn biến các kỳ thi hội và thi đình triều Nguyễn) của Cao Xuân Dục cho biết thêm không chỉ các cử nhân mà cả những người chưa có học vị gì nếu xét thấy có thực tài thì quan đầu tỉnh lập danh sách cho vào kinh thi hội.

Lệ định cho khoa thi hội này cũng có nhiều thay đổi. Vòng thi thứ nhất, ngoài các bài thi về văn sách, kinh nghĩa, truyện và thời sự, thí sinh còn phải làm một bài về sử Việt Nam và một bài về sử phương Tây (thay cho sử Trung Quốc). Vòng thi thứ ba, ngoài hai bài toán thì phải làm một bài luận bằng chữ quốc ngữ bắt buộc. Vòng thi thứ tư, dịch một bài quốc ngữ sang tiếng Pháp và dịch một bài Pháp ngữ sang Hán ngữ, cùng với một bài luận bằng Pháp ngữ bắt buộc (các kỳ thi hội trước đó, tiếng Pháp chỉ là khuyến khích dùng mà thôi, không bắt buộc).

Tháng 4 năm đó, kỳ thi hội diễn ra tại kinh đô Huế, chủ yếu chỉ là thí sinh ở Trung kỳ ứng thí. Sĩ tử ở Bắc kỳ cũng đã rã rời do khoa cử ở ngoài đó đã bãi bỏ từ sau khoa thi hương 1915. Tạp chí Nam Phong số 17 tháng 11-1918 cho hay các cử nhân Bắc kỳ vẫn được vào thi, “nhưng phủ Thống sứ Bắc kỳ có nói trước với Bộ Học trong kinh biết rằng người nào đỗ tiến sĩ hay phó bảng, tuy vẫn còn giữ cái danh dự cũ mà không đủ quyền được vào quan trường như trước nữa”.

Theo quy định thì có năm bài thi bị liệt vào hạng rớt, nhưng vua Khải Định đã gia ân lấy thêm năm thí sinh này, rồi cho vào thi đình. Ngày 16-5-1919 (nhằm 17-4 âm lịch), kỳ thi đình cuối cùng diễn ra trong cung vua.

Đề thi do chính nhà vua ra, nội dung cũng đã hàm ý về một thời kỳ mới đang bày ra trước mắt: “Các nước trên khắp hoàn cầu sôi động nói đến văn minh. Vậy hai chữ văn minh có xuất xứ từ sách vở nào?... Các ngươi với tài kinh luân vốn có, hãy thử trình bày rõ ràng kiến giải của mình, không bè phái, thiên lệch, không a dua, quanh co, xuyên tạc khiến sai sót khi đem thực hành, cũng đừng quá khéo dùng lời lẽ bay bướm mà trống rỗng, chẳng có được phương sách gì hay, để trẫm thu lượm rồi thử áp dụng”.

Khoa thi đình năm ấy không căn cứ vào điểm số của các kỳ thi hội để xếp hạng tiến sĩ (như định lệ trước đó), mà chỉ dựa vào “văn lý” để định thứ bậc tiến sĩ tân khoa. Theo đó, vua đã ban đỗ cho bảy tiến sĩ, 16 phó bảng.

Đỗ cao nhất kỳ thi cuối cùng này là Nguyễn Phong Di, người huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, với học vị đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.

Một tuần lễ sau đó, ngày 24-5, lễ truyền lô cuối cùng được diễn ra tại điện Cần Chánh. Vua Khải Định chủ tọa nhưng bên cạnh đã có thêm sự hiện diện của viên khâm sứ Trung kỳ (đại diện cho Chính phủ Pháp ở Trung kỳ) và các quan chức cao cấp khác của Pháp.

Đường khoa cử từ đây dứt hẳn... - 1

Tấm bia ghi danh những tiến sĩ của khoa thi cuối cùng năm 1919 tại Văn Miếu (Huế)

Vì sao khoa cử Nho giáo phải bãi bỏ?

Kể từ khoa thi hương 1915 đến kỳ thi hội 1919, tiếng Pháp xem như là bắt buộc trong bài thi. Kỳ thi hội cuối cùng, bài thi về sử phương Tây đã thay cho Bắc sử (sử Trung Quốc).

Trước khi kỳ thi cuối cùng này diễn ra, vì muốn các trường học nhanh chóng thành lập theo quy thức của toàn quyền Đông Dương Anbert Sarraut đã định, nên Bộ Học yêu cầu các tỉnh Trung kỳ bãi bỏ hết các viên quan giáo huấn trong các trường giáo huấn; vì các vị này chỉ biết chữ Nho hoặc chữ quốc ngữ, nên không đủ tư cách làm thầy giáo nữa (theo tạp chí Nam Phong số 21 tháng 3-1919)...

Vì vậy, có ý kiến cho rằng nền giáo dục và thi cử dựa trên Nho học của chế độ quân chủ Việt Nam phải bãi bỏ vì sức ép của người Pháp.

Tuy nhiên, các sách sử và báo chí ghi lại diễn biến xã hội giai đoạn này đã cho thấy việc chấm dứt chế độ khoa cử Nho học là tất yếu. Bởi vì nền giáo dục và thi cử của phương Tây với những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật (hồi đó gọi là tân học hoặc tây học) như một luồng gió mới đầy sức sống đã theo chân người Pháp thổi vào Việt Nam, không thể không mở cửa mà đón.

Vua Khải Định cũng đã nhìn thấy điều đó: “Trẫm nghĩ rằng quy chế cựu học đã không còn đáp ứng được điều mong muốn, trong khi con đường tương lai của tân học đang thênh thang mở rộng trước mặt” (Khải Định chính yếu, quyển 17). Tư liệu này cho thấy đích thân vua Khải Định ra thánh dụ bãi bỏ chế độ khoa cử này, chứ không phải do người Pháp ép buộc.

Học giả Phạm Quỳnh, chủ bút tạp chí Nam Phong, đã viết trên tờ báo của mình: “Triều đình đã quyết chí đổi mới, sự thi cử rồi không theo như xưa nữa”, vì lối thi cử cũ “không đủ làm cái phương pháp để kén chọn người tài nữa” (Nam Phong số 17, 11-1918).

Thi cử công bằng, việc kén chọn người trọng đức hơn trọng tài, với mục đích đào tạo ra những người có khí tiết để “trị quốc, bình thiên hạ”, nhưng lối tuyển chọn người tài chỉ bằng văn chương, thơ phú và học thuộc những cuốn sách được gọi là “sách vở thánh hiền” rõ ràng không còn phù hợp. Vì vậy, ngay cả những người xuất thân và đỗ đạt rất cao từ khoa cử này như Trần Bích San (tam nguyên), Nguyễn Thượng Hiền (hoàng giáp), Phan Bội Châu (giải nguyên) cũng nhất loạt xin bãi bỏ và cải tổ theo lối Tây học.

Chế độ khoa cử theo Nho học này có bốn nước theo dùng, nhưng Trung Quốc đã bỏ từ năm 1900, Triều Tiên bỏ từ năm 1894, Nhật Bản thì đã duy tân từ năm 1868, và Việt Nam phải đến năm 1919 (theo sách Khoa cử Việt Nam của Nguyễn Thị Chân Quỳnh, NXB Văn Học 2007).

Lối khoa cử Nho học chấm dứt, nền giáo dục cũng thay bằng hệ thống giáo dục của Pháp, trường học của thầy giáo thay cho lớp học thầy đồ... Nền giáo dục tân học đó nhanh chóng lan tỏa khắp nước Việt và liên tục cải cách cho đến ngày nay.

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên1 3 4 5 67

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Tự (Tuổi Trẻ)
Lều chõng ngày xưa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN