Được nghỉ khi vợ đẻ: Nhiều “quý ông” chưa hẳn đã mong

Theo bà Trần Thị Quốc Khánh- đại biểu Quốc hội (Hà Nội), việc cho phép đàn ông nghỉ khi vợ thai sản là quy định tiến bộ song nhiều quý ông Việt chưa hẳn đã thích điều này.

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1.1.2016 có nhiều điểm mới về chế độ thai sản.

Theo đó, người chồng được nghỉ 5 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh thường; 7 ngày khi vợ sinh phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi. Nếu vợ sinh đôi, chồng được nghỉ 10 ngày, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Số ngày lao động tối đa người chồng được nghỉ là 14 ngày trong trường hợp người vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật.

Theo bà Lưu Thị Hồng- Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ- trẻ em Bộ Y tế, quy định trên của BHXH là hết sức nhân văn. Bởi lẽ, người phụ nữ khi sinh rất cần có sự chăm sóc của người chồng về sức khỏe và tinh thần.

Bà Hồng phân tích, phụ nữ trải qua quá trình vượt cạn thường có cảm giác rất bất an, đồng thời phải hứng chịu những đau đớn về thể xác, do vậy cơ thể cần nghỉ ngơi phục hồi cả thể chất và tinh thần.

Được nghỉ khi vợ đẻ: Nhiều “quý ông” chưa hẳn đã mong - 1

Người phụ nữ khi sinh rất cần có sự chăm sóc của người chồng về sức khỏe và tinh thần (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, ngay sau đó họ lại phải bước ngay vào giai đoạn chăm sóc con nhỏ vừa chào đời nên rất cực khổ. Do vậy nếu được sự giúp đỡ, san sẻ của người chồng sẽ giảm tải áp lực rất lớn cho người vợ, giúp họ an tâm nghỉ ngơi tĩnh dưỡng.

Bên cạnh đó, tuy sinh đẻ là thiên chức của người phụ nữ nhưng chuyện nuôi dạy chăm sóc con trẻ lại là trách nhiệm của cả cha và mẹ. Người đàn ông không thể phó mặc việc sinh và nuôi con cho vợ mà cần có sự sẻ chia.

“Quy định người chồng được nghỉ khi vợ sinh không chỉ hướng đến bình đẳng giới mà còn nhấn mạnh đến yếu tố trách nhiệm của mỗi một cá nhân đối với gia đình”, bà Hồng nói.

Về quy định này, bà Trần Thị Thúy Nga- Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, quy định vợ thai sản chồng được nghỉ sẽ tạo điều kiện cho những cặp vợ chồng trẻ ở xa gia đình, đặc biệt những cặp vợ chồng công nhân ở các khu công nghiệp có thời gian để chăm sóc nhau, giúp người vợ vơi bớt nhọc nhằn cuộc sống nơi xa xứ, thiếu vắng sự chăm sóc của người thân.

Cũng theo bà Trần Thị Thúy Nga, quy định mới này của Việt Nam được các tổ chức lao động Quốc tế đánh giá cao.

Đồng tình với quan điểm chồng được nghỉ khi vợ thai sản là phù hợp, song theo bà Trần Thị Quốc Khánh- đại biểu Quốc hội (Hà Nội), thời gian nghỉ từ 5- 14 ngày như quy định của BHXH Việt Nam so với các nước khác trên thế giới còn quá khiêm tốn.

Theo bà Khánh, hiện nhiều nước trên thế giới, vợ sinh con chồng có thể được nghỉ từ 1 tới 2 năm để chăm sóc vợ.

Tuy nhiên, do một bộ phận đàn ông Việt vẫn còn tâm lý gia trưởng nên thường ỷ lại nhiệm vụ chăm con cho vợ còn bản thân thì rảnh rang lo công việc hay giao lưu bạn bè.

Khi được nghỉ trong một khoảng thời gian nhất định, những đức ông chồng sẽ phải hàng ngày, hàng giờ chăm sóc con nhỏ, vật lộn cùng bỉm sữa khiến bản thân họ không tránh khỏi cảm giác tù túng chân tay, dẫn tới tâm lý chán nản.

Do vậy bà Khánh cho rằng, mặc dù thời gian nghỉ chưa nhiều, nhưng lại phù hợp với phần đông sở thích cũng như tâm lý của phần lớn đức ông chồng Việt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Song Minh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN