Dự án bauxite: "Phải thấy cả vòng đời dự án"

Sự kiện: Dự án bauxite

Đó là câu trả lời của người đứng đầu văn phòng Chính phủ - Bộ trưởng Chủ nhiệm Vũ Đức Đam tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 28/2 trước câu hỏi về tiến độ của dự án này.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về hiệu quả của dự án bauxite Tây Nguyên, người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cho hay: Bauxite Tây Nguyên là một trong số ít tài nguyên của Việt Nam có tầm quốc tế, có trữ lượng bauxite thuộc hàng các nước đứng đầu thế giới. Mặc dù trữ lượng dồi dào nhưng chủ trương nhất quán của Chính phủ là thăm dò, khai thác phục vụ đời sống kinh tế xã hội trên tinh thần tiết kiệm, sử dụng công nghệ tiên tiến bảo vệ môi trường.

Vì đây là dự án KTXH nên Bộ trưởng Đam cho biết, dự án phải có hiệu quả KTXH, có hiệu quả tổng thể, trong đó có tính đến yếu tố vòng đời của dự án.

Đặt ra bài toán không hiệu quả của các dự án bauxite, khi phóng viên đặt câu hỏi: Chính phủ có tính đến việc dừng các dự án hay không? Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, nếu nghi ngại thuần tuý về hiệu quả kinh tế của dự án thì cần phải thấy cả vòng đời đời dự án. Có dự án 10 năm; 20 năm; thậm chí 50 năm trong khi thị trường đầy biến động. Dù chủ đầu tư là ai thì cũng phải tính đến hiệu quả kinh tế và vòng đời kinh tế.

“Đối với dự án cụ thể này, Chính phủ sẽ vừa làm vừa xem xét cẩn trọng tất cả các mặt. Chính phủ sẽ công khai minh bạch, sẵn sàng cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền”, Bộ trưởng Đam khẳng định.

Dự án bauxite: "Phải thấy cả vòng đời dự án" - 1

Băng tải chuyển quặng tinh trong dự án bauxite (Ảnh: Người Lao Động)

Nói về việc dừng dự án Cảng Kê Gà, khi phóng viên đặt câu hỏi: “Vinacomin có báo cáo về thiệt hại trong dự án Cảng Kê Gà tới Chính phủ, ý kiến của Chính phủ ra sao?”, Bộ trưởng Đam trả lời: “Việc quy hoạch và đầu tư cảng, Vinacomin cho biết thời điểm hiện tại có thể chưa cần đầu tư vào Cảng Kê Gà, mà có thể sử dụng các cảng lân cận như cảng Dầu Giây. Theo tôi, đây là một quyết định hợp lý. Đương nhiên, mọi dự án khi đã thực hiện một phần đầu tư thì cũng đã mất một phần chi phí, nhưng nếu thấy tiếp tục thực hiện còn thiệt hại hơn nữa thì cũng nên quyết định dừng đầu tư. Việc dừng đầu tư cũng không ảnh hưởng tới quy hoạch cảng biển ở khu vực này”.

Bộ trưởng Đam thông tin lại: Dự án xây dựng Cảng Kê Gà được lập trong bối cảnh không có cảng nào phục vụ cho việc xuất nhập hàng hóa tại khu vực Bình Thuận. Đến thời điểm hiện nay, Bình Thuận có cảng Vĩnh Tân và đang chuẩn bị lập dự án xây dựng cảng trung chuyển than cho khu vực phía Nam thì việc dừng xây dựng Cảng Kê Gà là hợp lý và phù hợp với quy hoạch của Chính Phủ.

Bên cạnh đó, trên thực tế, đến năm 2020 lượng hàng hóa thông qua cảng Kê Gà chỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm thấp hơn rất nhiều so với lượng hàng hóa theo dự án Cảng đã được phê duyệt. Với lượng hàng hạn chế như vậy, việc sử dụng các cảng hiện có hiệu quả hơn so với đầu tư xây dựng cảng mới.

“Trong thời gian trước mắt, sẽ sử dụng các cảng lân cận để vận chuyển hàng hoá. Nếu quyết định này lợi hơn thì phải dừng lại và Vinacomin dừng lại là hơp lý”, ông Đam khẳng đinh.

Năm 2011, Thủ tướng đã cho phép UBND tỉnh Bình Thuận thực hiện việc thu hồi đất, giao đất cho chủ đầu tư để triển khai xây dựng dự án Cảng Kê Gà phục vụ dự án bauxite Tây Nguyên. Cảng này được kỳ vọng sẽ rút ngắn cung đường, giảm chi phí vận chuyển hàng hoá của các dự án bauxite nhôm.

Dự kiến, dự án Cảng Kê Gà được chia thành 4 giai đoạn. Công suất bốc dỡ giai đoạn một sau 2 năm xây dựng sẽ đạt 3,5 triệu tấn mỗi năm, đến năm 2020 sẽ hoàn tất cả 4 giai đoạn xây dựng với tổng công suất bốc dỡ được nâng lên khoảng 35 triệu tấn mỗi năm.

Để triển khai dự án này, UBND tỉnh Bình Thuận đã quyết định thu hồi, ngừng triển khai đối với 12 dự án du lịch nằm bên trong ranh giới cảng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Sơn Trà ([Tên nguồn])
Dự án bauxite Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN