Đồng phục HS: Cả nước nên dùng 1 mẫu

Trước những câu chuyện gây tranh cãi về đồng phục học sinh vừa qua, nhiều độc giả cho rằng Bộ GD&ĐT nên quy định thống nhất mẫu đồng phục cho học sinh từng cấp học trên cả nước.

Sợ học sinh thất học vì… đồng phục

Trước thông tin hàng loạt học sinh trường THPT Trị An (Đồng Nai) bị “mời” ra khỏi lớp vì mặc quần có màu sai với quy định của nhà trường, độc giả Anh Nam (votu…@company.com) cho rằng, nhà trường nên áp dụng các hình thức xử lý khác mà không làm ảnh hưởng đến việc học của các em.

Lo lắng trước hình phạt này, độc giả thamy…@yahoo.com cũng cho rằng nhà trường có thể để các em lao động công ích như quét sân, nhổ cỏ, trồng cây... “Nếu đuổi khỏi lớp, các em sẽ ra ngoài lang thang rồi hư hỏng thì sao? Lao động công ích, không chỉ nhà trường có lợi mà còn giữ chân được các em. Đôi khi những em lười học cũng cố tình mặc đồng phục sai để “được” đuổi thì sao?” – Độc giả này viết.

Đồng phục HS: Cả nước nên dùng 1 mẫu - 1

Nhiều học sinh Trường THPT Trị An (Đồng Nai) bị “mời” ra khỏi lớp vì mặc quần sai màu (Ảnh: Hưng Văn)

Cuối tháng 8 vừa qua, nhiều học sinh Trường THPT Vị Thủy - Phân hiệu Vĩnh Thuận Tây (Hậu Giang) bị giáo viên tịch thu, cắt dép vì không đi giày ba ta trắng theo quy định của nhà trường.

Khi biết trong số đó có nhiều học sinh nghèo, độc giả thanhkim…@yahoo.com.vn đặt câu hỏi: “Sao thầy giáo không hỏi học trò lý do không đi giày theo nội quy và chia sẻ khó khăn cùng các em mà lại cắt dép, để các em đi chân đất về nhà?”

Độc giả Nguyễn Tín (chanhtin…@yahoo.com.vn) xót xa cho biết, Vị Thủy là xã còn rất nhiều gia đình khó khăn, được đến lớp đã là niềm vui rất lớn. Còn độc giả mychi…@yahoo.com.vn nêu vấn đề: “Đến khi vụ việc lên báo, nhà trường mới xin lỗi. Liệu có bù đắp lại được cho các em?”

Trong khi đó, Trường tiểu học Văn Bình (huyện Thường Tín, Hà Nội) – ngôi trường có đến quá nửa số học sinh là con nông dân - lại khiến dư luận lại sửng sốt trước bộ đồng phục đắt ngang… tạ thóc (gần 700.000đồng/bộ).

Theo độc giả Thu Vân (quicksan…@yahoo.com), học sinh đi học để tiếp thu kiến thức chứ không phải đi trình diễn thời trang, do vậy không cần dùng đến những trang phục đắt tiền đến thế.

Độc giả vndang…@gmail.com cho rằng dùng bộ quần áo như vậy là quá lãng phí: “Đồng phục mặc được bao lâu khi học sinh đang tuổi lớn? Cách làm trên ngoài việc gây lãng phí, còn tác động xấu trong việc giáo dục trẻ ý thức tiết kiệm”.

Theo độc giả kienvnc…@gmail.com, chi phí để mua bộ đồng phục này với các gia đình làm nông là một gánh nặng. “Ngoài tiền đồng phục, phụ huynh còn phải đóng rất nhều khoản tiền nữa. Vì sao tỷ lệ học sinh nông thôn phải nghỉ học lại cao như vậy? Có phải đây cũng là một nguyên nhân?”

Đồng phục HS: Cả nước nên dùng 1 mẫu - 2

Bộ đồng phục đắt ngang… tạ thóc của Trường tiểu học Văn Bình (huyện Thường Tín, Hà Nội) (Ảnh: Dân Việt)

Trước khẳng định “việc may đồng phục là không ép buộc, phụ huynh muốn lấy một sản phẩm hay lấy hết đều được” của hiệu trưởng, độc giả Kim Anh viết: “Đồng phục này sẽ phân cấp trong học sinh. Những em có hoàn cảnh khó khăn, không mua được đủ bộ có thể sẽ bị bạn bè trêu chọc. Điều này càng làm tăng thêm tự ti cho các em”.

Ngay sau đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo dừng may đồng phục "giá 1 tạ thóc" này vì không phù hợp với kinh tế người dân, đồng thời việc đăng ký theo nhu cầu sẽ làm tăng phân hóa giàu nghèo trong trường học. 

Một câu chuyện khác liên quan đến vấn đề trang phục nơi học đường cũng được chú ý, đó là quy định cấm giáo viên mặc váy đến trường của Trường THCS và THPT Việt Trung (Quảng Bình). Mặc dù đã bị hủy bỏ nhưng quy định này vẫn khiến dư luận quan tâm.

Độc giả hnga18…@gmail.com tỏ ra đồng tình: “Việc cấm giáo viên nữ mặc váy lên bục giảng là phù hợp. Học sinh đang ở độ tuổi thích tìm hiểu, các em sẽ nghĩ sao khi cứ ngước lên là nhìn thấy chân cô?”.

Cũng cho rằng giáo viên không nên mặc váy tới lớp, độc giả khanhbinh…@gmail.com lại phân tích ở một khía cạnh khác: “Giáo viên khi lên lớp, ngoài đứng giảng còn phải viết bảng, nên nếu mặc váy thì sẽ rất khó khăn và không thể thao tác nhanh được”.

Trong khi đó, theo độc giả Minh Khang (minhkhang…@gmail.com), quy định này cần mang tính “mở” với những cô giáo đang mang thai. Còn độc giả Ngọc Linh (linhnguyen…@yahoo.com) lại cho rằng việc mặc váy sẽ làm tăng thêm nét đẹp của người phụ nữ, chỉ cần cô giáo biết lựa chọn kiểu váy phù hợp với môi trường sư phạm là được.

Nên có mẫu đồng phục chung trên cả nước

Theo độc giả tho06…@gmail.com, ý tưởng mặc đồng phục tới trường để tạo sự bình đẳng trong học là ý tưởng tốt. “Tuy nhiên, ý tưởng nguyên sơ tốt đẹp ấy giờ không còn nữa” – độc giả này bình luận.

Độc giả này cho rằng các nhà giáo hãy đứng vào vị trí phụ huynh để thấy được vấn đề: “Đặt mình vào hoàn cảnh của một gia đình làm nông, tôi tin rằng các vị sẽ khuyên các em mặc đồng phục của năm trước mà còn sạch đẹp”.

Đồng phục HS: Cả nước nên dùng 1 mẫu - 3

Nhiều độc giả cho rằng Bộ GD&ĐT nên đưa ra mẫu đồng phục theo từng cấp, từ đó bán đại trà ra thị trường (Ảnh minh họa)

Độc giả Phan An (anph...@gmail.com) đề nghị Bộ GD&ĐT quy định thống nhất mẫu đồng phục cho học sinh từng cấp học. Trên cơ sở mẫu đó, các công ty may mặc sẽ may và bán đại trà. “Có cạnh tranh mới hạ giá được đồng phục. Từng trường sẽ bán lô gô của trường mình. Phụ huynh chỉ cần mua đồng phục ở cửa hàng, siêu thị về và gắn thêm lô gô của trường là xong.” – Độc giả Phan An nêu ý kiến.

Theo vị độc giả này, cách làm trên sẽ rất tiết kiệm do giá thành hạ. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng thoải mái lựa chọn kích cỡ, chất liệu vải phù hợp với con em mình. Không những vậy, học sinh có thể tiếp tục sử dụng đồng phục của anh chị em mình, khi chuyển trường, lên lớp mới mà không phải mua thêm đồng phục...

Quan điểm này được khá nhiều người đồng tình. Độc giả Hiền Mai (maihien20…@yahoo.com) viết: “Bộ Giáo dục cần thống nhất đồng phục trên cả nước để tránh tình trạng nhũng nhiễu, lãng phí. Nam sinh mặc quần xanh áo trắng và nữ sinh mặc áo dài. Như vậy khi mặc không vừa hoặc đã thôi học trung học thì quần áo đó có thể mang đi làm từ thiện”.

Trước những câu chuyện gây tranh cãi về trang phục học sinh và cách hành xử của các nhà làm giáo dục, độc giả Triệu Thơ (trangmy…@yahoo.com) kể lại một kỷ niệm: “Ngày ấy, gia đình tôi rất nghèo. Nhìn cảnh cô trò nhỏ chỉ có 1 bộ quần áo đến lớp vá chằng, vá đụp, cô chủ nhiệm lớp 5 (nay cô là Phó HT Trường THCS Quốc Oai, Lâm Đồng) thương lắm. Tôi còn nhớ, một buổi chiều, cô gọi tôi vào nhà. Cô đo đo cắt cắt bộ quần áo của cô, sửa lại cho tôi mặc. Dù đã 20 năm nhưng mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn rơi nước mắt vì thương và biết ơn cô”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Hà (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN