Đằng sau vụ đồng phục HS giá cả tạ thóc

Từ chuyện đồng phục, có thể thấy việc học hành của con cái đang là gánh nặng của hàng triệu bậc phụ huynh từ quê nghèo lên phố, trước mỗi năm học mới.

Nhiều ngày qua, câu chuyện Trường tiểu học Văn Bình (huyện Thường Tín, Hà Nội) thu phí đồng phục học sinh cao ngất ngưởng khiến nhiều phụ huynh cực kỳ bức xúc. Giá một bộ đồng phục bằng cả tạ thóc, nằm ngoài khả năng của những nông dân nghèo.

Từ chuyện đồng phục, có thể thấy việc học hành của con cái đang là gánh nặng của hàng triệu bậc phụ huynh từ quê nghèo lên phố. Đến hẹn lại lên, trước mỗi năm học mới, họ đều phải chạy đôn chạy đáo lo cho con vào lớp với nhiều loại phí, quỹ.

Tá hỏa với giá đồng phụcTrường tiểu học Văn Bình tập trung học sinh của ba thôn Bình Vọng, Văn Giáp, Văn Hội (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội). Ở một vùng quê nghèo ngoại ô, thu nhập chủ yếu của người dân đến từ những ruộng lúa nhỏ hẹp. Với những người nông dân chân lấm tay bùn, mỗi dịp năm học mới là một lần trầy trật, chạy đôn chạy đáo lo đủ thứ tiền cho con vào lớp. Những ngày gần đây, hàng loạt phụ huynh bức xúc vì giá đồng phục của học sinh Trường tiểu học Văn Bình không như năm trước.

Đằng sau vụ đồng phục HS giá cả tạ thóc - 1

Mẫu đồng phục giá “trên trời” khiến phụ huynh bức xúc

Hội phụ huynh gồm 3 người, đại diện cho ba thôn cùng với nhà trường quyết định "đột phá" thay đồng phục với thiết kế đẹp, hiện đại gồm bộ quần áo mùa hè (váy áo với nữ) và áo vest cho mùa đông. Mức giá đồng thời cũng nâng lên gần gấp đôi so với năm trước: lớp 1-2 giá 629.000 đồng, lớp 3 giá 661.000 đồng và lớp 4-5 giá 693.000 đồng.

Sau khi nhà trường ra thông báo, hàng loạt phụ huynh “tá hỏa” khi mức giá nói trên quá cao, vượt khả năng của họ. Hàng loạt phụ huynh sau khi tiếp nhận thông tin đã đến gặp cô giáo chủ nhiệm để nói rằng không đồng ý cho con may nữa. Nhưng họ được động viên “cố gắng mua cho con”, vì số đo đã được gửi xuống nhà may. Nhiều phụ huynh tìm hiểu mới biết được nhà trường đã ký hợp đồng với cơ sở may mà họ không hề biết một thông tin gì. "Cô chủ nhiệm bảo đã thông báo đồng phục và giá tiền cho học sinh để về nói với bố mẹ, nếu trẻ không nói thì là do các cháu chưa hiểu.

Nhưng con tôi học lớp 4. Hỏi 10 đứa thì cả 10 đều bảo rằng cô không nói gì về giá cả, chỉ biết là đi đo đồng phục" - chị V., một phụ huynh học sinh cho hay. Một phụ huynh khác cho biết, cách đây nửa tháng chị có nghe nói về việc may đồng phục. Tưởng là vẫn may như đã thỏa thuận vào cuối năm học trước nên chị không để ý. Tuy nhiên, đến khi con kể là quần áo đẹp, mặc thử trông như chú rể, chị mới giật mình. Vội vàng lên nhà cô chủ nhiệm để hỏi thì được biết đồng phục học sinh năm nay đổi mới, giá cũng cao hơn. Cô giáo bảo chị cố may cho con vì thằng bé rất thích. "Tôi nhất quyết không đồng ý thì cô giáo bảo học sinh thích là được rồi".

Hầu hết phụ huynh đều không đồng tình với cách làm của nhà trường. Vì đồng phục của con em họ năm trước vẫn còn dùng tốt, giờ lại may thêm bộ vest nữa thì rất tốn kém. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cả xã Văn Bình có khoảng 60-70% là nông dân, chỉ biết trông vào mấy sào ruộng nên lo tiền học đầu năm cho con đã khó, thêm khoản đồng phục giá cao thế này thì không biết xoay xở đường nào. "Ngay cả may như cũ với giá 350.000 đồng chúng tôi còn không đồng ý. Cháu nào cần thì phụ huynh đăng ký thêm áo cộc tay thôi. Vậy mà đột nhiên các cháu về bảo đã đi đo quần áo, và khi chúng tôi hỏi cô giáo thì mới được biết giá là gần 700.000 đồng, tính ra là hơn 1 tạ thóc.

Nhà trường có nghĩ đến phụ huynh khi đưa ra quyết định này không? Nếu hỏi ý kiến chúng tôi thì sẽ không bao giờ có sự đồng ý"- một vị phụ huynh bức xúc. Ban đại diện hội phụ huynh gồm 3 người cũng không thể đại diện cho hơn 700 phụ huynh của toàn trường được. Nếu muốn thay đổi mẫu mã với giá cả tăng, cần phải thông qua ý kiến của đông đảo phụ huynh. Không thể có chuyện quần áo đã được may rồi thì nhà trường mới đưa thông tin tới cho phụ huynh và cho biết giá tiền. Như vậy là không tôn trọng phụ huynh.

Chị H., mẹ của hai đứa trẻ đang theo học ở Trường Văn Bình kể, nhà chị đông người, thu nhập chính trông chờ vào ba sào ruộng ít ỏi. Mỗi năm học mới, tiền học phí, sách vở và dụng cụ học tập cho hai con đã là một nỗi lo lớn của hai vợ chồng. Nay thêm tiền đồng phục, hai đứa gần 1,4 triệu đồng, chị không có cách nào xoay xở được. Nhà nghèo nhưng anh chị quyết cho con cái ăn học đàng hoàng, bao nhiêu rào cản cũng gắng vượt qua được. Thế nhưng, số tiền đồng phục cao ngất ngưỡng như đang dần đánh gục ý chí của anh chị.

"Ai cũng muốn con mặc đẹp, cũng muốn chúng có niềm vui để chuyên tâm học hành. Nhưng điều kiện của chúng tôi rất khó khăn mà nhà trường không thấu hiểu. Nói chuyện với cô giáo các cô đều thuyết phục cố gắng thu xếp, vì nhà may đã may rồi. Có người than vãn là 200.000 đồng tiền học thêm còn chưa nộp được, lấy đâu tiền mua quần áo thì được cô chủ nhiệm dọa nếu không có đồng phục khai giảng phải đứng ra ngoài hàng" - chị H. nói.

Vô lý và phản giáo dục

Dù không có con học ở trường nhưng rất nhiều người dân trong xã cũng bức xúc vì cách làm này. Nhiều người cho rằng, nếu thiếu sách, vở thì học sinh sẽ không học được, nhưng nếu không có bộ quần áo đẹp thì các cháu vẫn đến trường được. "May một bộ vest thì người nông dân không đủ sức, tại sao không cho các cháu dùng những bộ đồng phục của năm trước? Tôi thấy nếu nhà nào có nhu cầu, có điều kiện cho con ăn mặc đẹp thì đăng ký may, nhà nào đồng phục các cháu vẫn còn mặc được thì chưa cần may, để tiền mua sách vở cho con. Cách làm của nhà trường và hội phụ huynh là vô cảm, thậm chí phản giáo dục" - một người dân nói.

Nói về việc thu tiền đồng phục với giá cao, ngoài khả năng của nhiều hộ dân, bà Đào Thị Thục, hiệu trưởng nhà trường cho biết trước khi may, trường đã họp với ban đại diện phụ huynh về cách may, sản phẩm như thế nào. "Năm nay phụ huynh muốn đổi mới, may cho các con bộ đồng phục đẹp để có thể sử dụng trong nhiều mục đích khác nhau như đi học, đi chơi, mặc ngày lễ, tết...

Ban giám hiệu chỉ có quyền tư vấn cho ban đại diện phụ huynh về hình dáng, logo, hình mẫu, kiểu cách, còn may như thế nào là quyết định của ban đại diện phụ huynh", bà Thục cho hay. Vị hiệu trưởng cũng khẳng định, việc may đồng phục là không ép buộc và mang tính tự nguyện, phụ huynh muốn lấy một sản phẩm hay lấy hết đều được. “Tuy nhiên, có thể là do khâu truyền đạt từ giáo viên đến học sinh, học sinh đến bố mẹ có chỗ nào đó chưa ổn nên mới gây nên sự hiểu lầm cho phụ huynh" - bà Thục phân bua.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lưu, trưởng hội phụ huynh nhà trường cho biết, từ trước đến giờ hội chưa bao giờ phải hỏi ý kiến toàn thể phụ huynh về việc này nên năm nay vẫn làm như vậy. Ban đại diện cũng đã tính đến trường hợp một số gia đình khó khăn, có thể cho nộp tiền thành 2-3 lần. "Chúng tôi đã mời nhà may về để xem chất liệu vải và mẫu mã, qua xem xét chúng tôi thấy hợp lý và quyết định làm hợp đồng” - bà Lưu nói. Như vậy, việc may đồng phục mới được tiến hành đơn phương giữa nhà trường và đại diện hội phụ huynh kiểu “tiền trảm hậu tấu” rồi sau đó mới thông báo rộng rãi cho các phụ huynh khác theo kiểu đưa họ vào thế đã rồi.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Thường Tín sau khi nắm được thông tin từ phụ huynh đã khẳng định: "May đồng phục là việc của hội phụ huynh, nhà trường không được can thiệp”. Như vậy, trong vụ việc này, động thái “tích cực” của nhà trường từ hiệu trưởng đến giáo viên chủ nhiệm, từ động viên đếp ép buộc phụ huynh mua đồng phục mới, rõ ràng là có động cơ không trong sáng. Rất may cho phụ huynh, sau khi tiếp nhận thông tin, Sở GD&ĐT Hà Nội vừa chỉ đạo dừng may đồng phục "giá 1 tạ thóc" ở Trường tiểu học Văn Bình vì không phù hợp với kinh tế người dân.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - Nguyễn Hiệp Thống - cho biết quan điểm của sở là không làm những việc bất bình thường. Ông phản bác luôn việc nhà trường đề xuất cho phép ai đăng ký thì vẫn may đồng phục mới. “Đồng phục, ngoài nhiều yêu cầu khác nhau, cần đảm bảo phải tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương. Nếu như đồng phục mà cho đăng ký, ai thích may áo, may quần đều được thì không còn gọi là đồng phục nữa. Điều này cũng làm tăng thêm sự phân biệt giàu nghèo, trái với quy định đảm bảo tính bình đẳng và tiết kiệm của bộ", ông Thống nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trường Tiến (Dòng Đời)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN