Đời nô lệ trên biển

Với lời hứa hẹn sẽ có một mức lương cao khi đi biển, nhiều người đã rời bỏ quê hương đến Thái Lan chấp nhận làm việc trên tàu cá. Nhưng họ không ngờ rằng mình đã trở thành nạn nhân của bọn buôn người, bị ép làm nô lệ và không có lối thoát khi phải lênh đênh trên đại dương nhiều năm trời.

Thuyền trưởng là... vua

Theo CNN ngày 12.5, Samart Senasook là một trong số những nạn nhân của nạn buôn người phải làm nô lệ khổ sai trên những chiếc tàu cá của Thái Lan. Dù biết công việc vất vả với nhiều giờ làm việc không ngừng nghỉ, nhưng nghĩ đến mức lương cao và chỉ làm việc trong một năm Samart đã chấp nhận từ bỏ công việc cũ theo lời hứa hẹn của một người tên là Vee.

Đời nô lệ trên biển - 1

Các ngư dân Thái Lan và người nhập cư được giải cứu trong tháng 4 vừa qua.  CNN

Nhưng hoá ra, Vee chính là người môi giới -một mắt xích trong mạng lưới buôn người để cung cấp cho ngành công nghiệp đánh cá Thái Lan hàng ngàn lao động nhập cư mỗi năm và biến họ thành nô lệ khổ sai lênh đênh trên biển.

Với Samart Senasook, thay vì làm việc một năm trên tàu cá như đã hứa, ông đã phải làm việc suốt 6 năm trời, trong điều kiện làm việc khắc nghiệt, quần quật 20 giờ mỗi ngày và tính mạng luôn bị đe doạ. Cho đến cuối tháng 4 vừa qua, chiếc tàu đánh cá mà ông đang làm việc bị bắt giữ tại hòn đảo Ambon, miền đông Indonesia, cách Thái Lan hàng ngàn dặm. Cảnh sát biển Indonesia nghi ngờ rằng, chiếc tàu cá này đã đánh bắt trái phép, Samart Senasook và những thuyền viên khác trên tàu đã bị bắt giữ.

Nhìn lại quãng thời gian dài lênh đênh trên biển, Samart Senasook cho biết, từ tháng 1.2009 đến tháng 3.2015, Samart hiếm khi nhìn thấy đất liền. Chiếc thuyền đánh cá mà ông làm việc càng ngày càng đi xa hơn để tìm kiếm nguồn cá đang dần khan hiếm. Đánh bắt cá là ngành công nghiệp thuỷ sản đưa về hàng tỷ đô la mỗi năm cho Thái Lan, trong đó nguồn xuất chính là thị trường châu Âu và Mỹ.

Samart Senasook mô tả cuộc sống của ông trên tàu cá này đầy sự hăm doạ, không được phép ngủ và thường xuyên bị thuyền trưởng đánh đập, đe doạ gí súng vào đầu. Samart Senasook kể, nhiều lúc cùng quẫn, không có cách nào để trốn thoát ông đã nghĩ đến việc nhảy xuống biển tự sát, nhưng được bạn cùng phòng giữ lại.

Những nấm mồ mang tên giả

Khi bị bắt giữ ở đảo Ambon, Samart Senasook đã rất kinh hoàng khi máy nhận dạng vân tay của mình đã cho ra một hồ sơ khác với một cái tên hoàn toàn xa lạ. Samart Senasook kể rằng, có rất nhiều người trong số bạn bè của ông đã chết ở Indonesia và ngôi mộ của họ được dựng lên dưới những cái tên giả. Trong tuyệt vọng, Samart Senasook đã viết một bức thư ngỏ gửi lên Thủ tướng Thái Lan yêu cầu giúp đỡ. Lá thư này đã cứu ông thoát khỏi sự giam cầm ở Indonesia nhưng cuối cùng ông vẫn bị cô lập và không có tiền. Samart Senasook nhận được một khoản thanh toán cuối cùng từ viên thuyền trưởng là 1.750 baht (53USD), nhưng sau đó người này đã bắt Samart Senasook phải trả 20.000 baht (651USD) cái gọi là chi phí môi giới đưa Samart Senasook lên thuyền năm 2009.

Cuối cùng, với sự giúp đỡ của mạng lưới quyền lao động (LPN) của Thái Lan, Samart Senasookđã được hồi hương trở về Thái Lan vào tháng 4 vừa qua. LPN cũng phát hiện ra nhiều trường hợp tương tự trên các hòn đảo gần đó như Benjina- nơi hàng trăm ngư dân khác trên khắp khu vực Đông Nam Á đã bị mắc kẹt lại và sống trong hoàn cảnh tuyệt vọng. Theo ước tính của các nhóm nhân quyền, có khoảng 3.000 nạn nhân bị buôn bán làm việc trên các tàu thuyền đánh cá trong vùng biển này. Con số này có thể còn cao hơn nhiều bởi rất nhiều nạn nhân bị mang tên giả.

Theo thống kê của Chính phủ Thái Lan, có 145.000 lao động đang hoạt động trong ngành công nghiệp đánh cá của nước này, với 80% những người lao động nhập cư, chủ yếu là từ Myanmar, Campuchia và Lào, Việt Nam. Tuy nhiên, nhóm hoạt động độc lập có tên RAKS khảo sát cho thấy con số đó đã vượt quá 200.000 người, bởi rất nhiều lao động không được đăng ký. Ngoài ra cũng rất khó xác định được con số chính thức các tàu cá hoạt động bởi việc đăng ký các tàu thuyền đánh cá hiện nay ở Thái Lan khá lỏng lẻo. Một con số được đưa ra là khoảng 57.000 tàu cá đang hoạt động, nhưng con số thực tế có thể gấp đôi thế.

Năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ đã hạ cấp Thái Lan đến mức báo động trong danh sách về nạn buôn bán người, mà có thể dẫn đến việc rút lui các viện trợ quốc tế.

Tháng trước, Liên minh châu Âu (EU) cũng cho rằng, Thái Lan là một đất nước "không hợp tác" vì giám sát và kiểm soát lỏng lẻo các tàu đánh cá của mình. Nếu tình hình còn tiếp tục nghiêm trọng, EU cho biết Thái Lan sẽ phải đối mặt với một lệnh cấm vận liên quan đến xuất khẩu hải sản vào thị trường EU. Theo thống kê, xuất khẩu hải sản của Thái Lan vào thị trường Mỹ và EU mang về khoản thu 2,5 tỷ USD mỗi năm.

Chuyên gia cấp cao Lisa Rende Taylor thuộc Dự án về buôn bán người của Liên Hợp Quốc nhận định: “Nó không giống như ở nhà thổ, các nhà máy... mà sự lao động cưỡng bức ở đây diễn ra ngoài biển. Nó là một thế giới nơi thuyền trưởng là vua. Một số cố kiếm nhiều tiền bằng cách bắt các lao động làm việc cả ngày và cho mình quyền đối xử độc ác tùy thích”.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN