Đời lính biển trên “ngôi nhà thép” di động

Mỗi năm, họ chỉ có 40 ngày  phép được về đất liền đoàn tụ cùng gia đình, hơn 300 ngày còn lại người lính gắn mình với “ngôi nhà thép” di động giữa biển khơi cùng những hải trình đầy sóng gió.

Nghệ thuật dao, thớt

Góc xanh và sống động nhất trên con tàu hàng HQ 621 của Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân chính là khu “vườn, chuồng” phía boong sau của tàu. Đây cũng là nơi mà hàng ngày thượng úy Võ Tá Linh – quản lý bếp trên tàu tất tả lên xuống để chăm nom, vun xới mong có được những bữa ăn “tươi, sống” và đủ chất dinh dưỡng nhất cho anh em trong những ngày dài vượt sóng.

Đời lính biển  trên “ngôi nhà thép” di động - 1

Thượng úy Võ Tá Linh chuẩn bị bữa ăn cho chiến sĩ.   (Ảnh: Tùng Anh)

Gọi là vườn rau cho “sang” nhưng thực ra chỉ là khoảng chục khay đất được anh em trên tàu cất công vác từ đất liền lên tàu sau mỗi chuyến nghỉ phép. Mỗi khay đất trồng một loại rau, phổ biến nhất là những cây rau ngắn ngày như rau muống, cải, mồng tơi... và cả những cây gia vị như mùi, thìa là, húng, hành... Anh Linh cho biết: “Đi biển lâu ngày nhớ đất liền lắm, vườn rau này anh em coi như “đất liền thu nhỏ” thỉnh thoảng lên ngắm nghía, vun trồng cho đỡ nhớ nhà, nhớ quê”.

HQ 621 là con tàu vận chuyển hàng đặc trưng của các lữ đoàn thuộc vùng biển phía nam. Tàu vừa làm nhiệm vụ tuần tra trên biển vừa cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men cho các nhà giàn DK1. Chính vì vậy, tàu có những chuyến đi trên biển dài đến cả trăm ngày. Để đảm bảo nguồn thực phẩm tươi sống cho anh em, “bí quyết” của thượng úy Võ Tá Linh là phải chọn những loại rau củ để được lâu như: Bí ngô, bí xanh, đậu, lạc... Các thực phẩm để đông lạnh cùng lắm cũng chỉ được vài tuần, vì vậy chủ yếu các anh phải tự túc bằng nguồn cá, tôm, mực... câu được dưới biển và rau xanh tự trồng trong khu vườn nhỏ. Nước ngọt thì đặc biệt được tiết kiệm, bình thường trên tàu dù nhiều nước nhưng mỗi chiến sĩ cũng chỉ được tắm 2 lần/tuần vì còn dành nước cấp cho các nhà giàn.

Có những chuyến đi do biển động hay nhận nhiệm vụ đột xuất không cập cảng theo kế hoạch, tàu thiếu lương thực, gạo và nước uống trong những ngày cuối cùng đành phải nhờ sự hỗ trợ của ngư dân trên biển.

Được vào bếp với thượng úy Võ Tá Linh và trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Tiến Thành mới thấy việc nấu được một bữa ăn ở đây thật không hề đơn giản. Trong gian bếp của tàu, trung úy Thành đứng giữ nồi cơm trên bếp đang đỏ lửa để nồi cơm không bị hất tung dưới cơn sóng cấp 7, cấp 8 đang giật mạnh vào thân tàu. “Phải có “nghiệp vụ” tốt mới nấu được cơm chín đấy, chỉ cần chín thôi, ngon thì khó. Có hôm cơm gần chín vừa mở vung ra thì bị sóng tạt cái rạt qua cửa sổ vào đúng nồi cơm, thế là cơm thành... cháo” – trung úy Thành cười. Trong khi thượng úy Linh vẫn tay dao tay thớt chan chát thì trên sàn bếp các dụng cụ nấu nướng thi nhau chạy ngược chạy xuôi theo nhịp sóng. Thượng úy Linh cho biết: “Tất cả mọi hoạt động bếp núc đều phải “chiều” theo nhịp đung đưa của tàu trừ cơ thể thì phải đứng vững nếu không sẽ băm, thái vào tay ngay”.

Có bão là... lên đường

Trên ngôi nhà sắt di động giữa biển khơi ấy, có lẽ lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh tàu là nơi trang trọng, thiêng liêng nhất của người lính biển. Mỗi buổi sáng, trước khi bắt tay vào công việc của một ngày các anh đều đứng nghiêm trang trên boong tàu hướng về lá cờ đang phần phật trước gió biển làm lễ chào cờ. Thượng úy Huỳnh Chí Cường - Chính trị viên của tàu HQ 621 cho biết: “Cứ 2 tháng 1 lần anh em lại phải thay cờ vì gió biển táp, cờ rất nhanh bị rách. Nhưng dù khó khăn đến mấy anh em vẫn tìm cách bảo đảm cho lá cờ đang tung bay ấy lành lặn và tươi màu. Nhìn thấy cờ là giống như nhìn thấy đất nước”.

Chính niềm tin mãnh liệt ấy đã giúp sức cho người lính biển vượt qua sóng gió để hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn nhất.

“26 năm kể từ khi nhà giàn đầu tiên được xây dựng trên thềm lục địa phía nam của Tổ quốc, đã có 4 nhà giàn bị đổ, nhiều anh em đã hy sinh. Chính vì vậy, cứ nghe tin bão chúng tôi lại gấp rút lên đường đánh vật với bão biển để đón đồng đội” – thượng úy Nguyễn Trần Thịnh- thuyền trưởng tàu HQ 621 nói.

Hai năm trước, thượng úy Huỳnh Chí Cường cũng từng nhận nhiệm vụ trên một nhà giàn DK1. Trong một cơn bão lớn, anh đã từng phải cột dây vào người lao xuống biển để bơi ra tàu HQ 621 tránh bão. Con tàu đã đón anh trong cơn bão tố, giờ lại thành ngôi nhà thứ 2 của anh nên tình cảm càng thêm gắn bó. Anh cho biết: “Nhiều chuyến đi dài, có khi tàu phải đối đầu với 7 cơn bão lớn, nhỏ. Anh em mệt nhoài nhưng vẫn gắng sức vì nhiệm vụ. Phía trước là đồng đội đang thiếu lương thực, nước uống, gặp khó khăn... Chính vì vậy dù bão gió tàu vẫn ra khơi bất cứ khi nào tổ quốc gọi” – thượng úy Cường tự hào nói.

Thông thường mỗi khi có bão, những con tàu khác sẽ phải nhanh chóng chạy vào bờ để tránh bão, riêng những con tàu của Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân lại phải nhận nhiệm vụ ra khơi trong tâm bão để cứu trợ ngư dân, đón các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên nhà giàn DK1.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tùng Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN