Đi XKLĐ "chui": Trở về chỉ nắm tro tàn

Chỉ trong vài tháng, lao động quê Nghệ An liên tiếp tử vong tại Angola. Những vùng quê nghèo xao xác. Nỗi đau buốt lòng. Vành tang trắng thêm nặng trĩu bởi nỗi lo nợ nần của thân nhân người quá cố.

Đi trai tráng, về trong quan tài!

Như những thước phim đẫm nước mắt, chiếu chậm tại các làng quê nghèo xứ Nghệ, nhân vật chính là những ông bố, bà mẹ thẫn thờ ngóng con, người vợ trẻ ngơ ngác đợi đón thi thể chồng,… sau khi đau đớn nhận “tin báo tử”.

Xin bắt đầu từ gia cảnh người vợ góa Hoàng Thị Hiền (phường Nghi Hòa, TX. Cửa Lò, Nghệ An).

Hơn một năm trước, chồng chị là anh Nguyễn Công Nguyên theo một đường dây “chui” xuất khẩu sang Angola, để lại niềm hi vọng đổi đời của bố mẹ già, vợ trẻ con thơ.

Một năm, mộng ước đổi đời đột ngột sụp đổ trong nước mắt. Gia đình bàng hoàng khi nhận được tin báo từ Angola cho biết anh Nguyên đã tử vong sau khoảng thời gian ngắn chống chọi bệnh sốt xuất huyết.

Đến gia đình anh, thấy bà cố nội gần 90 tuổi khóc cháu trên giường, ông bố lụi hụi dựng tạm bàn thờ cho đứa con trai độc nhất. Chị Hiền ngơ ngác trước bàn thờ, nhìn di ảnh chồng như muốn tự an ủi rằng chồng mình vẫn sống!

“Tội lắm anh ơi! Ở nhà thì khỏe mạnh, chẳng bệnh tật gì. Em đã dặn cố gắng giữ gìn sức khỏe, làm việc vừa sức thôi mà… ” – không có tiếng khóc nào xót xa hơn nước mắt của góa phụ trẻ.

Đi XKLĐ "chui": Trở về chỉ nắm tro tàn - 1

Người mẹ của lao động xấu số Nguyễn Đức Cao khóc òa trước di ảnh con trai

Cách đó không xa, gia đình ông Nguyễn Sỹ Đại (xóm 7, Nghi Kim, TP. Vinh) cũng chìm trong tang thương, khi người con trai là Nguyễn Đức Cao (SN 1988) tử vong tại Angola vì sốt rét.

Cao vừa sang Angola chưa được 3 tháng, công việc chưa đâu vào đâu. Nỗi đau của gia đình ông Đại càng lớn gấp bội khi trước đó, đứa con trai cả của ông bà cũng tử vong trong khi đi làm thuê ở miền Nam, chưa đoạn khăn tang.

Đến ngày 5/4, thi thể của 2 lao động xấu số này lần lượt được di chuyển về nhà.

Người ra đi, nợ nần ở lại

Ông Nguyễn Công Hợp, bố lao động Nguyễn Công Nguyên cho biết, con trai ông đi xuất khẩu lao động đi Angola theo đường du lịch từ hơn 1 năm trước với chi phí 6.000 USD.

“Nó là con trai duy nhất của tôi. Vừa cưới vợ được mấy tháng thì nó đi xuất khẩu. Nó chết mà chưa một lần được nhìn mặt đứa con đầu” – ông Hợp khóc bên bàn thờ con.

Theo thông tin từ gia đình, anh Nguyên đi Angola theo một đường dây trong xã. Lời hứa ban đầu là sẽ có thu nhập 800 – 1.000 USD/1 tháng.

Tuy nhiên, sau 6 tháng làm việc, anh chỉ được trả 3.000 USD nên chuyển ra làm cho một chủ thầu xây dựng khác.

Dịp Tết vừa rồi, gia đình hoang mang khi có tin từ Angola thông báo anh Nguyên bị sốt xuất huyết nặng phải nhập viện điều trị.

Gia đình tất bật ngược xuôi vay được 6.000 USD gửi sang để trả viện phí với hi vọng anh chóng khỏi để về nước.

Tuy nhiên, đến ngày 9/3, gia đình sững sờ đón nhận hung tin. Anh Nguyên đã không thể qua khỏi.

Đau đớn hơn, thi thể anh sẽ chỉ được đưa khỏi bệnh viện nếu thanh toán đủ số tiền viện phí 153.000 USD (xấp xỉ 3,5 tỷ đồng).

Nhờ sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng người Việt tại Angola, sự can thiệp của sứ quán Việt Nam, thi thể anh Nguyên đã được đưa về nước.

Số tiền vay lúc xuất khẩu lao động trở thành món nợ khổng lồ với gia đình.

Đi XKLĐ "chui": Trở về chỉ nắm tro tàn - 2

Chị Nguyễn Thị Mai và 2 đứa con, cùng người thân đau đớn trước cái chết của anh Phan Văn Sơn

Cùng chung số phận, ngày 12/4, chị Nguyễn Thị Mai (SN 1977, Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An) cùng 2 đứa con nhỏ chết lặng khi nhận được hung tin anh Phan Văn Sơn, chồng, cha của 3 mẹ con vừa tử nạn tại Angola.

Căn nhà cấp 4 tuềnh toàng nghi ngút khói hương và những lời khóc than não nề.

Anh Sơn sang Angola được hơn 1 năm với chi phí 6.000 USD vay mượn, số tiền gửi về chưa đủ để vợ con trả nợ. Chị Mai rụng rời khi được biết số tiền để đưa thi thể chồng về lên đến hơn 500 triệu đồng!

Nghệ An kiểm tra, rà soát số lao động đi Angola

Ngày 8/4, ông Bùi Nguyên Lân, Giám đốc Sở LĐTB&XH Nghệ An đã ký văn bản gửi các phòng LĐTBXH cấp huyện, thị, thành phố trực thuộc, yêu cầu kiểm tra, thống kê tổng số lao động đi Angola bất hợp pháp trên địa bàn.

Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An cũng có văn bản yêu cầu UBND các cấp quản lý chặt chẽ việc XKLĐ trên địa bàn, tăng cường kiểm tra, xử lý các đối tượng, đường dây tổ chức đưa lao động đi Angola trái phép.

Cơ quan chức năng cho biết, trước nay việc quản lý, khống chế việc xuất khẩu “chui” đi Angola thường là bất khả thi do diễn biến quá phức tạp, người dân nghèo tại các làng quê vốn biết rất ít về thông tin nên dễ dàng gật đầu đi theo các đường dây lừa đảo.

Thông tin từ người Việt tại Angola báo về, vừa đặt chân xuống sân bay nước bạn các lao động đã phải tự xoay sở.

Nhiều người đã bị bắt ngay và trục xuất về nước.

Ước tính, có khoảng 1 vạn lao động Nghệ An đang mưu sinh tại Angola.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Thái (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN