Để "lọt lưới" 10.000 lít "rượu chết người"

Sự kiện: Ngộ độc rượu

10.000 lít rượu trong lô sản xuất ngày 12/10 làm chết 6 người đã được "phát tán" trên thị trường.

Chiều 10/12, tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, nhiều câu hỏi của PV xoay quanh trách nhiệm của Sở Công Thương Hà Nội trong vụ việc “6 người chết vì rượu độc”.

Trước đó, từ ngày 2 đến 7/12, tại tỉnh Quảng Ninh xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu làm 15 người phải nhập viện, trong đó 6 người tử vong.

Tất cả các nạn nhân đều sử dụng cùng một loại rượu đóng trong chai nhựa 2 lít màu trắng: Rượu nếp 29 Hà Nội, lô sản xuất ngày 12/10/2013 của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội.

Chuyển 6.000 lít về Quảng Ninh, 4.000 lít về Hải Dương

Tại cuộc giao ban báo chí, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đơn vị này đã kiểm tra Công ty cổ phần XNK 29 Hà Nội 5 lần, gần đây nhất ngày 16/10, nhưng vẫn không phát hiện loại rượu gây chết người này.

Để "lọt lưới" 10.000 lít "rượu chết người" - 1

Bà Nguyễn Thị Như Mai – Phó GĐ Sở Công Thương HN phát biểu tại buổi giao ban báo chí

Trả lời câu hỏi của PV, tại sao kiểm tra ngày 16/10 nhưng để lọt lô rượu gây chết người sản xuất ngày 12/10, Bà Nguyễn Như Mai – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nói rằng: “Ngày 16/10, khi đoàn thanh tra đến làm việc tại Công ty Cổ phần XNK 29 Hà Nội, Công ty này cho biết có hai cơ sở. Cụ thể, một cơ sở ở Thạch Bàn (Long Biên) sản xuất nước giải khát, và một cơ sở là ở Nguyễn Gia Thiều sản xuất rượu”.

“Hôm đó, công ty báo cáo, trụ sở sản xuất rượu tại Nguyễn Gia Thiều đang đóng cửa, không sản xuất. Do vậy, đoàn thanh tra chỉ kiểm tra cơ sở sản xuất nước giải khát ở Thạch Bàn”, Phó Giám đốc Sở Công Thương nói.

Tuy nhiên, bà Mai cũng cho biết, theo lời khai của Giám đốc doanh nghiệp với cơ quan công an, lô rượu độc ghi ngày sản xuất 12/10 thực chất được sản xuất ngày 29/10.

Bà Mai nói: “Theo lời khai ban đầu của Giám đốc Công ty, lô rượu này có 10.000 lít, đã chuyển 6.000 lít cho các đại lý ở Quảng Ninh, 4.000 lít về Hải Dương”.

“Chúng tôi có rất nhiều nhiệm vụ phải làm”

PV đặt câu hỏi: Rượu bán trên địa bàn Hà Nội có bảo đảm chất lượng để dân yên tâm không?

Bà Mai nói rằng, theo quy định, đơn vị sản xuất kinh doanh chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan quản lý có trách nhiệm kiểm tra và hậu kiểm.

Bà nói thêm: “Trên địa bàn Hà Nội, với chức năng nhiệm vụ quản lý thị trường, chúng tôi có rất nhiều nhiệm vụ phải làm”.

Hiện có hơn 500 công chức, 32 đội quản lý thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận, hàng cấm,…. Đến tháng 11/2013, đã kiểm tra trên 9.000 vụ, xử phạt trên 8.000 vụ, số hàng tịch thu trên 100 tỷ đồng.

Theo bà Mai, lực lượng quản lý thị trường tham gia đoàn liên ngành, vệ sinh an toàn thực phẩm, chống thất thu thuế, tham gia kiểm tra cả văn hóa, karaoke, nhà hàng, vũ trường...

Bà Mai nói về sự nỗ lực làm việc của đơn vị: “Với cường độ làm việc như vậy, một tháng nay, lực lượng quản lý thị trường làm cả ngày thứ 7, không những làm ngày, thậm chí làm đêm”.

“Dù sự việc xảy ra, ngành công thương có một phần trách nhiệm khi chưa kiểm soát hết được. Nhưng chúng tôi với trách nhiệm của mình đã tăng cường kiểm tra các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, trong đó có rượu”.

Qua sự việc rượu độc làm chết người, Phó Giám đốc Sở Công Thương HN cũng thừa nhận trách nhiệm, bà nói: “Là cơ quan tham mưu cho UBND TP, trách nhiệm trước hết thuộc về ngành công thương và các ngành liên quan trong phân cấp quản lý”.

Bà Nguyễn Như Mai – Phó Giám đốc Sở công thương Hà Nội cho biết,  từ năm 2009 đến nay, trong 5 lần ngành công thương kiểm tra tại Công ty này, có tới 4 lần phát hiện sai phạm. Tuy nhiên, các sai phạm chưa đến mức đình chỉ sản xuất.

Cụ thể, sai phạm không có giấy phép, doanh nghiệp đã khắc phục; sai phạm về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng ở mức độ chưa thể đình chỉ sản xuất; sai phạm nhãn hàng hóa cũng đã được khắc phục; gần đây nhất kiểm tra nước giải khát, sai phạm ở cơ sở sản xuất nước giải khát, không kiểm tra rượu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Ngộ độc rượu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN