ĐBQH: Bầu sớm chức danh cấp cao phù hợp thực tiễn

Việc làm này phù hợp với thực tiễn đòi hỏi để bộ máy Nhà nước sớm đi vào hoạt động hiệu quả.

ĐBQH: Bầu sớm chức danh cấp cao phù hợp thực tiễn - 1

ĐBQH Dương Trung Quốc trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội

Bên hành lang Quốc hội sáng 30/3, ĐB Dương Trung Quốc đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh việc Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm và bầu nhiều chức danh Nhà nước, trong đó có 3 vị trí chủ chốt là: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ. Ông Quốc cho biết:

Nhiệm kỳ Quốc hội này có sự khác thường trong quy trình bầu những chức danh cao cấp của Nhà nước, bởi thông thường các chức danh này được bầu trong một nhiệm kỳ mới của Quốc hội. Kết quả của Đại hội XII đã tạo ra tình huống đặc biệt khi lần đầu tiên 3 trong 4 chức danh quan trọng nhất (thường gọi là “tứ trụ”) sau Đại hội không tham gia BCH T.Ư và không tham gia Bộ Chính trị. Vì thế, lần này chúng ta phải bầu một lúc ba chức danh quan trọng. Việc làm này phù hợp với thực tiễn đòi hỏi để bộ máy Nhà nước sớm đi vào hoạt động hiệu quả.

Trong hoàn cảnh như vậy, các ĐBQH sẽ thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình như thế nào trong việc bỏ phiếu miễn nhiệm, bầu nhân sự, thưa ông?

Trước hết đều phải thực hiện đúng luật, không coi đây là vấn đề hình thức. Chúng ta hoàn toàn có quyền giám sát tính chân thật, chính xác của những dữ liệu liên quan đến nhân vật được bầu và căn cứ vào tiêu chuẩn, kể cả sự tín nhiệm mà chúng ta cảm nhận được trong xã hội, trong quá trình những vị ấy hoạt động. Tuy nhiên, lần này có thể nói là lần đầu tiên nhiều gương mặt mới được đặt vào vị trí mới, làm cho mọi người hy vọng.

Theo tôi, tỷ lệ bầu sau đó nên công khai như một lần "nhắc việc" các vị trúng cử.

Theo ông, các nhân sự được lựa chọn trong nhiệm kỳ mới cần tiếp thu các bài học kinh nghiệm từ những người tiền nhiệm như thế nào?

Tôi mong nhiệm kỳ tới sẽ hoàn thiện hơn cơ chế về mặt pháp lý, trách nhiệm cá nhân. Mỗi vị cán bộ ở cương vị của mình, đặc biệt cương vị cao cấp cần thể hiện trách nhiệm cá nhân. Bản thân các quan chức quan cao cấp cũng phải nghĩ đến văn hóa từ chức nếu mình không hoàn thành nhiệm vụ.

Ông nhận định thế nào về việc lần đầu tiên một ứng cử viên là nữ được giới thiệu vào vị trí Chủ tịch Quốc hội?

Việc này thể hiện dấu ấn đầu tiên, còn có là bước ngoặt hay không thì phải để thời gian trả lời. Nhưng có thể nói, đây là tiền lệ tích cực, rất đáng mừng.

Các chức danh lãnh đạo Nhà nước tới đây khi nhậm chức sẽ tuyên thệ, ông kỳ vọng gì vào việc này?

Tôi cho rằng, đảng viên tuyên thệ được thì sao các quan chức không tuyên thệ? Chúng ta tin rằng, một người đã tuyên thệ thì chắc chắn ý chí thực hiện lời thề của mình cao hơn khi không tuyên thệ.

Cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoài Vũ - Ngân Anh ([Tên nguồn])
Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN