Đánh trò: Đòn roi của yêu thương?

Xung quanh clip “Thầy giáo “tra tấn” học sinh”, nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Có ý kiến phản đối nhưng cũng không ít ý kiến tán thành phương pháp giáo dục này. Câu hỏi đặt ra là: Phương pháp giáo dục nào mới thực sự hiệu quả?

Không thầy cô nào muốn đánh học sinh

Nói về clip thầy giáo dạy học sinh bằng đòn roi ở Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp II, cô giáo Hoàng Thị Toan (trường THCS Trung Văn, Hà Nội) cho rằng đây chỉ là một mô hình giáo dục cá biệt. Cô khẳng định không giáo viên nào muốn đánh học sinh.

Cô Toan chia sẻ, nhiều phụ huynh thẳng thắn đề nghị thầy cô sử dụng biện pháp mạnh để giáo dục con em mình. Song các thầy cô đều xác định phương pháp “thương cho roi cho vọt” là không phù hợp. Theo cô giáo này, phương pháp dạy bằng roi nếu có tác dụng cũng chỉ mang tính tức thời. Nếu rời ra khỏi môi trường ấy, bao nhiêu em còn giữ được nề nếp như vậy? Đó là chưa kể nếu bị đánh nhiều, các em học sinh dễ trở nên lì đòn và càng trở nên ương bướng hơn.

Đánh trò: Đòn roi của yêu thương? - 1

Hình ảnh trong clip ghi lại cảnh thầy giáo dùng roi đánh học sinh

Giọng buồn buồn, cô Hoàng Thị Toan kể: Cách đây 3 năm, ở lớp cô chủ nhiệm có một nữ sinh tên N. Bố N. rất dữ đòn. Cứ hễ được cô giáo mời đến trường, không cần biết con mắc lỗi gì, việc đầu tiên ông làm là lao vào đánh con. Sau nhiều lần bị đòn, N. trở nên bất cần đời. Cô bé giao du với bạn xấu, và thường xuyên bỏ nhà đi. Những lần đó, thay vì khuyên nhủ con, bố N. lại bắt con đứng dưới chân chung cư, tay ôm tấm bìa các-tông “liệt kê” những lỗi cô bé mắc phải. Tình hình ngày một trầm trọng hơn. Đến đầu lớp 8, N. bỏ học. “Tôi sợ rằng cuộc đời N. rồi sẽ chẳng đến đâu” – Cô Toan tiếc nuối.

Cô Toan cho hay, giáo dục cần hướng đến tính tự giác, tạo cảm giác thích học cho các em chứ không phải để các em luôn phải sống trong trạng thái đối phó.

Theo cô Bùi Thị Hoa (giáo viên trường THCS Trung Văn), ở lứa tuổi 13-14, tâm sinh lý của các em có sự thay đổi rất nhiều, cá tính mỗi em dần thể hiện rõ nét. Đặc biệt lứa tuổi này rất nhạy cảm nên việc hiểu và thông cảm với các em lại càng quan trọng. Cô Hoa cho biết, cô chưa bao giờ dùng đòn roi với học sinh. Tuy nhiên, nếu trẻ tiến bộ khi dùng biện pháp mạnh thì trong một phạm vi nào đó, vẫn có thể chấp nhận được phương pháp này.

Đòn roi của yêu thương

Đề cập đến phương pháp giáo dục bằng đòn roi, giáo sư Nguyễn Cảnh Tiến (Nguyên Trưởng khoa Kiến trúc và Xây dựng, ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết ông không hoàn toàn phản đối cách dạy này.

Vận dụng câu tục ngữ “yêu cho vọt, ghét cho chơi”, giáo sư Tiến nhấn mạnh: “Cần phải hiểu thế nào là vọt?”. Những đòn roi xuất phát từ tình thương và trách nhiệm sẽ giúp các em tiến bộ lên. Ngược lại, những đòn roi làm tổn thương đến thể chất và tinh thần các em thì nhất thiết phải bị lên án. “Tôi gọi những đòn roi giúp các em trưởng thành là đòn roi yêu thương” – Giáo sư Nguyễn Cảnh Tiến nói.

Đánh trò: Đòn roi của yêu thương? - 2

“Tôi gọi những đòn roi giúp các em trưởng thành là đòn roi yêu thương” – Giáo sư Nguyễn Cảnh Tiến nói

Theo giáo sư Tiến, “vọt” không chỉ là những đòn roi theo nghĩa đen, mà “vọt” còn là những hình phạt dành cho con người nếu không tuân theo những điều luật, những quy định của nhà nước, của pháp luật.

Lấy ví dụ trong giao thông, giáo sư Tiến đặt vấn đề: “Rất nhiều người đi đường, hễ nhìn thấy cảnh sát giao thông là đi chậm lại, không đánh võng, không vượt đèn đỏ… vì họ sợ bị phạt. Rõ ràng ở đây, những hình thức xử lý đóng vai trò như một “chiếc roi”. Anh vi phạm, anh bị phạt, và lần sau anh sẽ nhớ để không tái phạm. Điều này tốt cho ai?”

Giáo sư Tiến chia sẻ, suốt quá trình nuôi dạy con cháu, có những lần ngay bản thân ông cũng phải cầm chiếc roi lên. “Xót lắm, nhưng chúng phải dần học cách chịu trách nhiệm về những hành vi của mình.” – ông trầm ngâm.

Giáo sư Nguyễn Cảnh Tiến nhận định: Mục tiêu của giáo dục là đào tạo ra những con người có đạo đức, có kiến thức để xây dựng một xã hội giàu đẹp, văn minh. Do vậy, nếu dùng những biện pháp nhân văn mà lớp trẻ vẫn không tiến bộ thì phải có những hành động mạnh mẽ, hiệu quả hơn.

Không thiếu cách dạy con

Nhà có hai người con trai, bà Quản Thị Bích Tuệ (Viện Cơ khí Năng lượng & Mỏ, Hà Nội) cho biết bà từng rất vất vả khi nuôi dạy con. Nói mãi con không nghe, vợ chồng bà phải dùng đến biện pháp mạnh. “Nhưng đòn roi cũng chỉ phát huy tác dụng ở giai đoạn đầu” – bà thở dài.

Khi con nghỉ hè lớp 7, bà cho con theo một khóa tu mùa hè. Ngày ngày ăn cơm chay, nghe giảng về đạo lý làm người. Đến khi đón con về, bà ngỡ ngàng trước sự thay đổi của con. Bà Tuệ tâm sự: “Cũng may mà nó nghe, nó ngấm, chứ bố mẹ thì chịu rồi.”

Đánh trò: Đòn roi của yêu thương? - 3

Cô giáo Bùi Thị Hoa cho rằng để giáo dục hiệu quả cần sự kết hợp của nhiều yếu tố

Theo cô Hoàng Thị Toan, nền tảng giáo dục cho lớp trẻ là phải rèn giũa ngay từ tấm bé, và giáo dục từ trong gia đình. Cô Toan kể, cô biết trường hợp của một cháu bé 2 tuổi. Bố mẹ làm ăn xa, phải gửi con cho bà nội nuôi. Nuôi cháu từ bé, nhưng bà không hay trò chuyện với cháu mà chỉ rèn cháu bằng những lời quát mắng, những cái cán chổi. Đến giờ, tính khí của cháu bé rất kỳ lạ: bé luôn gây gổ trước với bạn bè, và thi thoảng thu mình vào một góc chứ không hòa đồng như những trẻ khác. “Có thể đây là một cách tự vệ của cháu bé khi lớn lên trong một môi trường có màu bạo lực” – cô Toan nhận định.

Cô giáo Bùi Thị Hoa cho rằng để giáo dục hiệu quả cần sự kết hợp của nhiều yếu tố. Trong đó, gia đình là nơi quan trọng nhất giúp hình thành nhân cách, thói quen của các em. Nhiều phụ huynh gần như giao phó hoàn toàn việc giáo dục con cho nhà trường. Họ không biết rằng sự giáo dục con trẻ của các thầy cô nhiều khi khó vượt qua được phạm vi nhà trường. Bên cạnh đó, cũng có những phụ huynh, khi con được thầy cô quan tâm nhắc nhở lại nghĩ rằng con “bị trù dập”, hay thầy cô đang “đòi hỏi”. Theo cô Hoa, đây là một sự xúc phạm đến nghề giáo, điều đó ít nhiều ảnh hưởng tới tâm lý giáo viên khi muốn quan tâm tới học trò.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN