Đài phun nước Bờ Hồ: Từ bãi dừa đến... đài hoa lạ

Để đón năm mới, đài phun nước quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nằm bên Hồ Gươm (Hà Nội) đã được trang trí bằng một công trình nghệ thuật mới. Tuy nhiên, những hình ảnh này đã làm dấy lên tranh cãi trong dư luận.

Hồ Gươm là trái tim của Thủ đô và Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục chính là cửa ngõ dẫn lối vào đó. Chính vì vậy, mọi sự biến đổi dù là nhỏ nhất của nơi này đều nhận được sự quan tâm đặc biệt. Tâm điểm của Quảng trường này chính là Đài phun nước Bờ Hồ.

Mới đây, để đón năm mới, đài phun nước này đã được "tân trang" bằng một công trình nghệ thuật. Tuy nhiên, công trình này đang làm dấy lên một cuộc tranh cãi về thẩm mỹ. Nhiều ý kiến cho rằng tạo hình mới này của Đài phun nước Bờ Hồ có phần sến súa, buồn tẻ với những bông hoa như... bị héo.

Đài phun nước Bờ Hồ: Từ bãi dừa đến... đài hoa lạ - 1

Vẻ mới lạ của đài phun nước Bờ Hồ nơi trái tim Thủ đô đang gây nhiều tranh cãi. (Ảnh: internet)

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên địa điểm này bị “biến hình”. Hãy cùng nhìn lại lịch sử không phải ai cũng biết về nơi này.

Khoảng cuối thế kỷ 19, khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ngày nay vẫn còn là một bãi cỏ lớn, ở giữa có vài cây dừa lưa thưa, cằn cỗi nên được gọi là Bãi Dừa.

Vào khoảng những năm 1890, thực dân Pháp đã sử dụng địa điểm này làm pháp trường xử chém những nghĩa quân tham gia phong trào Cần Vương và bêu đầu trên những cây dừa ở đây để khủng bố tinh thần nhân dân. Đây là câu chuyện được nhắc tới trong “Cây dừa bêu đầu” in trong “Hà Nội cũ” của Doãn Kế Thiện xuất bản năm 1943.

Rục rịch từ những năm 1888 - 1895 và tiến hành mạnh mẽ từ năm 1900, chính quyền thuộc địa đã quy hoạch và xây dựng lại Hà Nội theo mô hình quy hoạch kiểu Haussmann.

Theo đó, khu vực Hồ Gươm được kè lại và xây đường như sự bắt đầu cho khu vực phố Tây, nằm bên cạnh khu vực phố cũ “ba sáu phố phường”. Bãi Dừa trở thành khoảng nối giữa 2 phân khu chính của Hà Nội.

Đài phun nước Bờ Hồ: Từ bãi dừa đến... đài hoa lạ - 2

Place Négrier (sau này là Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục) nhìn từ trên cao. (Ảnh: internet)

Nhưng khi đó, đài phun nước chưa xuất hiện và được quy hoạch như một bùng binh như ngày nay. Địa điểm này được đặt tên là Place Négrier (Quảng trường tướng Négrier) nhưng dân ta vẫn gọi đó là Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục để tri ân tới phong trào yêu nước do Lương Văn Can, Nguyễn Quyền… khởi xướng nhưng bị chính quyền thực dân đàn áp (“Đông Kinh” là tên cũ của Hà Nội và “Nghĩa Thục” là dạy việc nghĩa).

Năm 1890, Công ty Điện địa Đông Dương xin phép chính quyền thực dân thành lập một cơ sở khai thác giao thông bằng tàu điện gọi là “Nhà máy xe điện” thuộc vào công ty này (tên Pháp là Usine de la Socíeté des tramways électriques de L’ Indochine).

Đài phun nước Bờ Hồ: Từ bãi dừa đến... đài hoa lạ - 3

Trạm biến thế và trạm tàu điện tại Place Négrier - tiền thân của Đài phun nước Bờ Hồ ngày nay. (Ảnh: internet)

Sau đó, tại khu vực của đài phun nước ngày nay, công ty này cho xây dựng một trạm xe điện và cạnh đó là một trạm biến thế phục vụ cho việc chạy xe. Đây chính là tiền thân của Đài phun nước Bờ Hồ ngày nay.

Về sau, để đảm bảo an toàn, chính quyền thực dân Pháp đã quy hoạch lại hoạt động của trạm xe điện Bờ Hồ và xây trên nền trạm biến thế cũ một bùng binh hình tròn với đài phun nước bằng đá theo mô hình kiến trúc của các công trình công cộng tại Pháp.

Hình ảnh của Đài phun nước thời kỳ này xuất hiện rất rõ trong chùm ảnh do phóng viên tạp chí Life chụp tháng 7/1954 về cuộc sống của người dân Hà Nội trước thời điểm đất nước phân ly.

Đài phun nước Bờ Hồ: Từ bãi dừa đến... đài hoa lạ - 4

Trẻ em vui đùa ở Đài phun nước Bờ Hồ. (Ảnh: internet)

Sau khi chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản lại Thủ đô, bên cạnh việc ổn định, giữ vững trật tự, đảm bảo hoạt động của thành phố, chính quyền còn từng bước cải tạo bộ mặt đô thị.

Những năm 1960 -1970, đài phun nước đã được lấp đất trồng cây, xây lại bệ và đặt lên đó một cột đồng hồ. Những hình ảnh do các phóng viên nước ngoài chụp vào các năm 1970 và 1974 cho thấy rất rõ điều đó. Ngày nay, cột đồng hồ này đã được chuyển đến đặt ở vòng xuyến đầu cầu Chương Dương (trước đó có giai đoạn được đặt ở vị trí đầu cầu Long Biên, cuối phố Hàng Đậu).

Đài phun nước Bờ Hồ: Từ bãi dừa đến... đài hoa lạ - 5

Bức ảnh chụp năm 1970 cho thấy đài phun nước đã bị lấp và đặt lên đó một cột đồng hồ. (Ảnh: internet)

Tới cuối những năm 1980, đài phun nước được khôi phục lại với đúng chức năng của mình và còn được gọi là Đài phun nước Long Vân (phía trước Nhà hàng Long Vân). Tuy nhiên người dân Hà Nội vẫn gọi là Đài phun nước Bờ Hồ.

Cuối thập niên 1990, đài phun nước này bị xuống cấp và hầu như ít hoạt động phun nước, UBND thành phố Hà Nội đã tu sửa và đặt một rào chắn bao quanh.

Đài phun nước Bờ Hồ: Từ bãi dừa đến... đài hoa lạ - 6

Đài phun nước được sửa lại hệ thống phun và rào ngăn cách. (Ảnh: internet)

Hình ảnh này kéo dài hơn 10 năm và vào cuối năm 2014, để chuẩn bị cho dịp năm mới 2015 với nhiều hoạt động lớn của đất nước, Đài phun nước đã được cải tạo mạnh mẽ bằng việc lắp đặt hệ thống phun nước mới và hệ thống chiếu sáng; rào chắn bị gỡ bỏ và đặt hoa tươi xung quanh.

Đài phun nước Bờ Hồ: Từ bãi dừa đến... đài hoa lạ - 7

Đài phun nước Bờ Hồ được lắp đặt hệ thống chiếu sáng. (Ảnh: internet)

Vào đầu năm 2016, để đón chào Tết Bính Thân, Đài phun nước Bờ Hồ đã được lắp thêm hệ thống trang trí hình hoa, che gần như hết đài phun nước bên trong. Phối cảnh này đã vấp phải phản ứng của người dân Thủ đô.

Đài phun nước Bờ Hồ: Từ bãi dừa đến... đài hoa lạ - 8

Lắp "đài hoa" quanh Đài phun nước Bờ Hồ. (Ảnh: internet)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Hiển ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN