Đa số người lao động nghĩ lương hưu chỉ dành cho công nhân, viên chức

Sự kiện: Tin nóng

Người lao động chưa hình dung được lợi ích về lâu dài của BHXH như lưới an sinh để phòng khi rủi ro, hết tuổi lao động. Đa số họ vẫn nghĩ lương hưu chỉ dành cho công nhân, viên chức.

Mới đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết tính đến hết tháng 10, cả nước có hơn 700.000 người hưởng BHXH một lần, tăng gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài nguyên nhân người lao động (NLĐ) gặp khó khăn bởi dịch COVID-19, cần có một khoản tiền trang trải cuộc sống thì một số ít người rút BHXH một lần để sử dụng như một khoản tiết kiệm lớn.

Rút BHXH một lần về quê dưỡng già

Chị Hồ Thị Thúy An quê ở tỉnh An Giang, đang sống trọ tại khu trọ trên đường Lê Đình Cẩn, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM. Chị An làm công nhân tại TP.HCM đã hơn 10 năm. Trong thời gian làm việc, thu nhập của chị cũng chỉ đủ sống, không tích lũy được bao nhiêu.

Chị An dự tính: “Có thể khoảng 10-15 năm nữa, tôi sẽ rút BHXH một lần để về quê sinh sống. Tôi sẽ dùng số tiền tích lũy từ BHXH một lần vào các công việc khác như trồng trọt, chăn nuôi hoặc mở tiệm tạp hóa…”.

Chị An dự định rút BHXH một lần để về quê sinh sống. Ảnh: NGỌC LÀI

Chị An dự định rút BHXH một lần để về quê sinh sống. Ảnh: NGỌC LÀI

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Dũng ngụ quận Tân Bình đã rút BHXH một lần vào năm 2019. Số tiền này anh dùng vào việc đầu tư máy móc, thuê nhân công… để mở xưởng may gia công tại nhà.

Trước đó, anh Dũng làm công nhân may ở công ty Pouyuen, quận Bình Tân. Tính đến thời điểm nghỉ việc, anh có 16 năm tham gia BHXH.

Dù không cần tiền tích lũy từ BHXH một lần để xoay xở công việc, chị Trần Ngọc Phượng ngụ huyện Bình Chánh, vẫn rút khoản tiền này khi chạm mốc 11 năm tham gia.

Chị Phượng rút BHXH một lần gửi ngân hàng, cho người thân vay lấy lãi. Đồng thời, chị chuyển sang công việc buôn bán online. Thế nhưng, công việc không ổn định nên chị đi xin việc làm mới.

Tại nơi làm việc mới, chị Phượng được cấp một mã số BHXH mới. Theo quy định hiện hành, người rút BHXH một lần muốn tham gia BHXH lại thì vẫn được cấp mã số BHXH cũ và bắt đầu đóng lại từ mức thấp nhất (tùy theo công ty mà chị này làm, nếu lương cao thì đóng mức cao, nếu lương thấp thì đóng mức thất).

NLĐ thích một khoản tiền lớn hơn là lương hưu

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life) phân tích rằng người lao động (NLĐ) thường rút BHXH một lần như một khoản tiền tiết kiệm. Thông thường, họ sẽ làm việc trong một khoảng thời gian rồi rút BHXH một lần.

Sau đó, họ dùng số tiền này vào những công việc khác của gia đình rồi tiếp tục đi làm và đóng BHXH lại từ đầu, đóng BHXH với mức thấp nhất. Thói quen đó còn duy trì trong nhận thức chung của NLĐ.

Bên cạnh đó, nhận thức chung của NLĐ còn mang nặng suy nghĩ rằng tuổi già sẽ nương tựa con cái, gia đình. Do đó, NLĐ chưa nhận thấy tầm quan trọng của lương hưu mà chỉ xem BHXH như một khoản tiền tích lũy trong quá trình làm việc.

PGS. TS Nguyễn Đức Lộc phân tích còn nhiều NLĐ xem BHXH một lần như một khoản tiết kiệm lớn. Ảnh: NVCC

PGS. TS Nguyễn Đức Lộc phân tích còn nhiều NLĐ xem BHXH một lần như một khoản tiết kiệm lớn. Ảnh: NVCC

“Dịp này, nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động do dịch bệnh COVID-19. Vì vậy, NLĐ mất việc nên đa số rút BHXH một lần cũng là điều dễ hiểu” – ông Lộc phân tích.

Nói về việc NLĐ không mặn mà với lương hưu, PGS. TS Nguyễn Đức Lộc nhận định: “NLĐ chưa hình dung được lợi ích về lâu dài của BHXH như lưới an sinh để phòng khi rủi ro, hết tuổi lao động. Đa số vẫn nghĩ lương hưu chỉ dành cho công nhân – viên chức. Đặc biệt, ở nhóm lao động chuyển dịch từ nông thôn ra vùng thành thị thì cách nghĩ này khá nhiều”.

NLĐ chưa nhận thấy tầm quan trọng của lương hưu. Ảnh: NGỌC LÀI

NLĐ chưa nhận thấy tầm quan trọng của lương hưu. Ảnh: NGỌC LÀI

Theo ông Lộc, BHXH cần tăng cường truyền thông, giúp NLĐ dễ hình dung hiệu quả từ việc hưởng lương hưu thông qua hình thức BHXH. Từ đó, NLĐ sẽ chủ động hơn, xóa bỏ tập quán xem BHXH như một khoản tiền tiết kiệm để xài khi còn trẻ. 

5 lợi ích khi đóng BHXH tự nguyện

Theo ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, khi tham gia BHXH tự nguyện, người dân được hưởng năm quyền lợi chính:

- Khi đến tuổi nghỉ hưu và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, người tham gia sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng.

- Những người này sẽ được cấp BHYT miễn phí khi đang hưởng lương hưu.

- Nếu người đang hưởng lương hưu hoặc đang tham gia BHXH tự nguyện từ đủ năm năm trở lên mà qua đời thì thân nhân được hưởng tiền mai táng phí và tiền tuất một lần.

- Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với Quỹ BHXH.

- Người tham gia BHXH tự nguyện còn được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng khi tham gia BHXH tự nguyện với thời gian hỗ trợ tối đa 10 năm.

NGUYỄN HIỀN  

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hiền ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN