“Cứu” húng Láng: Ai mặn mà?
Người dân và một số nhà khoa học tỏ ra không mặn mà với việc Hà Nội đầu tư 2 tỷ đồng để bảo tồn giống húng Láng.
Khu vực trồng giống húng nổi tiếng này nằm ở phố Chùa Láng. Trên 2.000m2 đất canh tác còn sót lại, diện tích trồng húng Láng chỉ vỏn vẹn 200m2, còn lại là các loại rau khác như muống, kinh giới, cải, mùng tơi, rau đay...
Một người trồng húng Láng ở khu vực này cho biết, trước đây nhiều người trồng húng Láng, nhưng giờ, nhiều nhà có đất, người ta xây nhà cho thuê nên chẳng cần làm vườn nữa. Giá đất mặt phố này lên đến 300 triệu đồng/m2. "Còn đất thì chúng tôi cứ trồng, bao giờ nhà nước thu lại thì chúng tôi cũng thôi, chỉ nhận đền bù hoa màu. Chắc chúng tôi cũng chỉ trồng rau ở đây được vài năm nữa thôi".
Hỏi về thông tin Hà Nội đang có dự án bảo tồn rau húng Láng, người này tỏ ra không hào hứng lắm: "Chúng tôi cũng có nghe nói về chuyện nhà nước giữ lại đất ở đây để bảo tồn húng Láng. Nhưng chẳng biết có giữ được không. Chắc chỉ vài năm nữa thôi, khu này rồi sẽ quy hoạch hết, chứ ai để cho mình trồng rau thế này".
Theo ông Ngô Văn Lộc (gần 80 tuổi), sống bằng nghề trồng rau ở đây từ nhỏ, húng Láng chỉ trồng tại đây mới giữ được đúng mùi vị. Dù có bảo tồn, mang đi đâu trồng rồi cũng thoái hóa.
Ông Ngô Văn Lộc nhổ cỏ chuẩn bị trồng húng Láng
Những người trồng rau ở đây cho hay, húng Láng rất dễ trồng, cứ gieo xuống đất ở khu vực này là mọc thành cây đúng vị. Nhưng mang đi nơi khác, dẫu có chăm sóc kiểu gì cũng mất hết mùi vị vốn có.
PGS.TS Trần Khắc Thi (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, Trưởng bộ môn rau và cây gia vị) cho hay, cá nhân ông chưa biết việc Hà Nội chi 2 tỷ đồng để bảo tồn húng Láng. Tuy nhiên, thành phố đang có dự án duy trì, bảo tồn các loại cây trồng đặc sản. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, có đến 7- 8 loại rau, hơn chục loại quả được coi là đặc sản của Hà Nội, trong đó có húng Láng.
Ông Thi đặt vấn đề: Hằng năm, Trung tâm Nghiên cứu rau quả ở Cầu Diễn - Từ Liêm được rót một ít kinh phí để bảo tồn 8 loại rau đặc sản của Hà Nội. Nhưng không hiểu sao húng Láng lại được quan tâm đặc biệt, được “rót” tới 2 tỷ đồng để bảo tồn.
Theo ông Thi, húng Láng được coi là đặc sản chủ yếu do hương vị, được trồng trong điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt (khu vực Chùa Láng - Hà Nội). Nếu không trồng trên đất ấy e rằng không bảo tồn được.
“Bảo tồn ở đâu không biết, nhưng trồng húng ngay ở khu vực Láng chưa chắc đã được chất lượng như ngày xưa. Ba bề bốn bên đều đã thành nhà cao tầng, nguồn nước cũng không còn sạch sẽ”.
Từ đó, ông Thi cho rằng, bảo tồn húng Láng là cần thiết. Nhưng điều đó chỉ mang giá trị tinh thần, chứ không đem lại nhiều giá trị kinh tế. “Để bảo tồn giá trị tinh thần, biểu trưng nền nông nghiệp cổ xưa của Hà Nội, số tiền 2 tỷ đồng dành cho húng Láng không lớn. Nhưng đang có nhiều thứ cần phải làm hơn là bảo tồn húng Láng”.
Húng Láng là húng thơm được trồng tại làng Láng thuộc phường Láng Thượng - quận Đống Đa - Hà Nội (xưa thuộc xã Yên Lãng - gần cửa Bảo Khánh - thành Thăng Long). Húng trồng ở làng Láng có mùi thơm dịu hơn các loại húng khác như húng quế, húng chó, húng giổi... Bởi vậy, người Hà Nội dành riêng một tên gọi cho nó là húng Láng. Hương vị đặc biệt của húng Láng không còn nữa khi đem trồng vùng đất khác. Húng Láng từng được nhắc đến trong câu ca dao về đặc sản Hà Nội: Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm Cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây |
Từ khoảng năm 2008 trở lại nay, do quy hoạch đô thị, đất vốn dành để trồng rau thơm chuyển thành đất để xây dựng. Làng Láng không còn truyền thống trồng rau Húng, hoặc chỉ còn hơn chục người trồng trong khu đất khoảng 2.000 m2. |