Cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia: Thu tiền cao để dự phòng, khi thừa mới chia nhau...

Tự bào chữa, cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Trần Việt Thái nói rằng vì Đại sứ quán tổ chức các chuyến bay nên đạp đổ nồi cơm của môi giới, bị tố cáo, đe dọa...

Sáng 19-7, HĐXX vụ án chuyến bay giải cứu tiếp tục nghe phần bào chữa của các luật sư, bị cáo.

''Có sai thì xin nhận nhưng xin làm rõ thêm…''

Trong số 54 bị cáo, bị cáo Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia) bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỉ đồng. Bị cáo Thái bị đề nghị mức án 5-6 năm tù và phải có trách nhiệm khắc phục 1,8 tỉ đồng.

Đến phiên tòa, bị cáo Thái đã khắc phục hơn 5 tỉ đồng.

Cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Trần Việt Thái. Ảnh: CTV

Cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Trần Việt Thái. Ảnh: CTV

Tự bào chữa, cựu Đại sứ nói rằng bị cáo không lấp liếm, bao biện, có sai thì nhận, có thiệt hại thì chủ động khắc phục nhưng có gì chưa rõ thì trao đổi lại.

Với quan điểm đó, cựu Đại sứ Trần Việt Thái nói rằng xin được làm rõ các vấn đề về kinh phí dự phòng, về việc mượn tài khoản, việc thu sai quy định…

Theo bị cáo Thái, về kinh phí dự phòng, Đại sứ quán không có nhiều kinh phí, dự toán kinh phí bảo hộ công dân chỉ có 10.000 USD cho năm 2021, trong khi bối cảnh Covid khó khăn.

Lúc đó tại Malaysia có 5.000-7.000 công dân đăng ký xin về, mặc dù không có tình trạng công dân biểu tình như ở Nhật Bản vì Chính phủ Malaysia đang phong tỏa nhưng đã có 4 trường hợp công dân tìm cách nhảy vào Đại sứ quán tự tử với suy nghĩ Đại sứ quán là đất Việt, không về được thì chết ở trong đó.

''Chúng tôi đã ngăn chặn được 3 trường hợp nhưng còn một trường hợp cắn lưỡi tự tử, thì bị cáo Nguyễn Lê Ngọc Anh và bị cáo Nguyễn Hoàng Linh đã thuyết phục từ 4h chiều đến 10h đêm để nạn nhân nguôi ngoai và nhờ một công dân khác đưa đến bệnh viện nhưng đến 2h đêm thì người kia gọi điện báo chị ý tự tử rồi''- ông Thái nói.

Mức thu đã tính toán rất nhiều yếu tố và phải tính để dự phòng các rủi ro bởi giá cả liên tục tăng. Tuy nhiên, vì rủi ro được ngăn chặn được nên tiền đó thừa ra.

Ông Thái nêu ví dụ về rủi ro như nếu chuyến bay bị hủy, hoãn thì phải nuôi họ thêm một tháng, đây là một vấn đề cần dự phòng chi phí hoặc là chi phí test nhiều lần không thể tính toán trước.

"... phải ngăn chặn môi giới và cố gắng đưa bà con về nước"

''Chúng tôi tổ chức chuyến bay không phải vì động cơ để chia chác. Chúng tôi phải ngăn chặn môi giới và cố gắng đưa bà con về nước''- ông Thái nói.

Kể về tình hình môi giới, ông Thái nói tình hình môi giới ở Malaysia đặc biệt phức tạp và nghiêm trọng. Ở đó có 4 trại chờ, khi bị cáo Ngọc Anh (cựu cán bộ Đại sứ quán) đi khảo sát về có báo cáo tình hình phức tạp, môi giới đưa ma túy, thuốc lắc, có dấu hiệu bóc lột tình dục với chị em. Bị cáo Thái chỉ đạo nếu có chuyến bay thì dồn các chị em vào cho về trước.

Hội đồng xét xử vụ án. Ảnh: CTV

Hội đồng xét xử vụ án. Ảnh: CTV

Người môi giới QVM, ĐTA thu mỗi người về 40-60 thậm chí 80 triệu đồng một vé. Trong khi đó, các chuyến bay do Đại sứ quán tổ chức có giá vé hơn 20 triệu đồng đối với người có hộ chiếu, gần 25 triệu đồng với người không có hộ chiếu.

''Vì bị chúng tôi ngăn chặn, môi giới cho rằng chúng tôi đạp đổ nồi cơm của họ và viết đơn tố cáo chúng tôi và đe dọa chị Ngọc Anh''- ông Thái nói.

Về vấn đề sử dụng tài khoản cá nhân, ông Thái nói rằng tài khoản của Đại sứ quán phải sử dụng đúng quy định nên mới phải nhờ tài khoản của một cá nhân khác và người này giúp đỡ mà không có bồi dưỡng.

Có lúc gấp quá, bị cáo Ngọc Anh dùng tài khoản của cá nhân để chuyển tiền cho các hãng bay.

Ông Thái nói rằng nếu không tổ chức chuyến bay, chỉ vào trại thu mỗi tiền hộ chiếu, hướng dẫn họ nộp tiền đại lý máy bay thì họ cũng không về được vì còn chi phí cách ly, nhiều chi phí khác…

''Thực sự là bí, anh em chúng tôi nát đầu, chỉ còn cách Đại sứ quán phải vào thu. Chúng tôi vào thu không phải vì vấn đề bồi dưỡng mà vì sức ép thực tiễn' '- ông Thái nói.

''Cảm ơn các đồng nghiệp của tôi là những người dám làm, nhưng giờ lại không theo quy định mà theo quy định sẽ không làm được việc. Xin tòa xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo từng là đồng nghiệp của tôi"- cựu Đại sứ kết thúc phần bào chữa.

Theo cáo buộc, sau khi trừ các chi phí tổ chức chuyến bay, Đại sứ quán thừa ra hơn 10 tỉ đồng, ông Thái đã quyết định chuyển 5 tỉ đồng vào quỹ của Đại sứ quán và chi cho các cán bộ, nhân viên.

Trong đó, ông Thái nhận 580 triệu đồng, các cán bộ bị xét xử trong vụ án này như Nguyễn Lê Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Linh được hưởng 480 triệu đồng, Đặng Minh Phương được hưởng 220 triệu đồng.

Tự bào chữa cho bản thân, bị cáo Nguyễn Lê Ngọc Anh nói rằng từ các chuyến đi thực tế trại chờ thì thấy Quách Văn Mừng đã là môi giới 10 năm ở Malaysia, có quan hệ thâm sâu.

Việc đưa người mãn hạn tù về trước đây do môi giới thực hiện. Chỉ đến khi dịch bệnh mới bộc lộ ra vấn đề. Người ở đó bị lừa đảo, thu phí cao, không được bồi hoàn.

''Có lúc, người được phê duyệt về trên chuyến bay của Đại sứ quán thì môi giới đưa họ tránh đi để hôm sau về với mức phí 70 triệu đồng''- bị cáo Ngọc Anh nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Tự bào chữa, cựu Cục trưởng Lãnh sự ”xin nhân dân tha thứ”

Tự bào chữa, Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Lãnh sự, đã xin nhận lỗi trước nhân dân, mong nhân dân tha thứ cho bị cáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BÙI TRANG ([Tên nguồn])
Vụ án "chuyến bay giải cứu" Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN