Cục Thú y nói gì về gà 3.600 đồng/kg?
Lãnh đạo Cục Thú y cho rằng, gà có giá 3.600 đồng/kg, có thể là gà bắt buộc tiêu hủy ở Trung Quốc, nhưng được tuồn sang Việt Nam tiêu thụ.
Những ngày qua, thông tin báo chí nêu giá gà thải loại tại Trung Quốc được các “đầu nậu” mua với giá 3.600 đồng/kg để tuồn về Việt Nam tiêu thụ. Trước thông tin này, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), ông Đàm Xuân Thành có cuộc trao đổi với PV bên lề cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm gia cầm chiều 7/5, tại Hà Nội.
Theo Phó cục trưởng, người tiêu dùng Trung Quốc cũng ăn gà thải loại, nhưng giá cả tính ra tiền Việt khoảng hơn 30 nghìn đồng/kg. Đáng lưu ý, gà thải loại này theo cách gọi dân gian là “gà có buồng trứng”. Ông Thành giải thích cụ thể, cũng như gà loại thải của ta, dù đẻ hết trứng nhưng vẫn còn trứng non bên trong.
Loại gà thải loại thứ hai – loại này người Trung Quốc không ăn, đó là gà bị teo buồng trứng. Đây là loại gà bắt buộc tiêu hủy, vì tồn tại nhiều dư lượng hóa chất độc hại. Tuy nhiên, có thể, các chủ nuôi gà dùng để trả công cho những người dọn dẹp chuồng trại hoặc bán với giá rất rẻ, thay vì phải đem chúng đi tiêu hủy. Từ đây, ông Thành nghi ngờ, giá gà 3.600 đồng/kg có thể là loại gà “teo buồng trứng” cần tiêu hủy.
Trước câu hỏi của PV về thông tin gà lậu Trung Quốc có thể sống cả tháng trời trong xe ô tô chở hàng mà không cần ăn, ông Đàm Xuân Thành nói: “Việc họ dùng hóa chất gì vào trong con gà, Chính phủ đã giao Bộ Y tế nghiên cứu. Tuy nhiên, người tiêu dùng có thể phân biệt loại gà này nhờ vào cách xem nội tạng bên trong, đặc biệt là buồng trứng bị teo nhỏ lại”.
Cục Thú y cũng có khuyến cáo về cách nhận biết gà lậu Trung Quốc: Nếu là gà thải, do đẻ trứng trong thời gian dài nên lông ở phần cổ và phần đầu bị trụi, phần hậu môn sẽ phình to. Khi mổ, thấy buồng trứng teo nhỏ...
Phó cục trưởng Cục Thú y Đàm Xuân Thành
Theo ông Thành, tất cả những loại gà thải đó có nguy cơ nhiễm cúm A/H5N1 và H7N9 rất cao. Bên cạnh đó, lượng hóa chất tồn dư trên thịt gà gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.
Cục phó Cục Thú Y dẫn chứng, hầu hết số mẫu gà thải loại nhập lậu bị thu giữ đều phát hiện tồn dư kháng sinh. Nghiêm trọng hơn, 46% trong số gà đó dương tính với virus cúm A/H5N1.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm gia cầm, ông Đàm Xuân Thành cho biết, Bộ NN & PTNT đang phối hợp với Tổ chức Nông lương thế giới giám sát các mẫu gia cầm nhập lậu, điểm tập trung gia cầm tại các tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc – quốc gia ghi nhận nhiều trường hợp tử vong nhất do virus H7N9 cho đến nay.
Các mẫu xét nghiệm được tiến hành trong khoảng 2 tháng và sẽ được mở rộng nếu cần thiết để khẳng định hoặc loại trừ sự xuất hiện của chủng virus cúm A/H7N9 trên các mẫu gia cầm.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Vũ Văn Tám cho rằng: dịch bệnh trên gia súc, gia cầm mặc dù đã cơ bản được kiểm soát nhưng nguy cơ tái phát dịch là rất cao. Các địa phương cần tăng cường xét nghiệm các mẫu gia cầm tại các chợ, khu vực biên giới để kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm virus cúm A/H7N9 nguy hiểm vào nước ta.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh, diễn biến của virus H7N9 và các dịch bệnh khác là không thể chủ quan. Theo quy luật hàng năm, chúng ta đang trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh. Vì vậy cần tăng cường các biện pháp tăng cường trong thời gian tới, đặc biệt là đối với dịch cúm gia cầm và virus H7N9 trên người.