Gà Trung Quốc giá... 3.600 đồng/kg
Cuối tháng 4/2013, sau nhiều ngày “vận dụng” những mối quan hệ xã hội, cuối cùng PV cũng đã có chuyến thâm nhập độc lập và tìm ra được những đầu nậu ở nội địa Trung Quốc.
Mặc dù tình trạng buôn bán gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc sang nước ta đã giảm nhiều trong thời gian qua sau khi có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, song việc buôn bán gà lậu hiện vẫn chưa chấm dứt. Nhiều đầu mối tiếp tục đưa “hàng” về Việt Nam vì siêu lợi nhuận. Phóng viên NTNN đã thâm nhập vào “hang ổ” gà thải bên kia biên giới phía Bắc.
Bài 1: Giáp mặt đầu nậu
Cuối tháng 4/2013, sau nhiều ngày “vận dụng” những mối quan hệ xã hội, cuối cùng PV cũng đã có chuyến thâm nhập độc lập và tìm ra được những đầu nậu ở nội địa Trung Quốc. Đây là những mối buôn sẵn sàng xuất hàng vào nước ta bất cứ lúc nào...
3.600 đồng/kg gà thải
Có sang đến bên kia biên giới, chúng tôi mới biết được rằng, vì sao giá gà thải loại từ những trại nuôi gà đẻ trứng của Trung Quốc lại rẻ đến như vậy. Qua trò chuyện với một số “chuyên gia” buôn bán gà lậu ở đây, chúng tôi mới được biết sự thật là các sản phẩm từ gà đẻ quá lứa ở Trung Quốc thực ra chỉ là “rác” cần tiêu hủy.
Các chủ trại gà ở nước này thường dùng loại gà này trả công cho những người dọn chuồng trại cho họ, và đương nhiên để kiếm được tiền, những người này sẽ bán cho các đầu nậu để đưa sang Việt Nam tiêu thụ.
Để sang được bên kia biên giới, chúng tôi đã phải vượt theo đường mòn từ mốc 1250 đoạn giáp ranh giữa huyện Lộc Bình và Đình Lập của tỉnh Lạng Sơn rồi sang bên kia biên giới thuộc khu Vằng Rặc, thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Đội quân thu gom và chở gà ở khu vực biên giới
Qua những nguồn thông tin của một vài “thổ địa” đã nhiều năm làm nghề “bao biên” ở đây, phải đợi gần cả ngày trời, chúng tôi mới gặp được A Bình - năm nay mới 29 tuổi, một trong những người chuyên cung cấp nguồn gà thải từ những trang trại gà đẻ ở khu vực Sùng Tả (Quảng Tây).
Thông qua một người phiên dịch tiếng Trung, chúng tôi được biết, trước kia A Bình vốn là dân “vai u thịt bắp” chuyên làm cửu vạn loanh quanh ở mấy cửa khẩu. Cách đây 3 năm, thấy việc buôn gà sang Việt Nam ngon ăn, lãi lớn, nên A Bình đã “chuyển đổi” hẳn nghề nghiệp từ việc chuyên lao động chân tay sang làm… thương lái.
Bình cho biết, từ trước đến nay những con gà mái đẻ trứng ở Trung Quốc sau khi hết chu kỳ, đều bị tiêu hủy hoặc dùng để chế biến làm thức ăn cho cá sấu, trăn, rắn, thậm chí chế biến làm… phân bón cho những nhà vườn trồng cam, quýt. Người Trung Quốc không ai dám ăn loại gà này vì chúng chứa rất nhiều chất kháng sinh...
"... Gà này, anh có thể an tâm vì gọn nhẹ, khó phát hiện và có thể để được 4 tháng không bị hỏng vì đã được ướp chất chống thối." A Thao |
Một điểm nữa mà A Bình phát hiện là các chủ trang trại đều có nhu cầu phải dọn dẹp chuồng trại để nuôi lứa gà mới, nhưng họ lại rất thiếu nhân công vì họ đều ở nơi khác đến đây thuê đất để mở trại gà. Biết vậy, nên A Bình đã về làng rủ thêm một số anh em bạn bè, sắm đồ và các công cụ cần thiết để đi thu gom tại các trại gà, công việc mà thực chất là dọn vệ sinh ở những chuồng trại.
A Bình tiết lộ: “Ở khu vực này có nhiều trại gà, nhưng lại rất ít công nhân. Những trại nuôi gà không được phép thải các loại phân, lông ra môi trường một cách bừa bãi, mà đất họ thuê mở trang trại thì diện tích có hạn, nên họ thường thuê chúng tôi để dọn chuồng. Đổi lại, chúng tôi sẽ được trả công bằng... gà thải, với số lượng tương đương với công dọn, và cũng có quyền mua gà với giá rẻ”.
Thực tế giá 1kg gà thải mà A Bình mua chỉ 1,2 tệ (tương đương 3.600 đồng). Đối với những trại gà ở Trung Quốc nuôi với số lượng hàng vạn con gà, thì các chủ trại gà vẫn thu được một số tiền lớn từ đồ… bỏ đi này. Những loại gà đẻ trước khi bị loại thải đều đã được các chủ trang trại dùng nhiều loại thuốc kháng sinh kích thích để thúc đẻ đến kiệt sức, thậm chí có những con gà ăn nhiều hóa chất, nên xương ở bên trong đã giòn và tự gãy, nếu càng nuôi càng tốn tiền thức ăn.
Hiện tại trong danh sách thu gom chuồng trại của A Bình đã có khoảng 80 trang trại khác nhau, có nhiều trại đến 700 tấn gà thải loại đang chờ xử lý. Với lượng “hàng” đó, Bình cho biết, có làm cả tháng không hết việc. Song cũng theo Bình, nghề này chỉ thực sự “ăn” vào giai đoạn đầu cách đây 2-3 năm, còn từ khi Việt Nam cấm mạnh nhập loại gà này, việc tiêu thụ đã chậm hẳn, nhiều chủ trại gọi đến dọn chuồng, bắt gà cũng đành phải từ chối.
Xe tải chở gà của Trung Quốc tại biên giới với Việt Nam
Gặp con buôn lớn
Nếu như A Bình chỉ là một mắt xích trong công đoạn tuồn gà thải loại từ Trung Quốc vào nước ta, thì A Thao (năm nay mới 27 tuổi, nhà ở thị trấn Pò Chài) mới là con buôn lớn thực sự. A Thao gần như “thầu” trọn gà ở các trang trại tại 3 tỉnh: Vân Nam, Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc.
Theo thông tin từ Bộ NNPTNT, thời gian vừa qua Bộ đã tăng cường kiểm soát hoạt động mua bán gia cầm tại các khu vực biên giới, đồng thời Bộ cũng đã phối hợp với Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã tiến hành xét nghiệm hơn 500 mẫu gia cầm. Tất cả những xét nghiệm này đều cho kết quả âm tính với virus cúm A/H7N9. Trong thời gian đầu tháng 5 này, một chương trình giám sát đã được triển khai tại các tỉnh miền Bắc Việt Nam nhằm theo dõi virus cúm A/H7N9 trên đàn gia cầm. Tại 60 chợ đầu mối và chợ gia cầm sống, 18.000 mẫu cũng sẽ được thu thập từ các loại gia cầm để xét nghiệm. T.L |
A Thao thực sự chi phối toàn bộ lượng gà thải loại vào khu vực Đông Dương, chứ không riêng gì ở Việt Nam. Điều đặc biệt là A Thao nói tiếng Việt khá giỏi, bởi có thâm niên gần chục năm làm nghề đón hàng ở mấy cửa khẩu biên giới Việt –Trung.
Theo A Thao, vào những thời điểm rộ, có ngày mối của Thao xuất ra tới 400 tấn gà, chủ yếu là sang Việt Nam và Lào. Nhưng kể từ khi Việt Nam làm chặt, giờ mỗi ngày A Thao chỉ xuất nhỏ giọt được khoảng 30 tấn gà thải. Được tôi giới thiệu là một tay buôn gà mới vào nghề đang cần tìm mối để “cất” hàng về Việt Nam, A Thao không cần dò xét, nói luôn: Ở bên này, giờ gà được bán theo con với giá 3 tệ (khoảng 9.000 đồng/con) cho loại gà lông. Khách hàng Việt Nam muốn mua bao nhiêu cũng có...
Theo lời A Thao, sau khi đạt được “thỏa thuận”, trùm này sẽ cho sắp “hàng” vào lồng, mỗi lồng nhốt 12 con (khách phải đặt cược tiền lồng lúc bắt gà). Việc của A Thao là đưa hàng đến tận đường mòn tuần tra biên giới, từ mốc 1235 đến 1250 đoạn Cô Sa thuộc Lạng Sơn, Việt Nam. Khi hàng sang đến địa phận Việt Nam rồi, Thao coi như hết trách nhiệm.
“Nếu lấy gà thịt sẵn, được cấp đông đóng đá, giá đắt hơn là 4,5 tệ/con (tương đương 13.500 đồng). Gà này, anh có thể an tâm vì gọn nhẹ, khó phát hiện và có thể để được 4 tháng không bị hỏng vì đã được ướp chất chống thối”- A Thao nói.
Cũng theo A Thao, việc buôn bán gà này không bao giờ bị chính quyền phía Trung Quốc nhắc nhở, vì gà thải loại chỉ bán sang các nước lân cận hay đi đâu và để làm gì, họ không quan tâm. Thế nhưng, họ tuyệt đối cấm những người như A Thao bán ở thị trường nội địa.
Tôi hỏi nếu lấy hàng thì thanh toán thế nào, A Thao nói ngay: Cách thanh toán rất đơn giản, chỉ cần chuyển tiền vào tài khoản của Thao. Lúc nào có tiền vào tài khoản, A Thao sẽ cho người đưa hàng đến tận biên giới. Thao còn khẳng định: “Tôi đã làm ăn nhiều năm với các chủ buôn ở thị trấn Lộc Bình của Lạng Sơn rồi, anh không sợ lừa đâu”.
Trước khi tôi quay trở lại nước ta, A Thao còn không ngần ngại cho tôi số điện thoại của mình là 086130059... nói có gì cứ gọi sang và nhắn tài khoản chỉ việc gửi tiền vào là sẽ có gà, số lượng bao nhiêu cũng được, gà nào cũng có kể cả gà thịt.
95% gà nhập lậu chứa tồn dư kháng sinh Ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, qua kiểm tra trên các mẫu gà lậu được lấy ở biên giới các tỉnh phía Bắc và chợ Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội) cho thấy, có tới 46% số mẫu gà có virus cúm gia cầm, trên 95% số mẫu gà chứa tồn dư hóa chất kháng sinh độc hại (hormon, chất kích thích tăng trưởng). Còn theo thông tin mới nhất được Cục Thú y công bố, qua xét nghiệm bổ sung tìm virus cúm A/H7N9) từ hơn 400 mẫu gia cầm nhập lậu, gia cầm lấy tại các chợ, đã phát hiện 2 mẫu dương tính với virus H7. Hiện Cục Thú y đang tiếp tục phân lập xem mẫu này có thuộc tuýp N9 hay không. Trong một phát biểu gần đây, một lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc mạnh mẽ, song tại chợ Hà Vỹ vẫn có 3-5 tấn gà lậu được đưa về đây tiêu thụ mỗi ngày. Một điểm đáng chú ý là mỗi khi có lực lượng chức năng đi kiểm tra, hoạt động buôn bán gà lậu lại “án binh bất động” một cách bất thường. Phi Long |
(Còn nữa)