Cổng sắt trại tập trung Đức Quốc xã "bốc hơi"

Cánh cổng sắt trước một trại tập trung của Đức Quốc xã với tấm biển "Lao động là tự do" đã bị trộm "hô biến" ngay trong đêm.

Ngày 2/11, cảnh sát Đức cho hay cánh cổng sắt cùng dòng chữ nổi tiếng “Lao động là tự do” trước cửa trại tập trung khét tiếng của Đức Quốc xã tại Dachau, Bavaria đã bị kẻ trộm táo tợn “nẫng” mất.

Cổng sắt trại tập trung Đức Quốc xã "bốc hơi" - 1

Cánh cổng sắt trước cửa trại tập trung Dachau khét tiếng

Cảnh sát vùng Baravia nhận định rằng tên trộm đã lợi dụng buổi đêm để đột nhập di tích lịch sử này và tháo cánh cổng sắt có chiều cao 2 mét, bề rộng 1 mét trên.

Trại tập trung khét tiếng một thời của Đức Quốc xã này không được lắp hệ thống camera giám sát, tuy nhiên có một đội bảo vệ thường xuyên tuần tra ở khu di tích này. Nhiều khả năng tên trộm đã lợi dụng lúc bảo vệ đi tuần xung quanh để ra tay tháo cánh cổng sắt.

Ông Karl Freller, người đứng đầu cơ quan quản lý các khu di tích ở vùng Bavaria cho rằng vụ trộm trên là một “hành động đê tiện”.

Trại tập trung Dachau nằm cách Munich chỉ vài km và được mở cửa vào năm 1933, chỉ 2 tháng sau khi Adolf Hitler trở thành Quốc trưởng Đức. Ban đầu, trại tập trung này là một địa điểm để giam các tù nhân chính trị, nhưng trong thời kỳ Thế Chiến II, nó trở thành một trại tử thần, nơi hơn 41.000 người Do Thái bị thủ tiêu.

Cổng sắt trại tập trung Đức Quốc xã "bốc hơi" - 2

Cánh cổng sắt bị bọn trộm "hô biến" ngay trong đêm

Trại tập trung này được quân đội Mỹ giải phóng vào ngày 29/4/1945, và sau đó nó trở thành một địa điểm du lịch ở Đức. Mỗi năm có khoảng 800.000 du khách từ khắp nơi trên thế giới đến đây tham quan.

Hồi năm 2009, tấm biển “Lao động là tự do” treo trước cổng trại tập trung Auschwitz-Birkenau ở Ba Lan cũng bị ăn cắp khiến dư luận thế giới phẫn nộ.

Kẻ thực hiện vụ trộm này là một phần tử phát xít mới người Thụy Điển tên là Anders Hoegstroem đã bị kết án 2,5 năm tù giam.

Khi được tìm thấy, tấm biển bằng kim loại này đã bị cắt làm 3 mảnh, buộc các quan chức bảo tàng phải treo một tấm biển thay thế trước cổng trại Auschwitz-Birkenau cho đến khi tấm biển cũ được phục chế vào năm 2011.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo AP) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN