Cống Bà Xếp thuở đâm chém nhau giờ đã bình yên

Sự kiện: Thời sự

Cống Bà Xếp ngày đó nổi tiếng với cái tên tướng cướp Điền Khắc Kim, băng đảng bà Hai, bà Chín cẳng bò… nay đã có một diện mạo mới an toàn, văn minh hơn.

Khi đi ngang qua điểm gác chắn đường ray trên đường Trần Văn Đang, khu vực gần ga Sài Gòn, có lẽ nhiều người không biết rằng họ vừa đi qua một khu vực từng được xem là vùng đất dữ một thời. Đó là khu Cống Bà Xếp (nay thuộc phường 9, quận 3, TP.HCM)- nơi nổi tiếng với những tay cộm cán giang hồ.

Ma trận hẻm- nơi giang hồ ẩn náu

Khi hỏi đến cái tên Cống Bà Xếp, nhiều người dân ở đây đều bảo rằng cái tên Cống Bà Xếp có nguồn gốc từ chuyện vợ của một ông sếp người Tây ở ga Hòa Hưng (ga Sài Gòn) có nhà ở khu vực cống.

Chú Bảy, 57 tuổi, người dân sống ở khu này kể, theo lời truyền miệng của ông bà, bà Xếp thấy dân quanh đây sống cảnh mưa nhỏ cũng bị ngập, nhiều tai nạn nên đã bỏ tiền túi ra làm cái cống thoát nước cho bà con.

Chú Bảy cũng lý giải thêm: “Tên cống cũng là đặt theo tên người dân hay gọi bà Xếp, “đáng lý ra là “Sếp”, nhưng thời đó đâu có nhiều người biết chữ, người ta cứ viết là “Xếp” nên thành ra như vậy luôn”.

Cống Bà Xếp thuở đâm chém nhau giờ đã bình yên - 1

Con đường Trần Văn Đang, gần khu đường ray xe lửa ngày nay vốn là điểm nóng của những tay giang hồ khét tiếng một thời. ẢNH: THANH TUYỀN.

Theo lời chú Bảy, cách đây nửa thế kỷ, những con đường quanh ga Sài Gòn như Nguyễn Thông, Kỳ Đồng, Rạch Bùng Binh chỉ là những con hẻm nhỏ lạnh lẽo bởi bao quanh là những gian nhà cấp bốn, mái lợp tôn, ẩm thấp xiêu vẹo, nhếch nhác chưa từng thấy. “Còn một điểm khác để nhận diện về khu này nữa là đám du côn, trên người đầy hình xăm, mặt mày lúc nào cũng đằng đằng sát khí”, chú Bảy nhớ lại.

Sở dĩ giới giang hồ chọn Cống Bà Xếp làm điểm ẩn náu vì khu này được gọi là “ma trận hẻm”, dễ dàng trốn khỏi sự truy bắt của lực lượng chức năng. "Cống Bà Xếp có đến vài trăm con hẻm nhỏ thông với nhau, ngoằn nghèo mà khó đi lắm. Người lạ khó mà tìm đường ra nếu đi sâu vào khu vực này. Còn đám du côn trong khu thì thoắt ẩn thoắt hiện khó mà lần ra chúng một khi trốn vào đây", chú Bảy nói.

Điểm bắt đầu của "ma trận hẻm" Cống Bà Xếp là đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách mạng Tháng Tám) và điểm cuối là kênh Nhiêu Lộc (nay là đường Hoàng Sa). Một đầu giáp đường, một đầu giáp kênh, vị trí quá thuận lợi để giới giang hồ cộm cán chọn khu Cống Bà Xếp làm nơi hoạt động vào những thập niên 50, 60 của thế kỷ trước.

Nhắc tới vùng đất khét tiếng của những tay trộm cướp này, chính người dân sống lâu năm ở đây còn thấy ám ảnh. “Hồi đó mà ai tới mướn nhà, mua nhà cũng sợ hết. Ở quận 3 là họ chừa khu cống Bà Xếp ra. Ngày xưa, không một chiếc xe lam, xe taxi nào dám chở khách vô đây. Vô là bị dí dao trấn lột tiền”, cô Nguyễn Thị Luyện (60 tuổi)- một người dân sống ở cống Bà Xếp đã 50 năm kể.

Những tên tuổi vang bóng một thời

Người ta biết đến cái tên Cống Bà Xếp không chỉ vì ma trận hẻm, nơi trú ẩn của những tên du côn xăm mình mà bởi cái ‘máu’ giang hồ, nói là làm, giải quyết mọi chuyện bằng những trận đánh, chém nhau tưng bừng.

Trong ký ức của nhiều người dân đã ngoài 60 tuổi, tên cướp “một thời vang bóng”, nổi danh nhất ở khu Cống Bà Xếp chính là Điền Khắc Kim. Người này nổi tiếng bởi chiến tích đột nhập vào nhà, cướp tài sản và cưỡng hiếp vợ của một sỹ quan người Mỹ. Điền Khắc Kim thuê hẳn một căn nhà ở khu này ở cùng người vợ. Nhờ những con hẻm chằng chịt mà tướng cướp khét tiếng này đã nhiều lần thoát thân một cách ngoạn mục. 

Cống Bà Xếp thuở đâm chém nhau giờ đã bình yên - 2

Theo lời cô Luyện, căn nhà này có từ trước thời giải phóng và vẫn còn đó cho đến nay. ẢNH: THANH TUYỀN.

Không chỉ có nam, mà khu Cống Bà Xếp còn có những băng đảng giang hồ là nữ như băng của bà Hai, bà Chín cẳng bò… “Đàn bà chớ không thua gì đàn ông đâu nha, nhắc tới là nhiều người nổi da gà đó. Ai mà đụng đến là thẳng tay đánh thôi, cả con cháu của họ cũng là dạng dữ dội hết đó, đụng đến là oánh chớ không nói nhiều”, cô Luyện kể.

Với người dân ở đây, khu Cống Bà Xếp không chỉ có những tay giang hồ với tệ nạn xã hội. Ở đó còn có những ngôi nhà đến giờ vẫn còn hiện hữu, như chứng nhân cho bao sự đổi thay của Cống Bà Xếp.

“Căn nhà này nè, nhìn nó vậy chứ sừng sững từ thời trước giải phóng đến giờ, chưa một lần sửa sang đó. Nói ra không ai tin mới ghê chứ tui tới đây từ năm 10 tuổi là thấy có nó rồi đó. Giờ vẫn có người ở nhưng họ đóng cửa trong nhà suốt, con đi làm còn mẹ già ở nhà nên ít ra ngoài lắm”, vừa nói, cô Luyện vừa chỉ tay vào căn nhà nhỏ nằm ngay mặt đường.

Cống Bà Xếp thuở đâm chém nhau giờ đã bình yên - 3

Căn nhà này ngày đó vốn là ty cảnh sát của Đỗ Văn Liêm được nhiều người biết đến. Hiện, nó nằm gần đường ray xe lửa trên trục đường Trần Văn Đang. ẢNH: THANH TUYỀN.

Ngày nay, người dân ở đây vẫn thường hay nhắc đến căn nhà nhỏ bán than ở ngay góc đường của đường Trần Văn Đang- khu vực gần đường ray xe lửa như một điểm nhấn nhỏ của khu cống Bà Xếp. “Chỗ đó ngày xưa vốn là cái ty cảnh sát nhỏ của ông Đỗ Văn Liêm ở thời chống Mỹ đó. Người dân ở đây không ai mà không biết đến nó”, chú Bảy kể.

Hồi sinh và đổi mới

Những câu chuyện trên được kể lại là khi có người lạ đến hỏi hay tìm hiểu thì những người cao niên ở khu Cống Bà Xếp mới kể, chứ bình thường cũng chẳng ai nhắc đến vì đó chỉ còn là dĩ vãng. Những lớp trẻ lớn lên ở đây ngày nay có lẽ rất ít người biết đến cái tên như Điền Khắc Kim hay những băng đảng, những cái tên từng “một thời vang bóng”.

Khu vực gần ga Sài Gòn này giờ đã trở nên nề nếp, an ninh hơn. Nhiều người dân đã chọn con đường buôn bán để kiếm sống, trở về với cuộc mưu sinh hàng ngày bằng cái nghề lương thiện. Cũng chẳng còn những trận đánh, chém nhau như cơm bữa. Những con hẻm dẫn vào khu trung tâm của Cống Bà Xếp khang trang, rộng rãi, thoáng mát hơn. Chính quyền cũng đã nâng đường lên nên cũng không còn tình trạng ngập nước. Tình hình an ninh trật tự dần đi vào ổn định, nạn cướp giật, trộm cắp đã giảm đi nhiều.

“Dân ở đây giờ chỉ lo làm ăn, buôn bán mà nuôi con cái chớ không ai còn nhắc đến chuyện xưa đâu. Với lại, đó là chuyện của những tay giang hồ chứ dân như chúng tôi đây cứ sống bình thường. Mỗi năm, cuộc sống mỗi khác, mọi thứ dần đầy đủ và tiện nghi hơn, cũng không ai muốn mình sa vào những tệ nạn đó, chém giết nhau suốt ngày làm gì. Lo cho miếng cơm, manh áo, gia đình ấm no là được rồi”, ông Bảy nói.

Khi dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đi vào hoạt động, cảnh quan nơi đây được cải tạo, trở nên hiện đại, dòng nước kênh xanh hơn, thảm xanh mới được tạo nên. Mùi hôi thối, dòng nước đen ngòm dưới kên đã không còn; người dân thoải mái tản bộ dạo chơi, tập thể dục trong một bầu không khí trong lành và an toàn. Những khu chung cư, cao ốc văn phòng, những khu nhà mới khang trang đã đẩy lùi sự tăm tối, u ám, cả những ‘giai thoại’ không mấy tốt đẹp của khu Cống Bà Xếp chỉ còn trong quá vãng...

Đại ca giang hồ được người Sài Gòn thờ như Thành Hoàng

Là cậu ấm con quan lãnh binh, được ban phát nhiều đặc quyền song phẫn uất trước sự tàn ác của cha và chính quyền thực...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Tuyền- Nguyễn Trà ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN