Cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh: Vị tướng qua 4 chiến trường

Đại tướng Lê Đức Anh tham gia 9 năm kháng chiến chống Pháp, đi chiến trường miền Nam 11 năm (1964-1975), chỉ huy chiến trường Campuchia 7 năm (1979-1986), ổn định tình hình biên giới phía Bắc (1986-1989)

Phóng viên: Ở góc độ là một người lính trận, ông có nhận xét gì về sự nghiệp cầm quân của cố Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh?

Thiếu tướng LÊ MÃ LƯƠNG: Có thể nói ngắn gọn như thế này: Đại tướng Lê Đức Anh là một vị tướng chiến trường với thực tiễn chiến tranh cực kỳ sâu sắc, có những quyết đoán táo bạo, tư duy về mặt chiến lược rất sắc sảo.

Cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh: Vị tướng qua 4 chiến trường - 1

Thiếu tướng LÊ MÃ LƯƠNG

Tôi có thể khẳng định không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả thế giới, để trở thành một vị tướng chiến trường là điều không đơn giản, nhất là một người ở chiến trường hàng chục năm như Đại tướng Lê Đức Anh. Điều đó chứng tỏ tài cầm quân và thích ứng với chiến tranh với các chiến trường của ông. Đây là điểm nổi bật ở ông mà không phải vị tướng nào trên thế giới có được.

Cuộc đời binh nghiệp của ông gắn với các chiến trường từ Bắc vào Nam, cụ thể: Tham gia 9 năm kháng chiến chống Pháp, đi chiến trường miền Nam 11 năm (1964 -1975), chỉ huy chiến trường Campuchia 7 năm (1979-1986), ổn định tình hình biên giới phía Bắc (1986-1989).

Với tôi, dấu ấn sâu sắc đầu tiên với Đại tướng Lê Đức Anh đó là vào năm 1973, khi ấy, ông đang mang quân hàm đại tá và giữ chức vụ Tư lệnh Quân khu 9. Ông liên tục ở sở chỉ huy phía trước và chỉ huy bộ đội, không những không bị lấn mất đất mà Quân khu 9 còn mở rộng được vùng giải phóng.

Ấn tượng thứ hai là khi làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh thể hiện tư tưởng xây dựng quốc phòng trong thời kỳ mới, đặc biệt là tư tưởng: huyện là pháo đài quân sự; tỉnh, thành phố là khu vực phòng thủ; cả nước trở thành phòng thủ chiến lược. Khi ấy, tôi đang công tác ở biên giới phía Bắc, có một lần ông đến thăm và ông đã chỉ ra cho chúng tôi những mặt mạnh, đặc biệt ông đã chỉ ra những thiếu sót của chúng tôi trong công tác phòng ngự, phòng thủ khu vực ở biên giới.

Cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh: Vị tướng qua 4 chiến trường - 2

Đại tướng Lê Đức Anh chỉ huy tại chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ - Ảnh: tư liệu

Thăm quần đảo Trường Sa năm 1988, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh hứa với đồng bào cả nước "Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa…". Ông có bình luận gì về sự kiện này?

Trường Sa cũng ghi dấu ấn đặc biệt của Đại tướng Lê Đức Anh. Sau khi chúng ta bị mất đảo Gạc Ma, ngay tháng sau, ông đã cùng đoàn công tác bay trực thăng ra thị sát tại quần đảo Trường Sa. Tại quần đảo Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh đã dự lễ kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam tổ chức tại đảo Trường Sa Lớn. Tại buổi lễ, Đại tướng Lê Đức Anh đã có bài phát biểu quan trọng nói về chủ quyền thiêng liêng của quần đảo Trường Sa. Chỉ riêng điều này thôi, tôi đã đánh giá rất cao Đại tướng Lê Đức Anh.

Khi giữ cương vị Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã để lại những dấu ấn nào, thưa ông?

Trên cương vị này, ông đã quan tâm đến chính sách hậu phương quân đội. Những vấn đề liên quan đến người lính, ông cực kỳ quan tâm, điều đó cho thấy ông thấu hiểu những thứ người lính cần. Thời ông làm Chủ tịch nước, doanh trại quân đội được xây dựng rất khang trang. Ngoài việc xây dựng doanh trại cấp trung, sư đoàn rất căn bản thì doanh trại của bộ tư lệnh cấp quân khu, quân chủng, binh chủng... cũng thể hiện tầm vóc khang trang như vậy, làm cho người lính rất yên tâm. Bên cạnh đó, những chính sách hậu phương quân đội, như cấp đất đai, nhà ở cho cán bộ, sĩ quan... cũng được thực hiện rất tốt và chu đáo.

Vấn đề kết hợp kinh tế với quốc phòng cũng được ông chỉ đạo rất quyết liệt. Chỗ nào liên quan đến chiến lược quân sự, chỗ nào liên quan đến sức mạnh chiến đấu của quân đội thì ông rất rạch ròi. Còn chỗ nào có thể chia sẻ được để kết hợp làm kinh tế, góp phần cho quốc phòng phát triển mạnh thì ông cũng có những thể hiện rất quyết liệt và rất thoáng. Có thể nói, Bộ Quốc phòng, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã được thừa hưởng từ ông những nhãn quan chiến lược, tư duy chiến lược về mặt hậu phương quân đội, việc kết hợp kinh tế với quốc phòng.

Về đối ngoại quân sự, thời Đại tướng Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước, đối ngoại quốc phòng phát triển rộng, rất nhanh với các nước. Trước đây, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại quân sự của ta chỉ tập trung ở một số quốc gia; đến thời Chủ tịch Lê Đức Anh, đối ngoại quân sự vừa có chiều rộng và cả chiều sâu.

Lắng nghe ý kiến lớp người sau

Thiếu tướng Lê Mã Lương kể: Khi ông làm Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Đại tướng Lê Đức Anh có đến thăm bảo tàng 2 lần. Những lần ấy, ông đã thẳng thắn trao đổi với tôi nhiều vấn đề, thậm chí ông còn gợi ý để nói ra những lời mà thế hệ sau này suy nghĩ về vấn đề quốc phòng, đất nước, quan hệ đối ngoại, trong đó có đối ngoại quân sự, quốc phòng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Duẩn ([Tên nguồn])
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ trần Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN