"Cò cấp cứu" len lỏi trong bệnh viện
Xe cứu thương là loại phương tiện ưu tiên đặc biệt, tuy nhiên loại hình dịch vụ này lại đang có những biến tướng khó kiểm soát trong khi nạn nhân chính là những người bệnh đang trong tình cảnh “thập tử nhất sinh”.
Đến nay, Sở Y tế Hà Nội chỉ cấp phép cho 10 xe cứu thương ngoài công lập hoạt động. Thế nhưng, địa bàn Hà Nội lại xuất hiện nhiều loại hình xe cứu thương.
Xe cứu thương “dù” lộng hành
Vụ việc đã xảy ra cách đây gần 1 năm, nhưng khi nhắc lại, tài xế Phúc (Cty Bắc Việt), một nạn nhân trong vụ tranh giành khách ở Bệnh viện K cơ sở 3 (Tân Triều, Thanh Trì) vẫn nhớ rõ từng chi tiết. Tài xế này kể lại, đầu năm 2015, anh nhận được lệnh của Tổng đài điều động tới Bệnh viện K cơ sở 3 để đón bệnh nhân. Ngay khi vừa vào cổng, một chiếc xe máy chở 2 thanh niên bặm trợn đã xuất hiện, bám sát xe cứu thương. Thanh niên ngồi sau cầm viên gạch, hăm dọa ném vỡ kính xe.
Sợ ảnh hưởng đến tài sản công ty, anh Phúc xuống xe để ngăn các thanh niên này. Ngay lập tức, 2 thanh niên dừng xe, lao vào đấm đá tài xế túi bụi.
Xe cứu thương không có logo bệnh viện chạy trên đường Cổ Linh, Long Biên- Hà Nội. Ảnh: Như Ý
Trao đổi với phóng viên, đại diện phòng Hành chính Bệnh viện K giải thích, lần đánh nhau đó là do “hiểu lầm”, nhân viên y tế quen gọi đơn vị Bắc Việt, trong khi tại khu vực Tân Triều đã có đơn vị khác kiểm soát nên gây ra sự cố đáng tiếc. Tuy nhiên, lái xe Phúc khẳng định: Ở nhiều bệnh viện, có các đối tượng lạ, thậm chí bảo vệ “bảo kê” cho xe cứu thương “dù”. Vì vậy, chuyện xe cứu thương vào bệnh viện “lạ” bị “dằn mặt” không phải là cá biệt.
Sau vụ việc tại viện K, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tài xế xe cấp cứu từ Nghệ An cũng bị nhóm côn đồ hành hung, đập phá xe vì không nộp đủ phí ra vào cổng bệnh viện. Theo người dân tại đây, xe cấp cứu các tỉnh khi ra vào cổng viện phải nộp lệ phí lót tay, nếu không sẽ bị “đầu gấu” chặn xe, nhẹ thì chửi mắng, nặng thì hành hung lái xe, giật giấy ra viện, cướp khách…
Anh Lương, kinh doanh nước giải khát gần Bệnh viện 103 (Phúc La, Hà Đông) kể lại, là người được coi là có quen biết nhưng anh cũng từng là nạn nhân của nạn cứu thương “dù”. Khoảng 23giờ một ngày tháng 6/2015, anh đưa bố vợ ra viện, mặc dù đã nhờ gọi xe bệnh viện nhưng đón anh lại là một xe không nhãn hiệu. Trong lúc cấp bách anh này đành đưa bố vợ lên xe để về Yên Xá (Tân Triều, Thanh Trì). Với quãng đường theo anh Lương là chỉ trên dưới 1km, từ Bệnh viện 103 đến Yên Xá, anh bị lái xe “chém đẹp” với giá 900 ngàn đồng. Sau đó, anh Lương mới biết đây là một nhóm xe cấp cứu “dù” hoạt động đón bệnh nhân tại viện.
Nhân viên y tế hưởng hoa hồng từ “xe dù”
Ông Nguyễn Đức Tâm, Trưởng phòng Hành chính Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội thông tin, hiện bệnh viện đang có 16 xe cấp cứu, trong đó có 10 chiếc xe do cán bộ công nhân viên đóng góp để phục vụ nhu cầu của bệnh nhân. Bên cạnh đó, bệnh viện còn ký liên kết với Cty TNHH vận chuyển người bệnh Bắc Việt với số lượng là 16 xe. Tuy nhiên, theo ông Tâm, các xe chỉ đáp ứng được 70% khối lượng vận chuyển của bệnh viện. Đó cũng là mảnh đất cho “cò” cứu thương hoạt động.
Qua theo dõi một tuần tại Bệnh viện Việt Đức, phóng viên ghi nhận nhiều xe cứu thương không nằm trong danh sách xe bệnh viện nhưng thường xuyên có mặt trong khuôn viên để phục vụ bệnh nhân. Thậm chí, các lái xe còn tỏ ra quen biết mật thiết với lực lượng bảo vệ tại đây. Trong đó có các xe mang BSK: 30A-118.27, 29A-879.27, 29A-600.91, 30Y-3556, 29A-65012… Hầu hết các xe đều chỉ dán dòng chữ: Vận chuyển cấp cứu 24/24, Logo chữ thập đỏ, ngoài ra không có một thông tin nào khác. Liên hệ với một chiếc xe có số điện thoại liên lạc, qua trao đổi, đầu dây bên kia thừa nhận xe mình là “xe ngoài”, và không thể xuất hoá đơn đỏ.
Trao đổi với Tiền Phong, bà Trần Thị Nhị Hà, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y tư nhân, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trường hợp các xe cứu thương vận chuyển dán nhãn cấp cứu nhưng không có giấy phép, không ký kết với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ là vi phạm pháp luật. Các xe cứu thương đều cần ghi rõ tên cơ sở, giấy phép, thông tin liên hệ lên thân xe, nếu không sẽ bị xử lý theo quy định.
Không chỉ hoạt động trong sân Bệnh viện Việt Đức, tại đây, “cò cấp cứu” còn xâm nhập vào tận giường bệnh để mời chào bệnh nhân đi xe cứu thương, mặc cho lực lượng bảo vệ kiểm soát thẻ luôn túc trực. Bà Thanh (trú tại Yên Trực, Nam Định) cho biết, khi gia đình có giấy xuất viện, một thanh niên tiếp cận, thông báo với bà Thanh không có xe của viện. Thanh niên này đưa ra lời chào xe cấp cứu đưa bệnh nhân về Yên Trực, Nam Định với mức giá 2 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đưa người bệnh lên xe, lái và phụ xe lại ra giá 2,5 triệu đồng. Theo lái xe, 500 ngàn đồng là phí ra vào bệnh viện, cùng chi phí cầu đường.
Không muốn cự cãi, “cực chẳng đã”, bà Thanh đành chấp nhận bỏ ra 2,5 triệu đồng để đi xe cấp cứu “dù”. Được biết, với cùng quãng đường như vậy, giá xe cứu thương của bệnh viện Việt Đức chỉ là 1,5 triệu đồng với đồ sơ cấp cứu: bình ô-xy, bình bóp bóng… Trong khi, xe cứu thương “dù” chỉ có một chiếc giường xếp ở băng sau cho bệnh nhân, ngoài ra không có bất cứ phương tiện sơ cứu nào khác.
Ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Hành chính quản trị, Bệnh viện Xanh-Pôn Hà Nội thông tin, hiện bệnh viện đang có 5 xe cứu thương để phục vụ công tác cấp cứu. Số lượng xe này đủ đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. Xe cứu thương của bệnh viện được trang bị đầy đủ phương tiện sơ, cấp cứu, mức giá rẻ để hỗ trợ bệnh nhân, tuy vậy xe cứu thương “dù” vẫn xuất hiện. Nguyên nhân bởi thủ tục xin xe từ bệnh viện khá mất thời gian, trong khi nếu với xe “dù” thì chỉ cần một cuộc gọi, sẽ có xe đón ngay. “Đồng thời, do được chiết khấu hoa hồng, nên một số nhân viên y tế khoa đã móc nối với các xe cấp cứu này để được nhận phần trăm từ mỗi chuyến đi”, ông Dũng thẳng thắn.