'Có bộ trưởng, trưởng ngành nói sao được chất vấn nhiều thế'

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

"Có những bộ trưởng, trưởng ngành nói sao ngành tôi được chất vấn nhiều lần thế, tôi nói các đồng chí được chất vấn nhiều thì cử tri, nhân dân sẽ hiểu rõ ngành mình, đại biểu Quốc hội sẽ hiểu rõ ngành mình...", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.

Sáng 19/8, phát biểu khai mạc phiên họp 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (diễn ra từ ngày 19-22/8), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, ngoài việc xem xét 12 nội dung, tại phiên họp này, sẽ dành 1,5 ngày cho chất vấn và trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành.

Có những luật chưa thực hiện đã phải chỉnh sửa

Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu với 3 dự án luật: Luật Điện lực sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam.

Trong đó, nếu dự án Luật Điện lực sửa đổi và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam được Chính phủ chuẩn bị tốt, các cơ quan thẩm tra đồng thuận, đại biểu Quốc hội chuyên trách đồng thuận cao thì có thể làm theo quy trình rút gọn, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình một kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: QH

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến với việc giải trình, tiếp thu Luật Phòng không nhân dân để các cơ quan tiếp tục hoàn thiện, xin ý kiến các cơ quan trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề nghị của Chính phủ bổ sung 2 dự án gồm Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT và Luật Phòng bệnh.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đến nay khối lượng công việc trình luật tại kỳ họp thứ 8 và thứ 9 rất lớn nên từ bây giờ cần xem xét, tính toán, bổ sung cho phù hợp. Cơ quan soạn thảo phải chuẩn bị rất kỹ, cơ quan thẩm tra cần làm chặt chẽ, đúng quy định.

"Vấn đề đã chín, đã rõ thì đưa vào luật, còn lại tiếp tục nghiên cứu, không phải vì thời gian gấp mà bỏ qua các công đoạn theo quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật", Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra phải hết sức nghiêm túc, xem xét kỹ để nâng cao chất lượng của luật.

Nêu thực tế có những luật chưa thực hiện đã phải chỉnh sửa, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần xem lại vấn đề xây dựng pháp luật vừa qua có công đoạn nào làm chưa kỹ thì nghiêm túc rút kinh nghiệm. Lãnh đạo các bộ phải ngồi xem từng điều, từng khoản, từng chương trong làm luật chứ không thể ủy nhiệm cho thứ trưởng hay một vụ nào đó.

Chất vấn 9 lĩnh vực

Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành 1,5 ngày cho hoạt động chất vấn, đánh giá toàn diện, tổng thể việc thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề chất vấn liên quan 9 lĩnh vực từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 đến hết năm 2023.

Phần chất vấn nhóm thứ nhất là kinh tế - xã hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành, gồm 3 lĩnh vực: Công thương; văn hóa, thể thao và du lịch; nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Phần chất vấn nhóm thứ 2 là nội chính do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành, liên quan 6 lĩnh vực: Tư pháp, nội vụ, an ninh trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; viện kiểm sát.

"Có những bộ trưởng, trưởng ngành nói sao ngành tôi được chất vấn nhiều lần như thế, tôi nói các đồng chí được chất vấn nhiều thì cử tri, nhân dân sẽ hiểu rõ ngành mình, đại biểu Quốc hội sẽ hiểu rõ ngành mình có mặt làm được; mặt chưa làm được thì rút kinh nghiệm", Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc chất vấn chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ khóa 15 đến hết năm 2023 với 9 lĩnh vực không trùng lặp với những nội dung đã chất vấn trước đó. Nếu có vấn đề ngoài nội dung gợi ý thì chủ tọa điều hành có thể đề nghị đại biểu không chất vấn hoặc cơ quan liên quan có thể trả lời bằng văn bản.

Phiên chất vấn được truyền hình và phát thanh trực tiếp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết chất vấn để làm cơ sở cho các cơ quan triển khai, theo dõi, giám sát.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của đoàn giám sát và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023”; cho báo cáo công tác dân nguyện tháng 7.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc tổ chức diễn đàn Quốc hội về hoạt động giám sát. Đây là sáng kiến mới lần đầu tiên được tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến quyết định một số nội dung theo thẩm quyền: Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về bổ nhiệm đại sứ; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của Bộ Y tế.

Cũng tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về phân loại đô thị, sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến 2030…

"Đây là nhiệm vụ quan trọng năm 2024 để đầu năm 2025 tập trung cho đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội 14 của Đảng cũng như bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhân cách lớn, trí tuệ, tài ba, đầy bản lĩnh, tư duy khoa học biện chứng, thực tiễn phong phú, lý luận uyên bác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hằng ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN