Chuyện về những phiên dịch viên của Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên

Sự kiện: Thời sự

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp mặt trực tiếp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu tiên tại Singapore vào tháng 6-2018, ông chỉ có một người khác bên cạnh, đó là phiên dịch viên Yun Hyang Lee.

Lần này, tới Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh lần 2, ông Donald Trump tiếp tục được nữ phiên dịch viên Yun Hyang Lee truyền tải rõ ràng thông điệp tới Chủ tịch Kim Jong-un. Ngược lại, nhà lãnh đạo Triều Tiên lại mời một nữ phiên dịch viên khác thay thế ông Kim Ju Song từng dịch trước đó tại Singapore.

Chuyện về những phiên dịch viên của Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên - 1

Bà Yun Hyang Lee và nữ phiên dịch bí ẩn của Triều Tiên Sin Hye Yong trong cuộc gặp lần hai giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Triều tại Hà Nội..

“Người hùng vô danh”

Giới báo chí phương Tây đã sử dụng biệt danh “người hùng vô danh” để dành tặng cho bà Yun Hyang Lee ngay sau khi những hình ảnh đầu tiên về cuộc gặp Trump-Kim được đăng tải trên các phương tiện truyền thông thế giới hồi tháng 6 năm ngoái.

Theo Hãng CNN, bà Yun Hyang Lee là Giám đốc bộ phận thông dịch của Bộ Ngoại giao Mỹ, là một "người hùng vô danh" trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ với Triều Tiên và các cuộc gặp giữa lãnh đạo cấp cao Mỹ-Hàn Quốc trong nhiều năm qua.

Frank Aum, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Hòa bình Mỹ nói với phóng viên tờ TIME: “Bà ấy không cố gắng trở thành ngôi sao của chương trình, nhưng bà ấy luôn nói chuyện, phiên dịch trong các bối cảnh lịch sử quan trọng”. Frank Aum cho biết, bản thân ông cũng đã nhiều lần làm việc với bà Yun Hyang Lee trong các cuộc đàm phán cấp cao liên quan đến Bộ Quốc phòng Mỹ. “Bà ấy rất hài lòng với việc giải thích và dịch thuật, thậm chí là tham gia nhiều hơn vào việc bà ấy phải làm”.

Chuyện về những phiên dịch viên của Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên - 2

Bà Yun Hyang Lee - phiên dịch viên chính trong 2 lần gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un.

Trong khi đó, tờ Washington Post khẳng định, bà Yun Hyang Lee đã làm việc trong Bộ Ngoại giao và làm phiên dịch cho giới chức Nhà Trắng từ thời cựu Tổng thống George W. Bush và cựu Tổng thống Barack Obama.

Tháng 11 năm ngoái, bà Yun Hyang Lee cũng đã phiên dịch cho Tổng thống Trump vào tháng 11-2017 khi ông có chuyến công du tới Hàn Quốc và đến tháng 9 năm ngoái thì bà lại ngồi cạnh ông chủ Nhà Trắng để tiếp đón Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Washington. Bà cũng có mặt cùng với Tổng thống Trump để chào đón ba tù nhân Mỹ được Triều Tiên thả ra vào tháng 5-2018…

Năm nay 62 tuổi, bà Yun Hyang Lee có bằng thạc sĩ về phiên dịch và biên dịch từ Đại học Ngoại ngữ Hankuk ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc và nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Geneva năm 2009. Bà đã giảng dạy tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Monterey tại Đại học Middlebury ở California (Mỹ) và Đại học Ewha ở Seoul (Hàn Quốc). Bà là thành viên của Hiệp hội Phiên dịch viên hội nghị quốc tế và cũng từng là phiên dịch viên chính thức của Hàn Quốc cho Thế vận hội 2008 tại Bắc Kinh, Thế vận hội 2010 ở Vancouver (Canada) và Thế vận hội Mùa đông 2018 ở PyeongChang, Hàn Quốc.

Yun Hyang Lee bắt đầu làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở vị trí phiên dịch viên ngoại giao cấp cao vào năm 2008, sau đó trở thành trưởng bộ phận Thông dịch. Bà là một người không thể thiếu trong các cuộc đàm phán lớn của Mỹ - Hàn Quốc. Chính phủ Mỹ đã dành hàng giờ để mài giũa những điểm nói chuyện hoàn hảo, chỉ để đưa ra những bước chuyển ngắn cho những người dịch thuật cung cấp chúng và bà Yun Hyang Lee là một trong những người đó.

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần 2 ở Hà Nội, Tổng thống Mỹ đã rất hài lòng với cách mà bà Yun Hyang Lee dịch ngôn từ của ông để truyền tải thông điệp tới Chủ tịch Triều Tiên. Ông Trump cũng đã để lại ấn tượng mạnh khi nói rằng ông đang có "mối quan hệ tuyệt vời" với Chủ tịch Kim Jong-un. Hai nhà lãnh đạo đã tiếp tục cam kết làm việc "hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên".

Các nhà phân tích nhận định làm phiên dịch viên cho hai nhà lãnh đạo nổi tiếng “cứng rắn” và hay dùng những lời lẽ mạnh mẽ, thậm chí là cách nói năng bốc đồng của Tổng thống Trump là một nhiệm vụ không phải là dễ dàng đối với bà Yun Hyang Lee. Yun Hyang Lee kể rằng có đôi khi những bất ngờ vẫn xảy ra.

Chẳng hạn như khi ở Singapore hồi tháng 6-2018, khi vừa bước vào, Chủ tịch Kim Jong-un đã chào đón Tổng thống Donald Trump bằng câu nói tiếng Anh: “Rất vui được gặp ông, Tổng thống”. Chủ tịch Kim Jong-un từng học ở Thụy Sĩ nên việc sử dụng tiếng Anh đối với ông cũng không phải khó. Rồi trong lúc phiên dịch, Yun Hyang Lee cũng phải lường trước những rủi ro hoặc sự cố có thể xảy ra.

Chuyện về những phiên dịch viên của Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên - 3

Bà Yun Hyang Lee luôn theo sát hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều trong các cuộc gặp kín và mở rộng tại Hội nghị thượng đỉnh lần 1 và lần 2.

Năm 2015, khi nói chuyện với tờ báo Hàn Quốc JoongAng Ilbo, Yun Hyang Lee từng giải thích ngoại giao không chứa các chứng nhận chắc chắn như "có" và "không". "Chỉ có một cái gì đó ở giữa, trung gian”, bà nói. Một thách thức khác của việc giải thích là truyền đạt những điều nhỏ nhặt, những câu chuyện cười, những từ lóng hoặc những từ thông tục, có thể bị lạc trong cuộc trò chuyện. Nhưng với chuyên môn chắc, hiểu sâu, Yun Hyang Lee luôn tỏa sáng trong lĩnh vực này.

Frank Aum nhận xét: "Người dân, kể cả quan chức Chính phủ Mỹ không làm nhiều việc hay cố gắng tìm ra những điểm nói chuyện phù hợp nhằm đưa đúng thông điệp sang phía bên kia. Họ cho rằng mọi thứ đều phải được dịch 100%. Nhưng đã nhiều lần những câu chuyện cười hoặc cụm từ nhỏ không được chọn. Cô ấy rất xuất sắc trong việc chọn ra các sắc thái và đảm bảo rằng thông điệp của Mỹ được miêu tả chính xác".

Và phiên dịch viên bí ẩn của Triều Tiên

Viết kỹ hơn về các cuộc trò chuyện một - một giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên trong lần Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội, Hãng AP miêu tả: Chỉ có bốn tai khác trên hành tinh nghe những gì Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong Un nói với nhau hôm thứ tư (ngày 28-2) trong cuộc trò chuyện một đối một.

Thông dịch viên của hai nhà lãnh đạo là những người khác duy nhất nói chuyện với họ, làm dấy lên lo ngại về lý do ông Trump sẽ mạo hiểm khi thương lượng với ông Kim Jong-un. Không có hồ sơ lịch sử chi tiết và các nhân chứng chứng thực, các nhà lãnh đạo có khả năng rời khỏi một cuộc họp và trình bày sai những gì đã xảy ra. Vì thế, trước đó, người ta đã dự định để cuộc đàm phán một đối một giữa ông Trump và ông Kim diễn ra vào ngày 1-3, khi hai nhà lãnh đạo tiến sâu hơn vào cuộc đàm phán hạt nhân giữa hai nước.

Người ta đã lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột hay đấu khẩu giữa hai người bởi Tổng thống Mỹ từng có những cuộc xung đột riêng trong lúc trò chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới. Chẳng hạn như lần Tổng thống Donald Trump gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Đức chỉ với một thông dịch viên của Điện Kremlin.

Năm 2018, sau khi ông Trump dành hơn hai giờ để nói chuyện với ông Putin ở Helsinki, Phần Lan, đảng Dân chủ đã cố gắng tìm kiếm một trát toà nhằm đưa dịch giả này của ông ra làm chứng trước Quốc hội về những gì đã được nói. Rất may, đảng Cộng hoà đã ngăn chặn nó và Nhà Trắng chưa bao giờ cung cấp thông tin về những gì ông Putin và ông Trump nói. Ngay cả Giám đốc tình báo quốc gia Dan Coats cũng không biết.

"Thật là tuyệt vời, hoàn toàn tuyệt vời, mà không ai biết những gì đã được nói", nhà lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer nói vào thời điểm đó.

Hãng Korea Times cho hay, tại Hội nghị thượng đỉnh lần 2, Chủ tịch Kim Jong-un đã sử dụng tới hai phiên dịch. Tuy nhiên, tại cuộc gặp kín, trong khi Mỹ vẫn sử dụng dịch giả Yun Hyang Lee, người từng phiên dịch trong cuộc gặp đầu ở Singapore thì người phiên dịch cho ông Kim Jong-un lại được thay đổi thành cô Sin Hye Yong.

Một số chuyên gia về ngoại giao của Mỹ - Triều Tiên lo ngại các cuộc trò chuyện riêng tư mang lại cho Chủ tịch Kim Jong-un cơ hội giành được những nhượng bộ từ ông Trump. Vì thế, trước Hội nghị thượng đỉnh, Thượng nghị sĩ Ed Markey đã bày tỏ những nghi ngờ như thế về việc ông Kim Jong-un yêu cầu cuộc họp riêng. Song nhiều người khác lại nghĩ rằng không có gì sai với sự ủng hộ của Tổng thống đối với các cuộc họp riêng với các nhà lãnh đạo thế giới.

"Tôi không thấy rằng họ làm điều gì bất chính", Đại tá Daniel Davis -một quan chức quốc phòng Mỹ đã nghỉ hưu nói và bày tỏ rõ quan điểm chống lại việc lạm dụng hành động quân sự để giải quyết các thách thức chính sách đối ngoại: "Tôi nghĩ rằng các ông ý sẽ thoải mái hơn khi làm theo cách đó”.

Chuyện về những phiên dịch viên của Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên - 4

Bà Yun Hyang Lee và nữ phiên dịch Sin Hye Yong trong cuộc gặp lần hai giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Triều tại Hà Nội.

Đồng thời, Daniel Davis cũng chỉ ra rằng nhiều Tổng thống Mỹ ưa kiểu trò chuyện riêng như vậy. Tại cuộc gặp đầu tiên giữa cựu Tổng thống Ronald Reagan với nhà lãnh đạo Xôviết lúc bấy giờ Mikhail Gorbachev tại Geneva (Thụy Sĩ) vào tháng 11-1985, hai người đã gặp nhau một mình trong vòng 1 tiếng đồng hồ với các phiên dịch viên đáng tin cậy.

Cựu Tổng thống Barack Obama cũng thỉnh thoảng tổ chức các cuộc trò chuyện ngẫu hứng với các nhà lãnh đạo thế giới bên lề những hội nghị thượng đỉnh toàn cầu lớn mà chỉ có các phiên dịch viên ở bên cạnh họ…

Bong Young-shik, một nhà phân tích tại Đại học Yonsei của Seoul (Hàn Quốc), bình luận: "Luôn có một mức độ rủi ro nhất định trong cuộc họp kiểu này, nhưng thật khó để nói ông Trump sẽ bị ông Kim Jung-un kéo vào một quyết định chỉ vì những gì đã xảy ra ở Singapore hay Hà Nội", Bong nói.

Cũng theo nhà phân tích này thì phiên dịch viên Yun Hyang Lee là người kín tiếng và giữ nguyên tắc trong nghề nghiệp. Bà không bao giờ hé lộ một điều gì trong các cuộc nói chuyện giữa Tổng thống Mỹ với các nhà lãnh đạo khác. Còn phiên dịch viên của Chủ tịch Triều Tiên, cô Sin Hye Yong thì lại càng khó để có thể lấy thông tin. Mọi chi tiết về nhân thân hay học vấn của cô này đến nay vẫn là một ẩn số. Đến giờ, người ta chỉ có một chút ít thông tin về ông Kim Ju Song, người đã có mặt trong cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore.

Hãng tin CNN cho hay, ông Kim Ju Song thường xuyên xuất hiện trong các chuyến xuất ngoại của giới chức Triều Tiên. Ông đã tới Nhà Trắng hồi tháng 5-2018 khi tướng Kim Yong Chol, cánh tay phải của ông Kim Jong-un, gặp Tổng thống Donald Trump. Sau lần gặp đó, ông Kim Ju Song đã có một bước khởi đầu tốt trong việc tìm ra cách giải mã phong cách nói chuyện của ông Trump.

Kim Ju Song được cho là có trình độ chuyên môn cao về tiếng Anh. "Mặc dù không được đào tạo như một dịch giả chuyên nghiệp nhưng anh ấy đã được chọn vì trình độ tiếng Anh xuất sắc của mình", tờ Chosun Ilbo đưa tin.

Ngoài ra, Chosun Ilbo còn tiết lộ thông tin về phiên dịch viên tiếng Việt Ri Ho Jun của Chủ tịch Kim Jong-un. Sáng 26-2, khi đoàn tàu bọc thép chở ông Kim Jong-un tới ga Đồng Đăng, hình ảnh ông Ri Ho Jun luôn theo sát để phiên dịch cho Chủ tịch Triều Tiên đã lọt vào ống kính phóng viên. Ngay sau đó, những thông tin về ông được đăng tải trên báo chí.

Ông Ri Ho Jun được xác nhận từng là sinh viên khoa Tiếng Việt của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội 30 năm trước (nay là khoa Việt Nam học và tiếng Việt của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). PGS.TS Nguyễn Thiện Nam, Trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt cho hay, Ri Ho Jun là một trong 4 sinh viên của Triều Tiên cùng theo học cử nhân tiếng Việt và văn hóa Việt Nam tại khoa những năm 1980. Sau khi ra trường, ông Ri Ho Jun từng là tham tán chính trị Đại sứ quán Triều Tiên tại Việt Nam nhiều nhiệm kỳ.

Cảnh sát “bật mí” chuyện bảo vệ an ninh cho Hội nghị Mỹ - Triều

Tại khách sạn JW Marriot, đoàn Tổng thống Mỹ Donald Trump ở 3 tầng, riêng lực lượng mật vụ và an ninh Mỹ có tới 760 nhân...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Chi ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN