Chuyện trai gái không cưới nhau ở hai làng sát vách
Cùng ở xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang, trai gái hai làng Nga Trại và Đông Lâm tuyệt đối không yêu và lấy nhau.
Theo cụ Tốn (ngoài cùng bên phải), tình “anh em ruột thịt” đã được người dân hai làng Đông Lâm và Nga Trại duy trì nhiều thế hệ
Không phải vì một lời nguyền hay một sự thù hận, mà vì hai làng “trót” kết nghĩa anh em, ứng xử giữa người dân hai làng như những người ruột thịt.
Khi hai làng “kết chạ”
Lãnh đạo UBND xã Hương Lâm khẳng định, tục “kết chạ” của làng cổ Nga Trại, Đông Lâm là một nét đẹp truyền thống đã tồn tại từ hàng trăm năm nay và hiện nó vẫn được duy trì, phát triển. Đây là điều kiện tốt để các làng giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất xây dựng nông thôn mới, giữ mối đoàn kết gắn bó, giữ an ninh trật tự địa bàn thôn xóm. |
Ngày đầu xuân mưa lạnh, anh Tân (SN 1992, quê làng Nga Trại, xã Hương Lâm) chạy xe máy ra trung tâm xã thì xảy ra va chạm với một xe máy đi ngược chiều do một nam thanh niên điều khiển. Tai nạn tuy không gây thương tích, nhưng nhìn bộ quần áo lấm lem vì bị ngã xe, anh Tân lời qua tiếng lại với nam thanh niên điều khiển. Khi hai bên suýt lao vào đánh nhau thì được ông Nguyễn Văn Ngạch (làng Nga Trại) đi ngang qua, bảo: “Người làng Đông Lâm đấy, anh em cả mà”, và sau đó cả hai nhanh chóng làm hoà.
Ông Nguyễn Văn Ngạch cho biết, thanh niên trẻ bây giờ đi học, đi làm xa nhà, nên về quê đôi khi không nhận ra nhau. Nhưng cứ nói người làng Nga Trại hoặc Đông Lâm, thì họ vẫn nhớ lại tục lệ hai làng, coi nhau như anh em để dễ dàng thân thiện, bỏ qua những điều mâu thuẫn nhỏ nhặt.
“Hai làng đã kết nghĩa với nhau làm anh em, ở đây chúng tôi gọi là tục “kết chạ”. Theo tục này thì dân làng sẽ coi nhau như anh em ruột thịt, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn thiếu thốn”, ông Ngạch cho biết và nhớ lại, những năm chưa có máy cày, máy bừa, làng Đông Lâm đã đưa hàng chục con trâu để giúp dân làng Ngai Trại cày bừa cho kịp thời vụ. Rồi đến khi Đông Lâm vào vụ thì Nga Trại lại cử hàng trăm xã viên lên cấy giúp. Năm làng Nga Trại tu sửa lại đình, chùa người dân làng Đông Lâm mang gạo, tiền sang đóng góp xây dựng, mang nồi, mang gạo sang nấu cơm cho thợ ăn. Đến khi làng Đông Lâm làm chuông, dân làng Nga Trại lại đóng góp tiền của, công sức để chuông nhanh hoàn thành.
Cụ Nguyễn Văn Tốn, một cao niên của làng Nga Trại kể lại, khởi nguồn của tục lệ này diễn ra vào khoảng 400 năm trước. Những năm đó, hai làng thường xuyên mất mùa vì đê sông Cầu hay bị vỡ. Thấy vậy làng Nga Trại và Đông Lâm bèn cùng nhau cử người đi đắp đê cứu mùa màng khỏi thất thu. Nhận thấy hợp sức thì phát huy hiệu quả tốt hơn, từ đó không chỉ trong việc chống thiên tai, khi có địch họa hai thôn đều hợp sức lại với nhau như một.
“Trong hương ước hai làng không quy định làng nào là làng anh, làng nào là làng em mà mọi người cung kính gọi nhau bằng “anh, chị”. Bất kể già trẻ, gái trai hai làng khi gặp nhau đều xưng hô với nhau bằng câu “đằng anh” và “đằng em”. Hễ có việc gì thì hai làng sẽ cử người sang giúp đỡ nhau tận tình”, cụ Tốn kể.
Theo cụ Tốn, cứ đến ngày mồng 4 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, hai làng Nga Trại và Đông Lâm lại tổ chức lễ hội. Và để tỏ lòng thành kính lẫn nhau, cứ 6 năm hai làng lại tổ chức rước lễ long trọng. Trong buổi lễ, đám rước của hai làng sẽ ra đón nhau tại một khu đất trống. Thánh làng nọ sẽ được đưa đến đình của làng kia ngự và 6 năm sau sẽ rước trở lại. Trong 6 năm đó, năm nào hai bên cũng cử những bô lão uy tín sang làng nhau tế lễ.
Trai gái hai làng không được lấy nhau
Tục lệ trai gái hai làng Đông Lâm và Nga Trại không lấy nhau đã được duy trì hàng trăm năm nay
Cũng vì thân nhau như anh em ruột thịt, nên như một luật bất thành văn từ bao đời nay, trai gái hai làng Nga Trại và Đông Lâm không bao giờ lấy nhau.
“Ngày còn sinh viên, tôi có sang ký túc xá nữ chơi, gặp một cô gái cùng quê Bắc Giang, cảm mến nhiều nhưng khi hỏi kỹ, biết đó là gái làng Nga Trại thì tự nhiên lại thấy cô ấy như em gái của mình vậy”, anh Vũ, một người dân làng Đông Lâm chia sẻ.
Ông Ngạch cũng xác nhận, từ khi ông sinh ra đến giờ, chưa thấy hai làng có đôi trai gái nào cưới nhau. Nếu phát hiện chàng trai, cô gái nào của hai làng có dấu hiệu tình cảm nam nữ, thì những người lớn trong nhà, cao niên trong làng sẽ nhắc nhở. Do đó, hiếm có trường hợp nào vượt quá “lệ làng”.
Cụ Nguyễn Văn Tốn kể lại, có một câu chuyện vượt “lệ làng” diễn ra hơn một thế kỷ trước. Đó là chuyện tình cảm bắt nguồn giữa một buổi đắp đê chung giữa hai làng. Trong khi đang đắp đê, một người con gái Đông Lâm bị trượt chân ngã xuống dòng sông đang mùa lũ nước dâng cao. Không ai dám nhảy xuống dòng nước xiết vì nước lũ rất lớn quá sức người bình thường có thể bơi được. Nhưng ngay lúc đó có một thanh niên nghĩa hiệp thôn Nga Trại bơi lội rất giỏi đã lao mình xuống dòng nước quyết cứu người con gái Đông Lâm thoát khỏi dòng nước dữ.
Cảm động trước hành động nghĩa hiệp của người thanh niên Nga Trại, người con gái Đông Lâm xinh đẹp đó đã đem lòng yêu mến. Tuy nhiên chuyện tình cảm của đôi trai tài gái sắc đã đến tai những bậc cao niên chức sắc trong làng. Cả hai làng liền họp lại và ra quyết định cấm đôi trai gái đó tiếp tục yêu nhau. Không những thế làng Nga Trại còn bắt nhà chàng trai sắm sửa mâm xôi, con gà sang đình làng Đông Lâm tạ tội với “đằng anh” bên ấy vì dám trái lời thề.
Câu chuyện đó được người dân hai làng truyền tai cho nhau qua năm tháng, nên có lẽ “thấm” lời dạy từ nhiều đời, kể từ đó đến nay, không thấy trai gái 2 thôn có chuyện yêu đương nữa.
Anh Nguyễn Văn Đăng, trai làng Nga Trại cho biết: “Thanh niên dù không ai bảo ai nhưng đều ý thức được điều này. Không hẳn vì sợ bị làng bắt vạ mà vì ý thức, nó như ăn vào máu rồi. Chúng tôi chơi thân với nhau nhưng có ai yêu nhau đâu. Muốn lấy vợ thì sang làng khác tìm hiểu”.
Nổi tiếng là ngôi làng đẹp, Bản Aur giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ đang đối mặt với câu chuyện hết sức thời...
Nguồn: [Link nguồn]