Chuyện tình của vợ chồng anh hùng tình báo Tư Cang

Đại tá Nguyễn Văn Tàu (tức Tư Cang) từng giữ chức vụ Cụm trưởng Cụm tình báo H.63, rồi là Chính ủy Lữ đoàn Đặc công biệt động Sài Gòn lập nên nhiều chiến công thầm lặng góp phần vào công cuộc thống nhất đất nước.

Nhưng ít ai biết trong cuộc đời của vị anh hùng tình báo tài ba này, ngày 30/4 lịch sử năm ấy ông và vợ con mới có ngày đoàn tụ sau gần 30 năm xa cách…

Vợ chồng xa cách

Đến thăm gia đình Đại tá Tư Cang vào một buổi chiều trung tuần tháng 4, tôi được ông tiếp đón trong căn nhà mới xây còn thơm mùi sơn. Ông nói như khoe, căn nhà khang trang này ông được nhà nước xây tặng để an hưởng tuổi già. 

Ngồi cạnh ông là người vợ già, bà Trần Ngọc Ảnh, một tay phụ chồng rót nước mời khách. Nhìn cử chỉ và ánh mắt hai ông bà trao nhau đầy ắp tình cảm. Ông nói chỉ cần thấy bà mỗi ngày, được quan tâm chăm sóc nhau như vậy là toàn vẹn lắm rồi.

Chuyện tình của vợ chồng anh hùng tình báo Tư Cang - 1

Lần gặp gỡ hiếm hoi của vợ chồng ông Tư Cang trong thời chiến.

Gặp ông thật khó, phải điện thoại hẹn trước vì trong những ngày tháng 4 này, lịch của ông gần như kín. Nhiều buổi nói chuyện, họp mặt của các cựu chiến binh cần sự có mặt của ông. Mọi người cùng nhau ôn lại mốc son hào hùng của dân tộc, ngày 30/4 lịch sử cách đây đã 39 năm. Trong tâm khảm người lính già, ngày vui của đất nước cũng là ngày đoàn tụ của gia đình ông sau gần 30 năm vợ chồng xa cách.

Cùng quê tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng ông sinh ra và lớn lên tại làng Long Phước, thị xã Bà Rịa, còn gia đình bà sống tại một làng ven biển thuộc huyện Đất Đỏ. Hai người lấy nhau theo sự sắp đặt của cha mẹ. Cưới xin qua mai mối rồi tình yêu nảy nở từ lúc nào ông bà không hề hay biết. Vài tháng sau ngày cưới bà biết mình có mang. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ cứ tưởng sẽ êm ả trôi đi. Nhưng vào năm 1946, giặc Pháp tràn về, chúng gây bao nỗi đau thương cho người dân nơi đây. Khi đó ông mới 18 tuổi, còn bà vừa tròn 17.

Ông còn nhớ như in cái đêm ông nói với bà quyết định vào chiến khu tham gia kháng chiến: “Tối hôm đó, tôi dắt vợ ra ngồi ở bậc thềm. Tựa đầu vào nhau, ngập ngừng hồi lâu tôi mới cất thành lời: “Anh phải vào chiến khu đánh giặc cùng với anh em. Em sắp xếp lên Sài Gòn làm ăn, sinh con và đợi anh về nhé!”. Bà lặng thinh không nói một lời, đến khi ông đưa tay vuốt ve gương mặt người vợ trẻ thì những dòng nước mắt đã tuôn trào tự lúc nào".

Bà nói, từ đó vợ chồng bắt đầu những tháng ngày dài đằng đẵng xa cách. Ông vào chiến khu Minh Đạm ở tỉnh nhà tham gia đánh giặc, còn bà lặn lội lên Sài Gòn học đánh máy chữ, làm thư ký. Một năm sau ngày cưới, bà sinh hạ cô con gái, đặt tên là Nhồng. Ở chiến khu ông vui mừng khôn tả khi nhận thư vợ báo vừa sinh con. 

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết, quân Pháp rút về nước. Trước lúc lên đường ra miền Bắc tập kết, ông nhận được quà của vợ gửi là phong thư, tấm hình của con gái và chiếc áo len. Trong thư có đoạn viết: “Do gia đình bị giặc kiểm soát gắt nên em không ra tiễn anh được. Thôi thì đời vợ chồng mình như những năm qua. Ngoài Bắc lạnh lắm, em đan cho anh chiếc áo len này mặc cho ấm”.

“Mỗi ngày, tôi đọc đi đọc lại từng chữ trong thư đến thuộc lòng. Rồi khi có dịp lại lấy ảnh con gái ra khoe với đồng đội. Còn áo len thì tối ngủ đắp lên ngực để tìm lại hơi ấm của vợ”, ông nói về ba món quà quý giá của vợ. Giữa năm 1961, ông được cử trở về miền Nam bắt đầu tham gia kháng chiến chống Mỹ.

Tham gia cách mạng phải chấp nhận hy sinh

Tưởng rằng vợ chồng sẽ được đoàn tụ sau 15 năm xa cách, nhưng vì nhiệm vụ bí mật nên ông không được gặp mặt vợ con. Thời gian này, ông cùng đồng đội tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Ninh. Sau đó, ông được cấp trên giao trọng trách vô cùng quan trọng, giữ chức vụ Cụm trưởng Cụm tình báo H.63, nơi có hai điệp viên quan trọng đang hoạt động trong lòng địch ở Sài Gòn là Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn) và Tám Thảo (Nguyễn Thị Mỹ Nhung). 

Lúc bấy giờ, ông làm nhiệm vụ tổ chức giao liên để đưa tin tức từ hai điệp viên trên ra thành trót lọt, từ đó chuyển về cho cấp trên. Cụm tình báo do ông chỉ huy đóng tại địa đạo Củ Chi. Dù cận kề Sài Gòn nhưng ông và vợ con không thể gặp mặt nhau, mọi liên lạc đều thông qua đội ngũ giao liên. Về sau, tình hình trở nên căng thẳng, cấp trên chỉ đạo ông phải vào thành hoạt động phối hợp cùng điệp viên.

Chuyện tình của vợ chồng anh hùng tình báo Tư Cang - 2

Đại tá Tư Cang kể về cuộc chia ly gần 30 năm của gia đình ông.

Khi được hỏi, lần thoát chết nhớ nhất trong cuộc đời chinh chiến, ông trả lời ngay mà không cần suy nghĩ. Đó là vào rạng sáng ngày mồng Một Tết Mậu Thân năm 1968. Lúc đó ông ở với gia đình cô Tám Thảo trên đường Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng). Nhìn thấy đội biệt động của ta bị quân địch bao vây không lối thoát, ông quyết định phải giải vây cho đồng đội. Nổ 2 phát súng ông hạ ngay 2 tên địch nhưng chúng phát hiện được vị trí súng nổ kéo đến nhà cô Tám Thảo một trung đội. 

Chúng lục soát khắp dưới nhà rồi lên gác chỗ ông ẩn nấp, khi chỉ cách vài mét nữa là chúng lần ra ông thì cô Tám Thảo đã nhanh trí giải vây cho ông. “Lúc đó hai tay tôi cầm 2 khẩu súng, nếu chúng phát hiện ra thì tôi quyết sống mái một trận. Hai viên đạn trong túi áo tôi định dùng để tự sát sau khi giết vài tên trong đám lính kia. Đời cách mạng mà, đã tham gia là phải chấp nhận hy sinh”, ông Tư Cang nói.

Thời gian vào thành hoạt động, đôi lần ông nhờ giao liên gọi vợ ra Thảo cầm viên gặp mặt. Chỉ trò chuyện được dăm ba phút rồi lại chia tay chứ không dám ngồi lâu, càng không có được những cử chỉ thân mật vì sợ tai mắt của địch phát hiện. Một kỷ niệm chia tay giữa vợ chồng ông vào cuối năm 1973 trước lúc ông ra miền Bắc học tập từng được chính ông viết lại trong cuốn hồi ký “Nước mắt ngày gặp mặt”. Ông kể, hôm đó ông nhờ người giao liên gọi vợ ông đến bờ sông Thị Tính, chiến khu Nam Bến Cát chia tay. Trong lúc ngồi chờ ông sáng tác bài thơ, trong đó có đoạn:

“Nhiệm vụ chưa tròn, anh tiếp tục ra đi

Người miền Bắc, kẻ miền Nam lòng vô vàn thương nhớ

Những lúc rảnh tâm hồn anh hướng về chốn cũ

Nhớ vợ hiền và nhớ cả quê hương”.

Lúc hai người bịn rịn chia tay, bà khóc nức nở khi nghe ông đọc hết bài thơ. Bà không biết rằng ngày gia đình đoàn tụ đang cận kề. Và rồi ngày đó cũng đến, đêm 30/4/1975, trên chiếc xe Jeep thu được của giặc ông lái một mạch về khu phố nhỏ ở Thị Nghè, nơi sinh sống của vợ con ông những năm qua.

Những giọt nước mắt đã rơi trong lần hai vợ chồng ông gặp lại. Cái ôm thật chặt như chưa hề có ngày chia ly. Ngày ông đi kháng chiến đứa con chưa lọt lòng, ngày ông về đã có cháu ngoại 3 tuổi. Nước mắt ông chực trào khi nghe cháu nói theo lời mẹ dạy: “Con mừng ông ngoại đã về với bà ngoại”.

Suốt buổi trò chuyện, ông Tư Cang say sưa nói về sự hy sinh khi đã dấn thân tham gia cách mạng. Ông hy sinh cuộc sống gia đình, xa vợ con đi kháng chiến trường kỳ, hay sẵn sàng hy sinh tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Còn vợ ông lại có cách hy sinh khác, bà chấp nhận cuộc sống một mình nuôi con, mỏi mòn ở vậy chờ ông gần 30 năm. Tất cả những sự hy sinh đó chỉ đánh đổi một thứ đó là hòa bình trên quê hương.

Đang trò chuyện, ông lại nhận được cuộc điện thoại của người sắp xếp chương trình họp mặt với các đồng đội năm xưa ở Long An. Ông hãnh diện cho biết, hiện ông đang là Trưởng ban liên lạc cùng một lúc nhiều Hội cựu chiến binh của các đoàn thể. Hằng năm, mỗi đơn vị đều tổ chức gặp mặt một lần để cùng ngồi ôn lại những năm tháng chiến đấu hào hùng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nguyễn (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN