Chuyện tình cảm động của 2 người mắc bệnh phong

Tại bệnh viện phong, anh Jit đã tìm thấy người bạn đời cùng cảnh ngộ để giá nghĩa trăm năm. Người bạn đời mà anh Jit đang nói đến ở đây chính là chị Kson Hơ Veo (SN 1986, quê ở Ia Pa, Gia Lai).

Đã từng bị những người ở buôn làng xem là “con ma rừng” và bị hắt hủi khi mang trong mình căn bệnh cùi, thế nhưng từ lúc được người đàn ông đốn củi tốt bụng cứu giúp và đưa đến trại phong Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) để chữa bệnh, thì anh Jit may mắn gặp được người đàn bà đồng cảnh ngộ để chớm nở một cuộc tình độc nhất vô nhị trên thế gian.

Và cũng tại quê hương thứ hai này, anh tự nguyện nhận công việc trông coi nghĩa địa của những người “cùi” và lấy việc bầu bạn với những linh hồn này làm niềm vui mỗi ngày.

Cám cảnh sống kiếp “ma rừng”

Người đàn ông đặc biệt mà chúng tôi tìm gặp ở khu nghĩa địa Quy Hòa có tên là Đinh Jit (SN 1978, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) và là người con của núi rừng Tây Nguyên. Sau những giây phút e ngại vì sợ người lạ biết được căn bệnh mình đang mang, anh mở lòng trò chuyện với chúng tôi trong niềm vui vì đã tìm được sự đồng cảm.

Gác lại công việc đang làm dở, anh dắt chúng tôi vào tận sâu trong khu nghĩa địa và kể cho chúng tôi về những ngôi mộ của những người xấu số ra đi trong đau đớn vì căn bệnh hủi. “Ngày xưa nhà thơ Hàn Mặc Tử cũng một thời sống ở nơi đây, với những vần thơ tình độc đáo đấy mấy chú à. Nhưng trớ trêu thay, cũng chính vì những lời kì thị của người đời mà chàng thi sĩ đã ra đi trong cô đơn lạnh lẽo. Giờ tôi may mắn được là người bạn vong niên với linh hồn của ông ấy và những người khác, âu đó cũng là cái duyên chứ không phải dễ gì được đâu mấy chú”, nói rồi anh Jit khẽ nở một nụ cười mãn nguyện.

Chuyện tình cảm động của 2 người mắc bệnh phong - 1

Hạnh phúc của đôi vợ chồng “cùi” Đinh Jit – Hơ Veo và đứa con trai

Kể về cuộc đời mình, giọng anh như chùng xuống với ánh mắt nhìn xa xăm. Anh cho biết, trước kia anh cũng là người đàn ông khỏe mạnh, sống như con thú trong rừng và mạnh mẽ như cây Kơ-nia đâm chồi trong lòng đất Tây Nguyên. Những tháng ngày tuổi trẻ ấy, anh cùng bạn bè hăng say làm nương rẫy, săn bắn thú rừng và cũng có một thời yêu đương với những cô thôn nữ cùng trang lứa. Cứ ngỡ hạnh phúc sẽ mãi ngập tràn, tuổi thanh xuân sẽ vô cùng ý vị. Nào ngờ một ngày cuối đông cách đây chừng 15 năm, đang trong lúc làm nương rẫy thì anh Đinh Jit cảm thấy trong người nóng bừng, da bắt đầu nứt nẻ, tê nhức khôn cùng. Mọi người trong gia đình hết sức hoảng hốt đưa anh về nhà để thuốc thang. Nhưng dù nhiều ngày trôi qua, căn bệnh vẫn không hề thuyên giảm, mà ngược lại da thịt anh Jit ngày càng thối rữa, các đốt ngón tay cứ rụng dần.

Những người trong buôn làng thấy thế nên tung tin đồn rằng anh Jit bị “con ma rừng” ám vào người và đang bị nó ăn dần da thịt. Nghe nói thế, gia đình đã chạy vạy quanh làng để vay mượn tiền bạc mua lợn, mua rượu về để mời thầy cúng đến “giải hạn” cho đứa con trai. Nhưng rồi, khi các thầy cao tay lần lượt đến rồi lại đi trong ánh mắt sợ hãi thì cùng lúc đó tiền bạc trong gia đình cũng đội nón đi theo. Gia đình rơi vào cảnh khó khăn khôn cùng. Khoảng một tháng sau, người làng cho rằng chính anh Jit đã bị ma làm cho ra như thế này, mà con ma đó ở trong người anh Jit thì sẽ lây sang những người khác, làm nguy hại đến dân làng. Mặc dù gia đình đã cố nài nỉ để đứa con trai được ở nhà cho gia đình chăm sóc, nhưng lệ làng không cho phép nên cuối cùng anh Jit bị đuổi ra khỏi làng.

Từ đó, anh phải sống cuộc đời vất vả, phải trốn chui trốn lủi vì sợ người làng bắt gặp. Chính những ngày tháng đau khổ này đã vực dậy trong anh một sức sống mãnh liệt. Anh kể rằng: “Nếu lúc ấy mình mà chết thì dễ dàng lắm, nhưng phải cố gắng bám lấy cuộc sống này vì nếu mình chết thì họ sẽ đắc thắng và quay lại nguyền rủa cả gia đình mình, xem họ như những quái vật chứ không phải người.

Mà tục lệ của người Ba Na là hễ ai đã bị đuổi ra khỏi làng là xem như đã chết rồi, vì thế sống được mới khó chứ chết thì dễ lắm. Trong những ngày sống một mình chẳng biết làm thế nào, nhưng cũng có vài người tốt bụng đem cho vài miếng thức ăn và nước uống qua ngày nên mới tồn tại đến ngày hôm nay. Hơn nữa, sức mình còn trẻ và mình không tin rằng mình bị ma ám gì cả, mà chẳng qua đó chỉ là một căn bệnh kỳ lạ mà mọi người trong bản làng chưa gặp mà thôi”.

Hạnh phúc trọn vẹn

Sau khi dẫn chúng tôi về căn nhà chật hẹp của mình, anh Jit vui vẻ chỉ cho chúng tôi thấy người vợ và đứa con nhỏ đang chuẩn bị bữa cơm tối trong niềm hạnh phúc giản dị. Nhấp một ngụm trà nóng, anh tiếp tục câu chuyện còn bỏ dở lúc ở nghĩa địa người phong.

Theo đó, sau những tháng ngày đau đớn vì căn bệnh hành hạ, anh được một người đàn ông đốn củi tốt bụng thương tình và đưa xuống trại phong Quy Hòa (Quy Nhơn) vào một ngày cuối năm 2010.

Như được tiếp thêm nguồn sống mới, anh được mọi người ở đây cưu mang như anh em trong nhà. Trong một thời gian sống và chữa bệnh ở Bệnh viện phong Quy Hòa dưới sự chăm sóc tận tình của các sơ, anh cảm nhận được sự ấm áp của tình người và cuộc sống vẫn vẹn nguyên ở phía trước.

May mắn hơn, cũng chính ở nơi này, anh đã tìm thấy người bạn đời cùng cảnh ngộ để giá nghĩa trăm năm. Người bạn đời mà anh Jit đang nói đến ở đây chính là chị Kson Hơ Veo (SN 1986, quê ở Ia Pa, Gia Lai).

Hơ Veo sinh ra trong gia đình có tới 6 anh chị em. Bị bệnh phong từ những năm 1991, Hơ Veo cũng bất hạnh vô cùng khi bị chính gia đình mình hắt hủi. Năm mới lên 5 tuổi, trước căn bệnh lạ của con gái cha mẹ Hơ Veo vô cùng sợ hãi. Xóm làng dị nghị, xa lánh vì cho rằng Hơ Veo là con ma chứ không phải người. Sức ép từ buôn làng, ba mẹ Hơ Veo đành phải đưa con gái bỏ vào rừng để tránh bị liên lụy đến gia đình, buôn làng.

Chuyện tình cảm động của 2 người mắc bệnh phong - 2

Nghĩa địa Quy Hòa –Nơi anh Đinh Jit bầu bạn với những linh hồn “cùi” cùng cảnh ngộ.

Những tháng ngày điều trị căn bệnh phong ở Bệnh viện Quy Hòa đã khiến cho hai người có cùng chung số phận tìm được sự đồng cảm của con tim, và sau ngày được chữa trị, cả hai đã tự nguyện góp gạo thổi cơm chung dưới một mái nhà nhỏ nhưng vô cùng ấm áp. “Ngày tôi gặp vợ tôi cũng tại bệnh viện phong này, lúc đó cô ấy đã có một đứa con với người khác. Nhưng qua những lời tâm sự chân thành của vợ tôi ngày đó thì cô ấy đã bị một gã sở khanh dùng lời đường mật cưới xin để gạ gẫm cô ấy quan hệ thể xác. Rồi khi biết tin Hơ Veo mang thai và mắc căn bệnh kinh hoàng này thì gã bất nhân đó đã bỏ trốn mất. Khi biết được hoàn cảnh của cô ấy như vậy, tôi cảm thấy thương lắm, vì cô ấy cũng bị buôn làng hắt hủi như tôi nên hai người đùm bọc lấy nhau mà sống đến tận giờ. Rồi ông trời cũng thương tình cho hai vợ chồng có được một đứa con trai lành lặn chứ không bệnh tật như ba mẹ chúng. Dường như đây là phần quà lớn nhất cho vợ chồng chúng tôi”, anh Jit thật thà tâm sự.

Có với nhau một mái ấm đã là hạnh phúc với vợ chồng anh lắm rồi, nhưng muốn giữ được hạnh phúc đó bền lâu thì chắc chắn gánh nặng còn đè lên vai người đàn ông trụ cột như anh Jit nhiều lắm. Với một người mang căn bệnh được xem như “ma ám” thì được mấy ai dám bỏ tiền ra để thuê làm việc. Thế nhưng, được sự cưu mang của bà con làng phong cũng như tâm nguyện được đền đáp cho quê hương thứ hai của mình, anh Đinh Jit đã tự nguyện xin làm công việc trông coi nghĩa trang của những linh hồn xấu số chết vì căn bệnh cùi hủi. Công việc của anh là mỗi ngày đều đến nghĩa trang quét dọn và trồng cây xanh quanh khu nghĩa địa. Tuy rằng thù lao chẳng là bao nhiêu (600.000 đồng/tháng-PV) nhưng với số tiền đó có thể giúp cho gia đình anh có được miếng ăn qua ngày. Hơn nữa, theo như anh tâm sự, anh làm công việc này là để bù đắp công ơn của những người tốt bụng đã cứu sống cuộc đời anh và đã mang đến cho anh những niềm hạnh phúc tột cùng sau quãng thời gian tưởng chừng như đã chết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Phúc – Hà Kiều (Dân Việt/Dòng Đời)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN