Chuyện chưa kể của nữ bác sĩ trẻ 3 tuần chăm sóc bệnh nhân 91, phi công người Anh

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Được điều động khẩn cấp từ Bệnh viện Chợ Rẫy sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để đặt ECMO cho bệnh nhân phi công người Anh, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Hiền đã có 3 tuần theo dõi sát sao từng nhịp thở của bệnh nhân đặc biệt này.

Nữ bác sĩ Huỳnh Thị Thu Hiền.

Nữ bác sĩ Huỳnh Thị Thu Hiền.

 Sự cố liên tiếp xảy ra

Trở về khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) của Bệnh viện Chợ Rẫy sau 14 ngày cách ly, nữ bác sĩ trẻ luôn nở nụ cười khi được hỏi về những ngày tháng đặc biệt chăm sóc bệnh nhân phi công người Anh.

Chị kể: "Tôi vừa xong ca trực đêm, chưa kịp thay đồ để về nghỉ thì nhận được lệnh phải sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới ngay. Tôi vẫn nhớ hôm đó là sáng thứ 2 ngày 6/4. Không kịp nghỉ ngơi, không có cả thời gian chuẩn bị đồ đạc mang theo, tôi và một bác sĩ nữa trong khoa cấp tốc sang hỗ trợ cho bệnh nhân. Mọi vật dụng, đồ đạc được các anh chị trong khoa chuẩn bị giúp, đến chiều hôm đó mới mang sang cho chúng tôi.

Khi nhận được lệnh, chúng tôi đã xác định sang đến đó là phải đặt ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể) cho bệnh nhân ngay, nhưng quả thật không thể ngờ được là bệnh nhân này có quá nhiều biến cố đến như vậy. Đây là bệnh nhân ECMO phổi nặng nhất từ trước đến giờ mà tôi từng gặp".

Bác sĩ Hiền cho biết, bệnh nhân kháng thuốc chống đông nên ngay trong ngày đầu tiên đặt máy, máu đã đông đặc khiến các bác sĩ phải thay màng EMCO ngay trong ngày. Sau đó tiếp tục xảy ra tình trạng huyết khối trong hệ thống dây dẫn, buộc phải thay ống canuyn (dụng cụ mở khí quản cho bệnh nhân - PV).

Chỉ trong 3 tuần "đóng quân" tại khu vực điều trị đặc biệt này, các bác sĩ đã phải thay màng ECMO 3 lần cho bệnh nhân phi công người Anh.

Bác sĩ Hiền kể: "Bệnh nhân nằm trong phòng áp lực âm, mọi điều kiện chăm sóc cũng cực hơn các bệnh nhân khác với các đồ và vật dụng bảo hộ. Hai bác sĩ từ Bệnh viện Chợ Rẫy sang hỗ trợ phải trực luân phiên 24 tiếng, phối hợp cùng các bác sĩ khác trong viện để chăm sóc bệnh nhân. Mỗi ngày, bác sĩ ICU phải vào đánh giá bệnh nhân 3-4 lần, những ngày bệnh nhân chuyển nặng thì gần như ở luôn trong phòng".

Đây là bệnh nhân nặng nhất, diễn biến bệnh phức tạp nên các bác sĩ phải liên tục báo cáo tình trạng và nhận chỉ đạo từ Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bộ Y tế.

Sau 3 tuần "trực chiến", bác sĩ Hiền được rút về khoa ICU, đổi ca cho một bác sĩ khác sang trực thay.

Nở nụ cười bẽn lẽn, bác sĩ Hiền bật mí: "Em được rút về khoa không chỉ vì đã 3 tuần trực liên tiếp mà còn vì em… chuẩn bị làm đám cưới nữa nên lãnh đạo trong khoa cũng thông cảm, tạo điều kiện".

BS Hiền đang theo dõi một bệnh nhân nặng tại khoa ICU

BS Hiền đang theo dõi một bệnh nhân nặng tại khoa ICU

 Chưa thể tiên lượng khả năng phục hồi của bệnh nhân

BSCK 2 Phan Thị Xuân, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ngay khi nhận được chỉ đạo hỗ trợ cho bệnh viện bạn để điều trị bệnh nhân người Anh, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử 3 bác sĩ sang trực tiếp bên đó gồm 2 bác sĩ khoa ICU và 1 bác sĩ khoa lồng ngực. Các bác sĩ này có nhiệm vụ đặt máy ECMO, theo dõi chạy máy, phối hợp cùng các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM trong quá trình điều trị bệnh nhân.

Chia sẻ về bệnh nhân 91, BS Xuân cho biết, trong cơ thể bệnh nhân có kháng thể kháng lại thuốc kháng đông nên điều trị rất khó. Các bác sĩ phải mất một thời gian để chẩn đoán chính xác, tìm thuốc đặc hiệu nên chính trong quá trình chờ đợi đó, bệnh nhân chuyển nặng rất nhanh. Hiện giờ bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO. Việc bệnh nhân phải chạy EMCO kéo dài đến gần 50 ngày sẽ để lại một số di chứng như "lờn" (nghiện) thuốc an thần và một số thuốc khác.

Bên cạnh đó, chi phí để duy trì EMCO rất tốn kém, trung bình số tiền để chạy EMCO một ngày khoảng 20 triệu đồng, chưa tính khoảng 200 triệu đồng cho lần đặt máy đầu tiên và các vật tư tiêu hao như thay màng EMCO, thay ống canuyn… Tình trạng bệnh nhân rất nặng nên đến thời điểm này, các bác sĩ cũng không đưa ra tiên lượng gì về khả năng hồi phục của bệnh nhân phi công này.

Ngày 19/5, theo Sở Y tế TP.HCM, tình trạng bệnh nhân 91 không sốt, mạch và huyết áp ổn định, chức năng phổi cải thiện, đang tiếp tục thở máy, tiên lượng còn nặng. Bệnh nhân vẫn nằm yên, sử dụng thuốc an thần được điều trị kháng sinh, kháng nấm.

Tính đến ngày hôm nay, bệnh nhân đã được hỗ trợ hô hấp mở khí quán ngày thứ 26 và sử dụng ECMO ngày thứ 43. Theo Tiểu ban điều trị - Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, hiện bệnh nhân 91 đang chờ kết quả cấy virus.

Trước đó, chiều 18/5, bệnh nhân 91 được đưa đi chụp CT Scan để đánh giá lại, chuẩn bị cho phương án ghép phổi. Kết quả CT Scan đang được các chuyên gia phân tích. Dự kiến chiều nay hội đồng chuyên môn Bộ Y tế sẽ hội chẩn với bệnh viện để quyết định phương án điều trị.

Nguồn: [Link nguồn]

Sức khỏe của phi công người Anh mắc COVID-19 đã có “ánh sáng cuối đường hầm”

Tiểu ban Điều trị cho biết, tỷ lệ đông đặc phổi của nam phi công người Anh mắc COVID-19 nặng giảm xuống gần 80%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bạch Dương ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN