Chưa cho khai thác hải sản tầng đáy sau sự cố Formosa

“Rạn san hô, thảm cỏ biển là nơi cư trú cho các loài hải sản, muốn khôi phục hệ sinh thái này phải tính bằng hàng chục năm, chứ không đơn giản”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho hay.

Đã 1 năm sau khi xảy ra sự cố môi trường ở miền Trung, về công tác khôi phục lại các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám cho biết: “Sau 1 năm môi trường biển đã phục hồi và khai thác, nuôi trồng, chế biến đã trở lại gần như bình thường. Tuy nhiên, còn tầng đáy thì chưa cho khai thác, ven bờ nguồn lợi chưa phục hồi được như trước”.

Chưa cho khai thác hải sản tầng đáy sau sự cố Formosa - 1

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám

Cụ thể, khai thác xa bờ đã khôi phục được 70-80%. Tại bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, tổng sản lượng khai thác giảm 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái trước sự cố.

Nuôi trồng thủy sản hiện nay đã khôi phục gần như toàn bộ, chỉ có Hà Tĩnh, Quảng Bình kém hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Về chế biến, hiện nay sản phẩm tồn kho đã được phân loại và những sản phẩm không đảm bảo an toàn đã tiêu hủy; những sản phẩm an toàn đã từng bước được tiêu thụ, những sản phẩm mới khai thác đến đâu hết đến đó.

“Chúng tôi đảm bảo chưa cho khai thác hải sản tầng đáy đến hết 6 tháng đầu năm 2017. Hiện nay Bộ đang điều lực lượng kiểm ngư của Trung ương vào để giúp các địa phương hướng dẫn và khuyến cáo ngư dân không khai thác cá tầng đáy để giúp người tiêu dùng yên tâm hoàn toàn hải sản”, Thứ trưởng cho hay.

Thứ trưởng cho biết, khó khăn nhất hiện nay là khôi phục hồi hệ sinh thái đáy biển. Rạn san hô, thảm cỏ biển là nơi cư trú cho các loài hải sản, muốn khôi phục hệ sinh thái này phải tính bằng hàng chục năm.

“Điều tôi trăn trở nhất là làm sao ngư dân ở 4 tỉnh có việc làm ổn định và người ta trở lại biển một cách bình thường và sinh nhai được bằng chính nghề lao động trên biển của họ. Thứ hai là làm sao phục hồi được các hệ sinh thái để phục hồi nguồn lợi thủy sản. Đây là giải pháp rất quan trọng để phát triển bền vững ngành thủy sản nói chung, trong đó là đảm bảo sự ổn định đời sống bền vững cho người dân”, ông nói.

Cũng theo Thứ trưởng, đây là lần đầu tiên và là sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng của Việt Nam.

“Đây có lẽ là bài học xương máu không phải chỉ cho 4 tỉnh và không phải chỉ đối với biển mà đối với tất cả các dự án khác đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là bài học rất đắt giá”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Mới đây, tại cuộc họp lần thứ VII của Ban chỉ đạo khắc phục sự cố, ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh cho người dân bốn tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các tỉnh tiếp tục vận động ngư dân không đánh bắt hải sản tầng đáy ở khu vực 20 hải lý trở vào bờ, cho đến khi Bộ Y tế có kết luận về an toàn thực phẩm đánh bắt tại khu vực này và nguồn lợi thủy sản đã được khôi phục.

Về đền bù thiệt hại cho người dân, Phó thủ tướng yêu cầu các tỉnh hoàn thành chi trả phần kinh phí đền bù đã được tạm cấp trước ngày 30-6 và có đề xuất tiếp tục để Bộ Tài chính tiếp tục chi trả.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên - Môi trường giám sát chặt chẽ công ty Formosa hoàn thành tiến độ khắc phục sự cố và tuân thủ pháp luật.

Giao Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ Khoa học - công nghệ và Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN cập nhật, theo dõi môi trường nước biển, an toàn thực phẩm với hải sản khai thác ở miền Trung và công khai thông tin cho người dân.

Nghệ An: Vớt được đường ống “khủng“ nghi ống xả thải

Trong lúc đánh bắt cá, ngư dân đã vớt được một đoạn đường ống dài nghi đường ống xả thải ngầm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Điện Thủy (Infonet)
Cá chết hàng loạt ở biển miền Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN