Cho hàng loạt công nhân nghỉ việc vì lỗ nặng

Trước vụ việc hàng chục cán bộ, công nhân của công ty CP Thiết bị Giáo dục (Bộ GD-ĐT) tụ tập đòi giải quyết quyền lợi, chiều nay, ban lãnh đạo doanh nghiệp này đã chính thức trả lời báo chí.

Phía công ty CP Thiết bị Giáo dục xác nhận việc đã cho hơn 100 cán bộ, công nhân nghỉ việc là có thật. Trong đó, công ty đang tiến hành làm thủ tục chấm dứt hợp đồng với 71 trường hợp người lao động có hợp đồng lao động ngắn hạn, và 39 trường hợp có hợp đồng dài hạn được cho nghỉ chờ việc không lương.

Như vậy là hơn 100 người lao động sau một thời gian dài gắn bó với công ty này bỗng nhiên lâm vào cảnh thất nghiệp và phải bắt đầu đi tìm công việc mới.

Giải thích lý do vì sao cho người lao động nghỉ việc hàng loạt như vậy, bà Hoàng Thị Kim Loan (Tổng giám đốc công ty CP Thiết bị Giáo dục) cho hay, bởi công ty này đang thua lỗ quá nặng. Bà Loan cho biết, bà bắt đầu tiếp quản chức vụ tổng giám đốc từ đầu tháng 7/2011, nhưng nhận được báo cáo tài chính thì các khoản nợ do người tiền nhiệm (Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Hải) để lại là gần 60 tỷ đồng (gồm các khoản như tiền thuế, tiền bảo hiểm, nợ đối tác...). Theo đó, công ty đã kiệt quệ, không thể đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động nên đành cho họ nghỉ việc.

Bà Loan cũng tuyên bố rằng, thời gian tới có thể sẽ tiếp tục phải cho những người lao động khác nghỉ việc. Thậm chí vị tổng giám đốc này cũng đang tính đến việc kiến nghị lên cơ quan quản lý giải thể công ty.

Trong khi đó, ông Trần Quốc Thịnh (Phó tổng giám đốc) giải thích trường hợp có những người nghỉ hưu vẫn chưa được hưởng chế độ (chẳng hạn như ông Đặng Hùng Lập), bởi công ty đang phải giải quyết nợ đầm đìa, nên chưa thể thực hiện được ngay. Ông Thịnh khẳng định vẫn đang cố gắng tháo gỡ dần để giải quyết chế độ đầy đủ cho những người lao động. Đối với những công nhân nghỉ chờ việc, nếu một thời gian giải quyết xong nợ nần, hoạt động tốt hơn sẽ gọi họ trở lại đi làm. Tuy nhiên khi được hỏi, dự kiến là bao giờ thì ông Thịnh không dám chắc.

Tuy nhiên, về thông tin những công nhân cho rằng công ty đơn phương cho họ nghỉ việc mà không có thông báo gì thì ban lãnh đạo phủ nhận.

Trước đó, trả lời phóng viên, ông Đặng Hùng Lập cho hay, ông chưa thấy ai nghỉ hưu mà nhục nhã như ông. Ông đã làm việc tại công ty này gần 40 năm, một thời gian dài là giám đốc Trung tâm nội thất học đường. Trước khi về nghỉ hưu ít tháng, ông được đề bạt lên giữ cương vị Tổng giám đốc công ty. Nhưng 2 tháng sau thì bà Loan lên thay thế. Đúng ngày sinh nhật ông tròn 60 tuổi, khi đang ngồi uống nước quán trà đá thì một cô văn thư đến và đưa cho ông quyết định nghỉ hưu.

Ông Lập cho hay, với một cán bộ công nhân viên trước khi về nghỉ hưu, thường cũng có bữa liên hoan chia tay đồng nghiệp, ít nhất cũng ly trà chén nước. Còn ông Lập ra về lẳng lặng "không cờ, không trống", và đến nay đã 6 tháng chưa được giải quyết chế độ gì.

Ngoài ông Lập, những người lao động nghỉ việc lâu nay, một số người đã phải đi tìm công việc mới, có người chạy vạy khắp nơi làm bất cứ việc gì có thể để cố duy trì cuộc sống, có người tốt nghiệp Đại học nhưng từ lâu vốn gắn bó nơi đây, giờ không thể tìm được việc gì để làm.

Công ty Cổ phần Thiết bị Giáo dục I có địa chỉ tại số 18, ngõ 30 - Tạ Quang Bửu, P. Bách Khoa, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trước đây là doanh nghiệp nhà nước nhưng năm 2004 đã thực hiện cổ phần hóa và vẫn là đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Từ sau cổ phần hóa, lâu nay, doanh nghiệp này đã vướng vào câu chuyện nhập nhằng liên quan đến những khoản nợ lớn đối với nhiều người, kể cả chính cán bộ, nhân viên cũ của mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lệ Vân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN