Chính quyền đô thị TPHCM khác Hà Nội, Đà Nẵng thế nào?

Sự kiện: Thời sự

Cùng được Quốc hội khóa 14 cho phép thực hiện, tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM có nhiều nội dung khác biệt rõ nét so với mô hình thí điểm của TP Hà Nội và TP Đà Nẵng.

Ngày 16/11, kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa 14 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM với tỷ lệ tán thành đạt 87,14% trên tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Theo đó, căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14 và Luật số 47/2019/QH14; Quốc hội quyết nghị Chính quyền địa phương ở TPHCM (sau đây gọi tắt là TP) là cấp chính quyền địa phương, gồm có HĐND TP và UBND TP. Chính quyền địa phương ở quận tại TP là UBND quận.

UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND TP.

Chính quyền địa phương ở phường tại TP là UBND phường. UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này, theo phân cấp của UBND TP, UBND quận, UBND TP thuộc TP và theo ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND quận, TP thuộc TP. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các huyện, TP, xã, thị trấn của TP được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Thành phố Thủ Đức trực thuộc TPHCM trong tương lai sẽ là một cực tăng trưởng mới của đầu tàu kinh tế cả nước

Thành phố Thủ Đức trực thuộc TPHCM trong tương lai sẽ là một cực tăng trưởng mới của đầu tàu kinh tế cả nước

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Việc tổ chức chính quyền đô thị quy định tại Nghị quyết này được thực hiện từ ngày 1/7/2021. Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội được ban hành trước thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này.

Kể từ ngày 1/7/2021, UBND quận, UBND phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị quyết này. Trường hợp chưa bổ nhiệm được Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường thì Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này cho đến khi Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường mới được bổ nhiệm.

Văn bản của chính quyền địa phương ở quận, phường được ban hành trước ngày 1/7/2021, nếu chưa được cơ quan có thẩm quyền thay thế hoặc bãi bỏ thì vẫn được áp dụng.

Theo Đoàn ĐBQH TPHCM, cả nước hiện có 3 thành phố được phép tổ chức chính quyền đô thị, gồm TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và TPHCM.

Cụ thể: Quốc hội có Nghị quyết số 97/2019/QH14 (ngày 27/11/2019) cho phép thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và Nghị quyết số 119/2020/QH14 (ngày 19/6/2020) cho phép thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Theo đó, TP Hà Nội không tổ chức HĐND ở cấp phường còn TP Đà Nẵng không tổ chức HĐND cấp quận, phường.

Kỳ họp thứ 13 HĐND Quận Thủ Đức. Khi tổ chức mô hình chính quyền đô thị, TPHCM sẽ không còn HĐND cấp quận, phường

Kỳ họp thứ 13 HĐND Quận Thủ Đức. Khi tổ chức mô hình chính quyền đô thị, TPHCM sẽ không còn HĐND cấp quận, phường

So với TPHCM, tổ chức chính quyền đô thị tại hai TP Hà Nội và Đà Nẵng có sự khác biệt. Thứ nhất là về cơ sở pháp lý. Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội được xây dựng khi chưa có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019. Do đó, việc không tổ chức HĐND ở các phường là trái pháp luật. Vì vậy, Quốc hội phải có Nghị quyết 97 cho phép thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở phường.

Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng được xây dựng khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 chưa có hiệu lực thi hành. Nghị quyết số 119 còn có một số nội dung về chính sách khác quy định ở các luật pháp liên quan. Do đó, Nghị quyết 119 phải cho phép thí điểm việc không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường và các chính sách đặc thù.

Trong khi đó, Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM được xây dựng sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã có hiệu lực. Vì vậy việc không tổ chức HĐND ở phường, quận đã được quy định ở luật khi Quốc hội cho phép.

Khác biệt thứ hai là về cơ sở thực tiễn. Theo Đoàn ĐBQH TPHCM, TP Hà Nội chưa thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội khóa 12.

Kỳ họp thứ 22 HĐND TPHCM diễn ra vào ngày 10/11 vừa qua. Trong tương lai, HĐND TPHCM sẽ thực hiện nhiệm vụ giám sát, đảm bảo quyền lợi cho người dân ở cấp quận, phường. 

Kỳ họp thứ 22 HĐND TPHCM diễn ra vào ngày 10/11 vừa qua. Trong tương lai, HĐND TPHCM sẽ thực hiện nhiệm vụ giám sát, đảm bảo quyền lợi cho người dân ở cấp quận, phường. 

Trong khi đó, TPHCM và TP Đà Nẵng là hai thành phố thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội. TPHCM đã có kinh nghiệm thực tiễn hơn 6 năm từ kết quả thành công của quá trình thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trên diện rộng. Số lượng đơn vị hành chính thí điểm nhiều nhất cả nước (gồm tất cả 24 quận, huyện và 259 phường) từ năm 2009 đến năm 2016 theo Nghị quyết số 26 của Quốc hội và việc thí điểm đạt kết quả tốt.

Thứ ba là khác biệt về tổ chức chính quyền đô thị. Tại TP Hà Nội, theo Nghị quyết số 97, chính quyền địa phương của thành phố, quận, huyện, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở phường thuộc quận là UBND phường.

Còn tại TP Đà Nẵng, theo Nghị quyết 119, chính quyền địa phương ở TP, huyện, xã là cấp chính quyền địa phương, gồm có HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở các quận và phường thuộc quận tại thành phố là UBND quận, UBND phường. Trong khi đó tại TPHCM, chính quyền địa phương ở TPHCM, thành phố thuộc TPHCM; huyện, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở quận và phường tại TPHCM là UBND quận, UBND phường.

Theo Đoàn ĐBQH TPHCM, việc tổ chức chính quyền đô thị không chỉ bao gồm quy định bộ máy chính quyền địa phương có tính đặc thù ở đô thị lớn mà có các quy định đặc thù về phân cấp quản lý, chính sách tài chính để làm cho bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả cao hơn, tự chịu trách nhiệm cao hơn.

Các nội dung này đối với TPHCM đã được Quốc hội quy định qua một Nghị quyết riêng. Đó là Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Vì vậy, thực hiện chính quyền đô thị ở TPHCM theo Đề án Chính phủ trình Quốc hội mang tính đồng bộ, toàn diện, khác với khi 2 TP Hà Nội và Đà Nẵng thực hiện thí điểm chính quyền đô thị.

Nguồn: [Link nguồn]

Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM

Sáng 16-11, với 87,14% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về tổ chức...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huy Thịnh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN