Cây ATM: 1001 kiểu "đày đọa" khách hàng

Tiện ích từ ATM có nhiều nhưng những kiểu đày đọa khách hàng của công cụ rút tiền hiện đại này cũng không thiếu.

Hết tiền là… bệnh kinh niên

Cứ mỗi dịp cao điểm như vào ngày nghỉ lễ kéo dài hay tết Nguyên Đán, người dân lại dở khóc dở cười, có tiền mà không được tiêu chỉ vì ATM… hết tiền.

Nghe có vẻ hơi “phi lý” bởi chỉ người dân mới hết tiền chứ ngân hàng tiêu đời nào cho hết nhưng đây lại là căn bệnh kéo dài thường xuyên của ATM khiến hàng nghìn người khổ sở.

Hôm 11/11 vừa qua, hàng trăm công nhân tại Bình Dương đã phải xếp hàng, phơi nắng chờ rút tiền vì hàng loạt trụ ATM của nhiều ngân hàng trên địa bàn này lại bệnh cũ tái phát.

Hầu hết các trụ ATM của Sacombank, Techcombank, BIDV... đều không rút được tiền. Do đó, công nhân ùn ùn kéo nhau qua trụ ATM của Vietcombank gây nên cảnh tắc nghẽn, chen lấn, xô đẩy. Tại các điểm ATM của Vietcombank trên đại lộ Bình Dương thuộc phường Thuận Giao (TX.Thuận An) và phường Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một) có hàng trăm công nhân phải đứng phơi nắng ngoài đường để chờ đến lượt rút tiền.

Anh Huỳnh Văn Hóa (công ty nhôm kính trong KCN VSIP1) bức xúc: “Suốt từ 6 giờ sáng đến giờ em đi rút ở nhiều trụ ATM đều không thể được, kể cả rút tại trụ ATM chính của Ngân hàng BIDV là ngân hàng công ty em trả lương qua tài khoản”.

Cây ATM: 1001 kiểu "đày đọa" khách hàng - 1

Công nhân đứng phơi nắng, xếp hàng chờ rút tiền tại Bình Dương

Theo phản ánh của nhiều công nhân, các trụ ATM trên địa bàn Bình Dương thường xuyên xảy ra tình trạng hết tiền hoặc không giao dịch được vào các ngày thứ bảy và chủ nhật gây rất nhiều phiền toái. Chị Nguyễn Thị Hoa (P.Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một) bức xúc: “Vào các ngày từ thứ hai đến thứ bảy thì tụi em phải đi làm, được ngày chủ nhật nghỉ đi mua đồ ăn cho cả gia đình thì không rút được tiền. Nếu đạp xe đi tìm các trụ ATM khác thì rất mất thời gian, hoặc rút ở ngân hàng khác thì phải chịu phí”.

Không chỉ tại Bình Dương mà hết tiền đã trở thành căn bệnh “kinh niên” của ATM mọi ngân hàng tại mọi địa phương khiến người dân gặp nhiều bức xúc, phiền toài.

Thót tim vì tiền bỗng dưng “bốc hơi”

Chỉ rút vài trăm nghìn nhưng hệ thống lại báo tới vài triệu đồng hay đã trừ tiền trong tài khoản nhưng ATM nhất định không chịu “nhả” tiền… là những tình huống “thót tim” mà nhiều người găp phải.

Cao Tiến Hà, sinh viên trường ĐH Thương Mại, Hà Nội cho biết, một lần anh Hà có ra rút tiền bằng thẻ ATM (số thẻ: 6201 6301...) của Vietinbank tại cây ATM của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trước cổng trường Đại Học Thương Mại (Mai Dịch, Cầu Giấy, HN), số tiền rút là 1.650.000 đồng.

Tuy nhiên, khi đặt lệnh rút tiền thì màn hình máy rút tiền hiển thị dòng thông báo “Giao dịch không thực hiện được”. Nghĩ là máy có trục trặc, anh Hà thực hiện lại giao dịch rút tiền một lần nữa song kết quả cũng tương tự nên đã quay vào lớp học.

"Buổi chiều khi học xong, tôi quay lại cây ATM này để thực hiện tiếp hai lần giao dịch rút tiền, mỗi lần rút 1.650.000 đồng nhưng vẫn không được. Khi về nhà, vấn tin tài khoản thẻ trên mạng mới phát hiện số tiền này (1.650.000 đồng) đã bị trừ vào tài khoản của mình", anh Hà cho biết.

Anh Hà đã liên hệ với Trung tâm thẻ của Vietinbank để giải quyết nhưng phải sau rất nhiều lần lên xuống làm thủ tục gần 2 tháng trời, số tiền bị trừ oan mới quay về với “khổ chủ”.

Cây ATM: 1001 kiểu "đày đọa" khách hàng - 2

Tiền đã trừ trong tài khoản nhưng ATM nhất quyết không "nhả" tiền ra (Ảnh minh họa)

Còn anh Đinh Hà, nhà ở Quận Hai Bài Trưng đang dùng thẻ Ngân hàng BIDV được phen hoảng hồn khi chỉ rút 500.000 đồng ở ATM của Vietcombank nhưng hệ thống lại báo đã rút tới 5 triệu đồng. Ngay sau đó anh Hà chạy sang cây ATM cũng của Vietcombank nằm cạnh đó để kiểm tra, thì thấy tài khoản chỉ bị trừ đi 500.000 đồng. Nghĩ mình nhìn nhầm, nên anh yên tâm rút tiếp, nhưng sau khi bấm rút được 2 triệu đồng, tài khoản của anh được máy báo đã “bốc hơi” tới hơn 9 triệu đồng.

Nhiều trường hợp còn thực hiện lệnh thành công, tiền trừ trong tài khoản nhưng ATM thì nhất định không chịu "nhè" tiền ra.

Hồng Sâm, sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân đang dùng thẻ ATM của Viettinbank cho biết một lần đi rút 2 triệu đồng, sau khi thực hiện các bước nhưng đứng chờ mãi mà chỉ nghe thấy tiếng sột soạt của máy đếm tiền bên trong. Chờ thêm tới vài phút, máy chỉ “nhè” ra thẻ và báo lỗi, còn tiền thì mất hút. Nghĩ do máy hết tiền Sâm liền chạy sang cây ATM của Vietinbank nằm kế bên, nhưng cũng không được. Kiểm tra lại tài khoản, đã bốc hơi 2 triệu.

Cô sinh viên này, sau đó phải mất khá thời gian đến Vietinbank trình bày… xin lại tiền. “Thật là bực mình và mất thời gian”, Sâm nói.

Đi rút tiền bị ATM “phóng” điện, giật tê người

Anh Nguyễn Công Thanh ở TP HCM từng một phen hú vía khi giao dịch tại máy ATM Vietcombank ở 917 Phan Văn Trị, phường 7, quận Gò Vấp bị điện giật đến tê người. Sau đó, anh Thanh phải dùng giấy cách điện để thực hiện tiếp giao dịch.

Không ít khách hàng cũng gặp tình trạng tương tự như anh Thanh. Mới đây trong cơn mưa, chị Thanh Phương, ngụ ở quận 3 đến rút tiền tại ATM Vietcombank, góc đường Trương Định - Nguyễn Thị Minh Khai, cũng có phen hú vía khi vừa chạm vào máy đã giật bắn mình. "Cảm giác điện giật thể hiện rất rõ", chị Phương cho biết.

Tình trạng rò điện tại ATM cũng từng khiến một bé gái 4 tuổi mất mạng. Chiều 1/4 sau khi tan học, em Châu Linh Uyên (10 tuổi), học sinh lớp 4 trường tiểu học Nguyễn Thái Bình (quận 1, TP HCM) đứng chơi cạnh buồng ATM Agribank thì bất ngờ bị co rút, bất tỉnh và tử vong sau đó.

Tại hiện trường nơi bé Uyên gặp nạn, Phòng kỹ thuật Điện lực Sài Gòn phát hiện toàn bộ buồng ATM phía bên ngoài có hiện tượng rò rỉ điện. Nguồn điện được xác định từ tòa nhà đặt phòng giao dịch ngân hàng Agribank. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết của bé Uyên.

Sau vụ việc, hàng loạt máy ATM được kiểm tra về việc rò điện. Tại Hà Nội, con số ATM bị rò điện khiến nhiều người choáng váng. Ngưỡng rò điện có thể chết người là 50V, nhưng thực tế kiểm tra tại Hà Nội, mức này hãy còn là “nhẹ”, có cây ATM đã rò tới 90,6V. Riêng tại quận Hai Bà Trưng đã phát hiện tới 30 cây ATM bị rò rỉ điện trên tổng số 96 cây ATM được kiểm tra. Số cây ATM tại Hà Nội bị phát hiện rò rỉ điện ở mức chết người ngày càng tăng, điện áp "mát" ra ngoài vượt xa con số 50V.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyên Đan (Kiến thức)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN