Cần xác định rõ các khoản miễn thuế TNCN

Từ ngày 1/7, chính thức nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế lên 9 triệu đồng và cho một người phụ thuộc lên 3,6 triệu đồng.

Trên 9 triệu đồng/người/tháng mới phải nộp thuế

Từ ngày 1/7, luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực, chính thức nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế lên 9 triệu đồng/tháng và cho một người phụ thuộc lên 3,6 triệu đồng/tháng.

Mức này thay cho mức hiện tại, 4 triệu đồng/tháng cho bản thân người nộp thuế và 1,6 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc.

Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Theo quy định mới, người có thu nhập từ 12,6 triệu đồng/tháng trở xuống và có nuôi 1 người phụ thuộc chưa phải nộp thuế. Ví dụ, trường hợp người có thu nhập 10 triệu đồng/tháng và có một người phụ thuộc. Nếu trước đây nộp thuế 220 nghìn đồng/tháng thì nay sẽ không phải nộp.

Cần xác định rõ các khoản miễn thuế TNCN - 1

Mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân là 9 triệu đồng/tháng (Ảnh minh hoạ)

“Không quản được thì không nên thu”

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, có khoảng hơn 2 triệu người đang nộp thuế thu nhập từ tiền lương, tiền công... sẽ không thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân. Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực, nâng mức giảm trừ gia cảnh... đang tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Điều này cho thấy, trong tình hình nền kinh tế còn khó khăn, việc giảm mức điều tiết thuế thể hiện sự quan tâm và chia sẻ kịp thời của Chính phủ đối với người dân.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế, cần sự rõ ràng, minh bạch khi xác định các khoản thu nhập chịu thuế, không chịu thuế, miễn thuế. Các văn bản dưới Luật phải hướng dẫn cụ thể cách xác định thống nhất các khoản chịu thuế, không chịu thuế, như khoản tiền ăn giữa ca, công tác phí, tiền điện thoại, văn phòng phẩm, trang phục...

Bà Cúc nói: “Không quản lý được thì không nên thu”. Bởi trong thực tế các khoản lợi ích mà người nộp thuế nhận được từ cơ quan chi trả thu nhập rất đa dạng, nếu đưa vào tất cả các khoản lợi ích vật chất thì khó có thể quản lý thu đầy đủ.

Bà Cúc cũng cho rằng, thuế thu nhập cá nhân chủ yếu thực hiện biện pháp khấu trừ tại nguồn... tuy nhiên việc kiểm tra kiểm soát khấu trừ thuế chưa chặt chẽ cùng với thị trường tiền mặt khá phổ biến nên dẫn đến tình trạng chưa bình đẳng trong thu thuế.

Các cá nhân làm việc tại các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, văn phòng đại diện... được cơ quan chi trả thực hiện khấu trừ thuế tương đối đầy đủ, nghiêm túc. Ngược lại các cá nhân hành nghề có thu thu nhập vãng lai nhiều nơi: bán hàng đa cấp, bán hàng qua mạng, ca sỹ, nghệ sỹ, người mẫu... vẫn chưa kiểm soát được thu nhập dẫn đến thiếu bình đẳng về nghĩa vụ thuế...

Dự kiến, trong tuần này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn và sau đó Bộ Tài chính cũng sẽ ban hành thông tư hướng dẫn.

* Download file tính Thuế Thu nhập cá nhân TẠI ĐÂY

Về thu nhập tính thuế:

Thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công là tổng thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Luật này, trừ các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, quỹ hưu trí tự nguyện, các khoản giảm trừ quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này.

Thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm:

a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;

b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản: phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động; trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN