Cấm từ chức để trốn tránh trách nhiệm

Các chức danh chủ chốt của bộ máy nhà nước sẽ được thí điểm lấy phiếu tín nhiệm trong thời gian tới, sau khi Nghị quyết lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm được thông qua vào ngày 21/11 tới.

Như cơm ăn nước uống hàng ngày

Sáng 10/11, thảo luận Dự thảo Nghị quyết lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, ban đầu nên thực hiện trong phạm vi 49 chức danh chủ chốt tại Quốc hội, sau đó có thể mở rộng. Lấy phiếu cần làm thường xuyên như phải ăn cơm, uống nước hàng ngày, nhưng cũng phải ràng buộc để đảm bảo không lạm dụng, hoặc làm qua loa cho xong.

Việc này cũng như đo xem mặc áo có vừa vặn không. “Nếu nhận thấy áo quá rộng hay quá chật cũng nên có ý kiến để được bố trí mặc chiếc áo khác, đó là văn hóa từ chức” - ĐB Khá nói.

Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) đề nghị Quốc hội cần thực hiện công tâm, khách quan để tránh bị nhóm lợi ích chi phối. Quốc hội cần căn cứ cả ý kiến của cử tri khi lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm.

Nhiều ĐB đồng tình quan điểm thu hẹp đối tượng lấy phiếu, sẽ tập trung vào các chức danh chủ chốt của Nhà nước (49 chức danh) và ở địa phương (khoảng 21 chức danh).

Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) cho rằng, chỉ nên bỏ phiếu với một số chức danh là những người có chức trách cao nhất trong bộ máy nhà nước.

Theo ĐB Tường, quyền năng của QH là thể hiện tín nhiệm với chức danh do chính mình bầu, phê chuẩn.

Tuy nhiên, trong số 5 điều kiện để đưa cán bộ ra bỏ phiếu thì có tới 2 điều kiện khó khả thi. “Cán bộ lãnh đạo thì phải có vào có ra, có lên có xuống. Đây cũng là thông điệp tới các vị lãnh đạo rằng nhiệm kỳ 5 năm không dài, cần toàn tâm toàn ý phục vụ quốc gia ngay từ ngày đầu nhậm chức”- ông Tường nói.

Cấm từ chức để trốn tránh trách nhiệm - 1

Dự thảo Nghị quyết lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm thu hút nhiều ý kiến của ĐBQH.  Ảnh: TTXVN

Cấm từ chức để trốn tránh trách nhiệm

Về thời điểm, các ĐB kiến nghị quy định thời điểm lấy phiếu là ở kỳ họp cuối năm, bắt đầu từ năm thứ 2 của nhiệm kỳ Quốc hội. Lúc đó ĐB mới có thời gian quan sát, nắm rõ hiệu quả hoạt động trong một năm của các chức danh trước khi lấy phiếu tín nhiệm.

Theo ĐB Phạm Văn Tam (Hà Nam), Nghị quyết phải đưa ra quy định chặt chẽ về vấn đề cán bộ tự nguyện xin từ chức. Và mỗi cán bộ lãnh đạo nên có tư duy xem từ chức là chuyện bình thường khi chưa hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng cần đề phòng một số vị từ chức để trốn tránh trách nhiệm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận phiên họp: Việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là việc quan trọng, do đó, trước mắt Quốc hội sẽ thí điểm ở các chức danh chủ chốt của Nhà nước, địa phương.

Sau này, khi thực hiện hiệu quả sẽ mở rộng ra các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Dự thảo Nghị quyết sẽ được hoàn thiện, thông qua vào ngày 21/11.

Các chức danh sẽ lấy phiếu tín nhiệm gồm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước. HĐND thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do HĐND bầu gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ủy viên thường trực Hội HĐND, Trưởng các ban của HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên của UBND.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Tuấn (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN