"Chống tham nhũng như đánh trận giả"

Quy định về các thủ tục phát hiện và xử lý đối tượng tham nhũng vẫn còn bất cập, lỏng lẻo chính là nguyên nhân khiến Luật Phòng, chống tham nhũng ra đời được 7 năm, nhưng cuộc chiến này vẫn chỉ được xem là “đánh trận giả”.

Đa số đại biểu Quốc hội nhận định như vậy tại phiên thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Thất bại của Luật đã được báo trước

7 năm về trước (2005), chính đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng đã nhấn vào nút đồng ý thông qua Luật phòng chống tham nhũng vì ông ví dự luật này ra đời sẽ giống như việc rèn thanh "Thượng phương bảo kiếm".

“Tôi cũng đã từng cho rằng đây là trận đấu cuối cùng nhưng tới bây giờ “trận cuối cùng” ấy 7 năm trường kỳ vẫn chưa hiệu quả. Điều đó nói lên rằng luật hiện hành thông qua năm 2005 đã thất bại. Nếu luật làm tốt, hẳn không có Vinashin, Vinalines. Chúng ta chống tham nhũng như đánh trận giả, khi ra trận súng nổ rất to nhưng đạn không có đầu nên không ai bị gì...”, ông Quốc thẳng thắn thừa nhận.

Cũng theo đại biểu Dương Trung Quốc, cùng thời điểm ra đời của dự Luật, thuật ngữ “vừa đá bóng, vừa thổi còi” đã xuất hiện càng như “điềm báo” trước. “Quốc nạn này ngày càng trầm trọng. Tham nhũng chủ yếu ở những người có quyền, và muốn có chức quyền thì phải là Đảng viên. Chính vì vậy, điểm mấu chốt của vấn đề là không giao cho Chính phủ mà phải giao cho Đảng chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng”, đại biểu nhận định.

Đại biểu Dương Trung Quốc nhắc lại sự kiện: Năm 1945 ngay sau khi ký sắc lệnh thành lập cơ quan dân cử địa phương, Hồ Chủ tịch cũng đã lập ra 2 cơ quan gồm Ban Thanh tra đặc biệt và Tòa án đặc biệt chuyên xét xử những quan chức cao cấp. Qua đó, Hồ Chủ tịch đề xuất thành lập cơ quan độc lập chuyên trách phòng chống tham nhũng, nhằm tạo cơ chế thích hợp bảo đảm khách quan, công tâm hợp lòng dân…

"Chống tham nhũng như đánh trận giả" - 1

Đại biểu Dương Trung Quốc: Chúng ta chống tham nhũng như đánh trận giả

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) kiến nghị cần làm rõ một trong những nguyên nhân phải sửa đổi bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng là việc xử lý tội phạm tham nhũng chưa thật nghiêm, chưa đáp ứng được nguyện vọng và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân. “Với tham nhũng không phải phòng chống nữa mà phải tiêu diệt. Phải coi tội tham nhũng là một trong những tội nặng nhất, chống lại chế độ, chống lại nhân dân. Trên quan điểm đó, chúng ta phải xử lý thật nghiêm thì mới đem lại hiệu quả thiết thực”, ông Minh nói.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề nghị, không được đặc xá, giảm án và tuyên án treo cho tội phạm tham nhũng. "Cần coi tham nhũng như tội phản quốc, buôn ma túy. Nếu không làm như thế thì chống tham nhũng không có hiệu quả", đại biểu Thuyền nói.

"Chống tham nhũng như đánh trận giả" - 2

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Không được đặc xá, giảm án và tuyên án treo cho tội phạm tham nhũng (Ảnh: Vietnamnet)

Luật mới cũng còn nhiều hạn chế

Nêu ra hàng loạt bất cập trong dự Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng nhiều quy định, chế tài cần được bổ sung, sửa đổi thì lại vẫn bê nguyên luật cũ, trong khi đó những vấn đề được bổ sung trong dự thảo thì lại cho thấy còn nhiều hạn chế.  Cụ thể, đại biểu Cường đã chỉ ra 5 nhóm vấn đề còn hạn chế trong dự thảo sửa đổi gồm: chưa làm rõ thế nào là dấu hiệu tham nhũng, khi phát hiện thì lại không biết giải trình, giải quyết như thế nào; một số quy định mâu thuẫn với nhau; một số quy định thủ tục phức tạp rườm ra không cần thiết; nhiều quy định chưa hợp lý dẫn tới nhiều ý kiến khác nhau…

Đặc biệt, về phát hiện tham nhũng, nhiều đại biểu nhấn mạnh vai trò của người dân và báo chí cần phải được thể hiện rõ ngay trong những điều khoản quy định, đặc biệt là cơ chế bảo vệ người tố cáo, phóng viên khi điều tra phản ánh. Vì thực tế thời gian qua, đại đa số vụ việc phát hiện tham nhũng là do báo chí, người dân, còn lại các cơ quan đoàn thể, cấp ủy phát hiện rất ít.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) phân tích: “Khi một người có chức vụ có hành vi tham nhũng, người dân và báo chí sẽ chủ động phanh phui hơn là cán bộ cấp dưới. Người dân chủ động phát hiện tố cáo vì họ ở tư thế là người bị hại, là người đóng thuế nuôi cán bộ, cán bộ là người dân ủy thác và là công bộc của dân”.

Về tính khả thi của dự Luật, đại biểu Dương Trung Quốc đặt câu hỏi. “Thử hỏi một nhân viên khi phát hiện dấu hiệu sếp mình sai phạm liệu có dám yêu cầu cho mình tiếp cận với những số liệu, chứng cứ xác minh sai trái của sếp mà vẫn được giữ nguyên chức tước hay không? Có phải cứ bắt tận tay, day tận mặt hành vi trao tiền cho nhau thì mới gọi là hối lộ?”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng dự thảo Luật chưa làm tốt vai trò bảo vệ người tố cáo, thậm chí còn tạo thêm những điều kiện, quy định ràng buộc gây cản trở, làm nản quyết tâm người tố cáo chống tham nhũng.

Cũng tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung các hành vi tham nhũng như nhận quà trị giá cao, ra quyết định sai nhằm mục đích lợi ích nhóm…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyết Mai ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN