Các nước hậu Xô Viết lập lá chắn tên lửa
Hôm qua, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga cho biết Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), liên minh quân sự gồm sáu nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ do Nga đứng đầu đang có kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa chung.
“Cơ cấu quân đội các nước CSTO sẽ được nâng cấp và một hệ thống phòng thủ tên lửa/phòng không tích hợp sẽ được xây dựng”, Đại tướng Valery Gerasimov phát biểu trong một cuộc họp với các tùy viên quân sự nước ngoài ở Moscow.
Các thành viên hiện tại của CSTO gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan.
Đại tướng Gerasimov không cung cấp thông tin chi tiết về khung thời gian của dự án này mà chỉ nói rằng “một ủy ban quân sự CSTO” sẽ được thiết lập trước cuối năm nay.
Moscow đã tỏ ra rất sốt ruột trước kế hoạch triển khai các đơn vị phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu mặc dù NATO và Mỹ luôn nhấn mạnh rằng lá chắn của họ chỉ bảo vệ các thành viên NATO chống lại tên lửa từ Triều Tiên và Iran chứ không nhằm vào Nga.
Tuy nhiên, ý tưởng về một hệ thống phòng thủ tên lửa chung do Nga đề xuất vẫn bị nhiều chuyên gia cả trong và ngoài nước cho là không khả thi và không thực tế.
Nikolai Makarov, người tiền nhiệm của tướng Gerasimov từng nổi tiếng với tuyên bố Nga sẽ không loại trừ một cuộc tấn công phủ đầu chống lại hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO ở châu Âu nếu cấp thiết.
Năm ngoái, Tổng thống Dmitry Medvedev khi đó đã công bố kế hoạch triển khai các tên lửa Iskander ở vùng cực Tây Kaliningrad của Nga để đối trọng với các mối đe dọa từ hệ thống của Mỹ.