“Bom hơi” đầy phố

Trong khi bình bơm hơi được bày bán và sử dụng tràn lan, ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm cho cộng đồng thì không cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm quản lý.

Sau vụ nổ xảy ra ở thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP HCM làm một bé trai 13 tuổi thiệt mạng (Báo Người Lao Động đã thông tin), chúng tôi ghi nhận tình trạng mua bán, sử dụng loại "bom hơi" nguy hiểm này tràn lan tại TP.

Bày bán khắp nơi

Đoạn đường Tô Ngọc Vân (phường Linh Đông, quận Thủ Đức) tập trung khá nhiều cửa hàng kim khí điện máy có kinh doanh các loại máy nén khí, bơm hơi.

Chúng tôi ghé vào tiệm H.T, liền được một thanh niên chỉ vào 2 chiếc máy bơm hơi màu xanh chào giá 1,5 triệu đồng/chiếc: "Máy mới 100%, hàng Đài Loan, xài tốt lắm, biết giữ thì sử dụng được mấy chục năm". Khi chúng tôi hỏi về nhãn hiệu sản phẩm, người này đánh trống lảng: "Yên tâm đi, cửa hàng sẽ bảo hành 1 tháng. Bao nhiêu người xài rồi, có sao đâu?".

Tại cửa hàng kim khí điện máy Q.B, mặt hàng máy nén khí, bơm hơi được trưng bày nhiều hơn, đa dạng về kích cỡ, màu sắc, thương hiệu… Đon đả, chủ cửa hàng giới thiệu: "Máy của Việt Nam loại 24 lít giá 1,7 triệu đồng, loại 90 lít giá 2,9 triệu đồng. Nếu mua về sử dụng cho tiệm sửa xe máy thì nên lấy loại 90 lít. Kích cỡ này còn có sản phẩm của Đài Loan, chất lượng bảo đảm hơn, giá 3,4 triệu đồng".

Chúng tôi hỏi: "Nếu máy hư, cần sửa chữa, có trung tâm bảo hành không?". Chủ cửa hàng cho biết nếu ở gần, cửa hàng sẽ cho người đến sửa, không có trung tâm bảo hành; đồng thời khuyến cáo khách nên mua máy mới vì máy cũ bán tràn lan ngoài thị trường thường do hỏng hóc trong quá trình sử dụng mới được bán lại, rất dễ nổ.

Đoạn đường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh) cũng bày bán khá nhiều máy bơm hơi. Theo ông T. (chủ cửa hàng A.T), phần lớn máy bơm hơi ở đây là hàng cũ nhập từ Nhật Bản, Đài Loan. Một chiếc máy sau khi đã sửa chữa, tân trang có giá hơn 3 triệu đồng, được bảo hành trong vòng 3 tháng. "Hàng Việt Nam giá rẻ, chất lượng không tốt, vỏ bình mỏng, dễ hỏng… nên không bán được nhiều. Hàng nhập khẩu tuy cũ nhưng vẫn tốt hơn" - ông T. khẳng định.

“Bom hơi” đầy phố - 1

Bình bơm hơi được bày bán tràn lan ở nhiều con phố

"Sợ chết, lấy gì sống?"

Khi chúng tôi đề cập giấy chứng nhận, kiểm định chất lượng bình bơm hơi, ông T. nói: "Làm một cái giấy hết cả triệu bạc mà họ cũng chỉ xem xét qua loa thôi. Tôi làm nghề này nhiều năm rồi, nhìn là biết cái nào xài được hay không. Mấy cái máy của Nhật có người xài đã gần 20 năm. Chỉ cần vận hành đúng cách, bảo đảm sẽ không xảy ra hư hỏng, nổ bình".

Dạo một vòng quanh các tiệm sửa xe, chúng tôi nhận thấy đa số máy bơm hơi đều đã bị tróc lớp sơn màu, gỉ sét, bám đầy dầu nhớt. Mỗi chiếc máy bơm hơi tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn vô tư sử dụng, không cần biết đến "lịch sử" của nó.

Chị Hương (chủ một xe bơm hơi di động trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh) thành thật: "Tôi không biết cái máy này có từ khi nào, chỉ nhớ là đã mua lại nó từ năm 1997, nghe nói là hàng Nhật. Từ lúc sử dụng đến nay, tôi thấy máy vẫn chạy tốt".

Anh Dũng - thợ sửa xe tại đường Lê Văn Việt, quận Thủ Đức - cho biết chiếc bình bơm hơi anh đang sử dụng được mua lại từ một người bạn cách đây 3 năm. "Tụi tôi không có nhiều tiền, thường hỏi mua lại máy cũ cho rẻ, chỉ còn khoảng 50%-70% giá nên tiết kiệm được một khoản, đỡ được đồng nào hay đồng đó" - anh Dũng nói. Trước câu hỏi có sợ nổ không, anh cười lớn: "Sợ chết thì lấy gì mà sống! Chỉ cần cẩn thận, xem khi nào máy nạp đủ hơi, mô- tơ còn tốt không là xài vô tư!".

Tại một tiệm bơm hơi, vá ép dưới chân cầu Rạch Chiếc, quận 2, chủ tiệm cho hay máy bơm hơi của anh đã sử dụng được hơn 20 năm. Trong thời gian sử dụng, anh chưa bao giờ mang đi kiểm tra chất lượng hay đánh giá độ an toàn. "Có thấy ai bắt phải kiểm tra đâu mà đi cho mắc công. Mình bảo quản tốt là tự thấy nó an toàn thôi" - chủ tiệm nói. Nghe chúng tôi kể về những vụ nổ bình hơi, chủ tiệm quả quyết bình bơm xe máy cỡ nhỏ, khi sử dụng chỉ cần chú ý đến đồng hồ báo là "tuyệt đối an toàn"!

Đổ qua, đẩy lại!

Ông Nguyễn Quốc Việt (Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP HCM) cho biết máy bơm hơi, máy nén khí nằm trong danh mục thiết bị đòi hỏi nghiêm ngặt về an toàn lao động. Do vậy, các cơ quan, cá nhân sử dụng thiết bị phải có trách nhiệm liên hệ cơ quan kiểm định an toàn kỹ thuật để đăng ký giám định độ an toàn. Thiết bị sau khi kiểm tra sẽ được cơ quan kiểm định dán tem công nhận đủ điều kiện sử dụng.

Các doanh nghiệp, cá nhân nào sử dụng thiết bị không qua kiểm định an toàn, khi để xảy ra tai nạn chết người, gây nguy hiểm cho cộng đồng có thể bị khởi tố hình sự. Ông Việt cũng cho biết trách nhiệm thu hồi các sản phẩm trôi nổi, không dán tem đúng quy định trên thị trường thuộc về cơ quan quản lý thị trường.

Trong khi đó, ông Phan Hoàn Kiếm (Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP HCM) cho rằng đối với mặt hàng bình hơi, khi lưu thông trên thị trường, các cơ quan an toàn lao động phải có trách nhiệm kiểm định. Lực lượng quản lý thị trường khi kiểm tra, phát hiện sản phẩm nào chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định sẽ yêu cầu cơ quan chức năng liên quan thực hiện kiểm định và xử lý theo quy định, có thể tịch thu hoặc tiêu hủy.

V.Tùng - K.Miên

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kha Miên (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN