Bộ Y tế chỉ dẫn "hô biến" nước ao hồ thành nước sạch

Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) đã đưa ra hướng dẫn chi tiết để người dân các vùng hạn hán, ngập lụt có thể xử lý nhiều nguồn nước thành nước sạch sinh hoạt.

Bộ Y tế chỉ dẫn "hô biến" nước ao hồ thành nước sạch - 1

Hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long đang rất nghiêm trọng

Theo Bộ Y tế, tình hình hạn hán, ngập mặn đang có xu hướng lan rộng như hiện nay đã ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp nước sạch để ăn uống, sinh hoạt của người dân nhiều địa phương tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên.

Nhiều nơi người dân phải dùng nước từ sông, suối, ao, hồ, kênh, mương đã bị nhiễm bẩn để sử dụng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và có nguy cơ phát sinh dịch, bệnh. Trong tình huống người dân thiếu nước sạch do lũ lụt, hạn hán, vùng ngập mặn có thể lựa chọn các nguồn nước giếng đào, nước giếng khoan để xử lý. Trường hợp không có nguồn nước ngầm, phải sử dụng nước ao hồ, sông suối, kênh rạch thì cần lựa chọn những điểm chưa bị ô nhiễm, cố gắng lấy nước càng xa bờ càng tốt và xử lý theo các bước sau đây để có nguồn nước sạch sinh hoạt

Bước 1: Làm trong nước

Có nhiều cách làm trong nước, đơn giản nhất là dùng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch. Nếu làm trong bằng phèn chua, người dân sử dụng liều lượng 1g phèn chua (một miếng bằng khoảng nửa đốt ngón tay) cho 20 lít nước. Múc một gáo nước, hoà lượng phèn tương đương thể tích nước cần làm trong cho tan hết, cho vào dụng cụ chứa nước và khuấy đều, chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong.

Trong trường hợp không có phèn chua thì có thể dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong (chú ý vải lọc bằng cotton để lọc nước đi qua được, cần thay vải khi thấy cặn trên vải lọc nhiều).

Người dân cũng lưu ý, trong trường hợp lấy nguồn nước ở sông, nước bề mặt quá đục màu, hoặc nước phù sa cần lọc bỏ bớt phù sa bằng các lớp vải màn trước khi làm trong nước theo các bước hướng dẫn trên.

Bước 2: Khử trùng nước

Sau khi đã lọc trong nước, nước trong vắt nhưng chưa sạch mà phải tiến hành khử trùng nước trước khi dùng nguồn nước này trong sinh hoạt.

Theo đó, có thể khử trùng nước bằng hóa chất hoặc đun sôi. Nếu dùng hoát chất, tại hộ gia đình người dân có thể sử dụng Cloramin B. Cloramin B được đóng gói dưới dạng viên với nhiều hàm lượng khác nhau. Hiện nay phổ biến nhất là viên Cloramin B 0,25g hoặc viên Aquatabs 67mg rất tiện lợi cho khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại, lu, xô, chậu hoặc bể chứa nước nhỏ. Một viên Cloramin B 0,25g có thể khử trùng được 25 lít nước, một viên Aquatabs 67mg có thể khử trùng được 20 lít nước trong, sau 30 phút là có thể dùng được.

Theo Bộ Y tế, sau khi đã lọc trong, khử trùng nguồn nước bằng Cloramin B thì nguồn nước này có thể sử dụng trong sinh hoạt. Tuy nhiên, nước này không được sử dụng trực tiếp mà phải đun sôi, nấu chín mới nên sử dụng.

Người dân cũng cần lưu ý, không nên tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn làm mất tác dụng khử trùng của Clo. Sau khi khử trùng ngửi thấy mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng. Trong tình huống lỡ cho quá nhiều Clo thì mở nắp, chờ thêm nửa giờ hoặc một giờ nữa cho bớt mùi nồng.

Còn trong trường hợp không có hóa chất để khử trùng, từ nguồn nước đã được lọc có thể đun rôi kỹ rồi sử dụng. Cần lưu ý không ăn các loại rau sống bằng nước chưa khử trùng. Nước sau khi đun sôi không được để quá lâu, nên thường xuyên đun nước mới hàng ngày để uống.

Ngoài các biện pháp xử lý nước như trên, hộ gia đình có thể sử dụng thêm thiết bị lọc để xử lý nước. Hiệu quả lọc nước của thiết bị phụ thuộc vào chất lượng nước đầu vào, công nghệ lọc, tình trạng và chất lượng của thiết bị lọc, thời gian sử dụng… Người dân cần lưu ý, nước đầu vào của các thiết bị lọc nước phải là nước đã được làm trong, không dùng trực tiếp nước bề mặt từ ao hồ, sông suối, kênh rạch… để tránh bít tắc thiết bị lọc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo D.Thu (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN